Bán ruộng đi làm thuê có lợi hơn

Vì vậy đồng ruộng ở đây chủ yếu là của các tỉ phú nông dân, họ trực tiếp sản xuất, không “phát canh thu tô” như nhiều người lo ngại.

Nói đến ruộng lúa, nói đến nông dân, ông Lê Văn Trí, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Phú (Sóc Trăng), phấn khích hẳn. Trong mấy mươi năm công tác từ ấp, xã rồi lên huyện, những câu chuyện về ruộng đất và nông dân luôn khiến ông đau đầu, trăn trở. Mãi đến một hôm, sau trận tranh cãi nảy lửa với ông Thạch Sal ở thị trấn Long Phú, ông Trí mới phát hiện ra rằng bấy lâu nay mình đã chống lại một quy luật đúng đắn của kinh tế nông nghiệp.

Chủ tịch xã đuối lý

Ôn lại câu chuyện ruộng đất ở Long Phú này, ông Trí nhớ rõ: “Khoảng năm 1990, với các chính sách về đất đai lúc bấy giờ, nông dân Long Phú được chia ruộng đất ra một cách tương đối đều, tùy theo nhân khẩu của từng hộ. Hộ ít thì cũng khoảng 1 ha, hộ nhiều không quá 3 ha. Khi đó anh em cán bộ địa phương ai cũng lấy làm sung sướng khi thấy rằng nông dân nào cũng có ruộng đất để cấy để cày”. Nhưng chỉ được vài năm ổn định, nông dân Long Phú bắt đầu bán đất đai. “Tôi từng là người ghét nhất cái chuyện bán đất ruộng. Khi đó tôi làm chủ tịch UBND xã Long Phú, luôn tìm cách ngăn chặn nạn nông dân kêu bán đất ruộng” - ông Trí thừa nhận.

Nên lúc đó ở xã Long Phú, một số người còn đồn đại ông Chủ tịch Trí có tính hoạnh họe người dân. Ông Trí mặc kệ, có thể ngăn được ai là quyết liệt ngăn, với suy nghĩ không để có thêm nhiều nông dân mất ruộng đất nữa.

Bán ruộng đi làm thuê có lợi hơn ảnh 1

Nhờ cơ giới, một nông hộ ở Long Phú có thể trực canh hàng trăm công ruộng. Ảnh: TRẦN VŨ

Một hôm, ông Trí gặp ông Thạch Sal. Cái lệ ở xã lúc bấy giờ là ai gửi hồ sơ xin xã xác nhận việc sang nhượng đất đai, đều bị mời lên phòng Chủ tịch Trí “uống trà”, ông Sal cũng bị mời kiểu vậy. Vẫn câu hỏi cũ dành cho những người muốn bán đất, ông Trí hỏi ông Sal: “Ông bán đất để làm cái gì?”. Ông Sal đáp gọn: “Bán ruộng, đi làm thuê”. Ông Trí trợn mắt hỏi lại: “Ông nói gì?”. Ông Thạch Sal vẫn dửng dưng, lặp lại câu nói vừa rồi khiến ông Trí mặt đỏ gay vì giận. Chưa bao giờ ông nghe một nông dân nói thẳng ruột ngựa một cách khó nghe như vậy.

Phân tích cho ông Sal nghe một chập về cái hại khi nông dân không còn ruộng để cày, ông Trí kết luận không xác nhận cho ông Sal bán đất vì lý do bán đất của ông Sal không chính đáng. Lúc này đến phiên ông Sal nổi giận, ông vỗ bàn, nẹt lại Chủ tịch Trí: “Không thì không. Nhưng ông phải làm cam kết với tôi là nếu tôi làm ruộng không đủ sống thì ông phải bù. Ông học nhiều, thử tính giùm tôi, 10 công ruộng, mỗi năm mần trúng thì được 300 giạ lúa (20 kg/giạ), trừ giống, công, thuốc, phân còn lại tối đa là 200 giạ. Mỗi ngày gia đình tôi ăn xài mất một giạ, sao mà sống đủ. Tôi làm ruộng 10 năm rồi, càng làm càng nghèo thêm…”.

Thấy ông Trí vẫn chưa chịu hiểu, ông Sal bổ tiếp: “Khi mới nhận ruộng làm, vợ chồng tôi không nợ một đồng nào. Bây giờ đã nợ gần nửa miếng đất ruộng. Cái đà này thì năm năm nữa cả miếng ruộng bị người ta lấy trừ nợ không thối lại đồng nào”. Đuối lý, ông Trí gượng gạo ký xác nhận cho ông Sal nhưng trong lòng vẫn thấy bất an, cho rằng việc ký xác nhận là một việc có lỗi với… nông dân. “Đêm đó, sau cuộc tranh cãi với ông Sal, tôi mới nhận ra hình như cái mình đang chống lại là một quy luật. Và đến nay chúng ta thấy rõ nhờ cuộc chuyển dịch đó mà nhiều nông dân ở Long Phú đã trở thành tỉ phú. Những người mất ruộng cũng có đời sống tốt hơn từ các ngành nghề khác” - ông Trí chiêm nghiệm.

Trực canh trên hàng trăm công ruộng

Bây giờ người dân ở Long Phú ai cũng có thể kể vanh vách những tên tuổi giàu có từ ruộng lúa. Tại thị trấn Long Phú có bốn “đại gia” ruộng lúa nổi tiếng là ông Phú (200 công ruộng), ông Chiến (300 công), ông Quân (150 công), ông Bảy Nhái (200 công). Ở xã Long Phú nổi bật bởi hai đại gia ruộng lúa là Kim Thái Thông và bà Dương Thị Cương. Trong đó, có hai nông dân là ông Bảy Nhái và bà Cương đã mua được xe hơi đời mới, loại bạc tỉ/chiếc.

Bán ruộng đi làm thuê có lợi hơn ảnh 2

 Cơ ngơi của một tỉ phú lúa xã Long Phú, huyện Long Phú, Sóc Trăng. Ảnh: TRẦN VŨ

Điều thú vị là tất cả tỉ phú lúa ở Long Phú đều trực canh, không ai đem ruộng cho thuê để thu tô như ta vẫn thường thấy ở một số địa phương khác. Tỉ phú Kim Thái Thông cười hiền: “Nó đơn giản là nông dân ở vùng đất này từng bán ruộng vì nhìn ra được với dưới 10 công ruộng thì không thể nuôi sống được một gia đình bền vững. Từ đó người ta mới bán ruộng, chuyển nghề nên không ai dại gì thuê lại ruộng để trồng lúa. Bản thân chúng tôi cũng không muốn làm vậy”. Ông Thông hiện có trên 400 công ruộng, vẫn trực canh. Ông bảo: “Đừng nói là 400 công, dù cho 500 hay thậm chí 700 công tôi vẫn trực canh”.

Hóa ra, sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp đã và đang tạo ra một cuộc thay đổi lớn trong ngành nông nghiệp Long Phú, thay đổi cả trong tư duy người nông dân. Ông Kim Thái Thông từ 10 năm trước đã nhận ra rằng bản thân có thể cùng một lúc điều hành sản xuất hàng ngàn công ruộng. Khi đó ông đã mạnh dạn đi rủ rê những nông dân có ít đất nên bán hoặc cầm cố đất lại cho ông. Ông sẽ thuê lại những người này làm việc cho ông. Ban đầu, người ta phản đối bởi ý nghĩ tích tụ ruộng đất là có tội với nông dân, pháp luật cũng đang hạn chế bằng cách thu thuế vượt hạn điền. Nhưng rồi không lâu, người ta thấy rằng số nông dân có ít đất ruộng bán đi có đời sống tốt hơn trước.

Ông Hữu Duyên, người từng bán hết bốn công ruộng cho ông Thông, tâm sự: “Sau khi bán hết ruộng, tôi đi làm thuê lại cho ông Thông. Hai vợ chồng tôi làm một ngày được trả tiền công tương đương hai giạ lúa. Tính ra một năm tôi làm thuê được không dưới 400 giạ lúa. Trong khi nếu để đất mần ruộng thì trúng lắm cũng chỉ được 300 giạ/năm, trừ chi phí còn hơn 100 giạ/năm. Bây giờ vợ chồng tôi đã có dư chút đỉnh rồi”. Tất nhiên ông Duyên quên “trừ hao” những ngày ốm đau, không có việc. Nhưng sự rút tỉa kinh nghiệm của chính bản thân người nông dân trong cuộc luôn đúng hơn mọi bài toán cào bằng, lý luận và lý thuyết suông nào.

Tỉ phú lúa Dương Thị Cương đúc kết: “Cả với con cháu tôi, tôi vẫn khuyên nếu không thể có nhiều ruộng đất thì cứ bán nó đi rồi chuyển nghề khác. Một nông hộ phải có ít nhất là 50 công ruộng trở lên mới mong làm giàu. Còn nếu dưới 20 công ruộng thì nên buông, tìm nghề khác”.

Từ đó đất đai Long Phú đã có một cuộc chuyển dịch không gì ngăn chặn được, lập nên một trật tự sản xuất mới hiện đại, chưa từng có trong quá khứ. Ban đầu, người ta cứ tưởng địa chủ đang tái xuất hiện, cảnh phát canh thu tô rồi sẽ đưa nhiều nông dân vào khốn khổ như thời phong kiến. Nhưng thực tế đã phủ nhận suy đoán đó: Bà Cương một mình điều hành sản xuất 180 công ruộng, ông Kim Thái Thông trực canh đến 450 công. Còn những người làm công lại cho ông Thông (20 người), bà Cương (10 người) hiện đều có cuộc sống tốt hơn xưa - một thực tế khiến người ta vững tin rằng trong một tương lai không xa, nông dân Long Phú ngày càng khá giả.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm