Bạn biết gì về loại tiền “đắp nền" Nam bộ?

Theo lời anh kể, người dân Nam bộ gọi tiền “đóng dấu” là tiền “đắp nền”. Đây là giấy bạc Đông Dương được Ủy ban Kháng chiến hành chính (UBKCHC) Nam bộ dùng con dấu đóng lên. Loại giấy bạc này Pháp đã quyết định không lưu hành trong vùng tạm chiếm nên ta lưu hành trong vùng tự do. Tiền “đắp nền” được xem như phương cách “Việt Nam hoá” giấy bạc Đông Dương, được sử dụng trong vòng bốn năm (1948-1952).

“Đắp nền” lên tiền Đông Dương

Thực chất, tiền “đắp nền” là tiền Đông Dương được UBKCHC Nam bộ quyết định tạm dùng để giải quyết tình thế khó khăn về mặt tài chính.

Anh Hiệp kể về nghiên cứu của mình: Sau cách mạng tháng tám thành công, Nam bộ chưa có điều kiện phát hành tiền tệ. Sự cách trở địa lý, việc liên thông đi lại ba miền hạn chế nên việc sử dụng tiền hết sức bị động... Thế nên, hệ thống tài chính ở nước ta tồn tại song song ba loại tiền tệ. Bắc bộ có bạc tài chính do Ngân hàng Việt Nam phát hành song hành hai loại tiền xu và tiền giấy.

Bạn biết gì về loại tiền “đắp nền" Nam bộ? ảnh 1

Bạn biết gì về loại tiền “đắp nền" Nam bộ? ảnh 2

Bạn biết gì về loại tiền “đắp nền" Nam bộ? ảnh 3

Các loại tiền “đắp nền” Nam bộ

Tiền xu có bốn mệnh giá (phát hành năm 1945-1946) gồm năm hào, 20 xu, một đồng, hai đồng. Tiền giấy cũng có nhiều mệnh giá, trong đó thấp nhất là một đồng, cao nhất là 100 đồng, gọi là tiền con trâu xanh. Trong khi đó, ở Trung bộ (chủ yếu ở liên khu 5) thì dùng phiếu tiếp tế. Còn ở Nam bộ thì dùng tiền Đông Dương cũ hay còn gọi là tiền “đắp nền”.

Theo tìm hiểu riêng của anh Hiệp, cuối năm 1947, Pháp tuyên bố không thừa nhận giấy bạc Đông Dương cũ phát hành ở Hà Nội trước đây. Pháp quy định sau ngày 10-2-1948, các loại giấy bạc này hết giá trị. Chủ sở hữu phải đem chúng đến các ngân hàng thành phố, thị xã do Pháp tái chiếm, kiểm soát để đổi loại giấy bạc ngân hàng Đông Dương được in ở Anh chở sang.

Việc đổi tiền Đông Dương ở vùng địch tạm chiếm tương đối dễ dàng nhưng lại khó khăn ở vùng tự do. Anh Hiệp nhận định: “Bằng cách đổi tiền, Pháp đã làm xáo trộn, đình trệ giao dịch mua bán của nhân dân Nam bộ trong một thời gian khá dài”.

Trong bối cảnh đó, Sở Tài chính Nam bộ ra kế hoạch đối phó bằng cách lệnh cho các địa phương đóng dấu lên tờ giấy bạc Đông Dương. Nhiều nơi còn ký tên của vị chủ tịch, hoặc đóng dấu hàng khẩu hiệu tuyên tuyền, cổ động, ủng hộ chính quyền cách mạng.

“Đắp nền” cổ động chính trị

Bộ sưu tập tiền của anh Hiệp có nhiều tiền giấy của hầu hết các tỉnh Nam bộ. Tùy diễn biến chính trị từng khu vực mà loại tiền này được đóng dấu phân chia thành ba cấp hành chính là tỉnh, quận và làng. Mỗi tờ tiền lại thể hiện một nét riêng trong bối cảnh lịch sử của từng địa phương cụ thể.

Ấn tượng ở các loại giấy bạc “đắp nền” Nam bộ là khẩu hiệu cổ động chính trị in lên tiền, như: “Ủng hộ Chánh phủ Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Chuẩn bị tổng phản công”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân tay sai thực dân Pháp”... Một số tỉnh, huyện chỉ đóng dấu ủy ban và một dấu nhỏ đặc biệt của tỉnh mình với sáu chữ viết tắt “KSKTTC”, tức “Kiểm soát kinh tế tài chính”.

Anh Hiệp cho hay loại tiền giấy “đắp nền” Nam bộ ít còn tồn tại là vì chất lượng giấy kém, tờ tiền không đẹp. Tiền “đắp nền” Nam bộ có nhiều mệnh giá, thấp nhất là một đồng vàng, cao nhất là 100 đồng vàng.

Tiền “đắp nền” sử dụng được ở nhiều tỉnh, khi sang tỉnh khác chỉ cần đóng thêm dấu. Trên tiền “đắp nền” có nhiều con dấu như dấu tròn, dấu hình chữ nhật của UBKCHC Nam bộ; dấu hình tam giác là của Ban kiểm soát kinh tế tài chính. Các con dấu này được đóng ở giữa, có khi bên trái, bên phải, cạnh phía trên, cạnh dưới tờ giấy bạc.

Đi đây đó sưu tập tiền “đắp nền” Nam bộ, anh Hiệp thu thập được những câu chuyện dân gian đầy thú vị. Anh kể: “Khi trao đổi mua bán mà không có tiền thối lui, người Nam bộ xé tiền ra làm đôi, nửa còn lại vẫn có giá trị mua bán bình thường”. Vì vậy, bộ sưu tập tiền “đắp nền” của anh có rất nhiều tờ tiền chỉ có một nửa nhưng vẫn được anh trân trọng, giữ gìn.

Anh Hiệp tâm niệm: “Tôi có sự quan tâm đặc biệt với những tờ tiền “đắp nền” vì giá trị lịch sử khá sống động của nó. Nhìn vào các dòng khẩu hiệu, người ta cảm nhận được tinh thần đấu tranh chính trị sôi sục của người dân Nam bộ kháng chiến”.

Hiện anh Huỳnh Minh Hiệp (37 tuổi) ngụ quận Bình Thạnh (TP.HCM) đang sở hữu tiền giấy của 222 quốc gia và tiền kim loại của 218 nước trên thế giới.

Năm 2005, Trung tâm Xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận anh Hiệp là người có bộ sưu tập tiền thế giới lớn nhất Việt Nam. Năm 2006, Ngân hàng nhà nước mời anh tham dự hội thảo về tiền. Trong buổi hội thảo này, bài tham luận về tiền “đắp nền” Nam bộ của anh đã gây sự chú ý đặc biệt đối với những người quản lý tiền tệ quốc gia. Điều thú vị là anh còn nắm giữ các loại giấy tờ, quyết định liên quan đến việc in tiền của nhiều thời kỳ.

Tờ tiền giấy đầu tiên trên thế giới trong bộ sưu tập của anh là tiền Rand của Nam Phi. Anh là chủ nhân của đồng tiền xu cổ xưa nhất của triều đại phong kiến Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng (năm 968-980).

Anh Hiệp kết hợp với ba người bạn cho ra mắt bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam, tiền chưa phát hành, tiền còn nguyên seri chưa cắt, tiền giấy mẫu... Buổi ra mắt diễn ra vào trung tuần tháng 7-2009, tại 102 Mạc Thị Bưởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

PHONG ĐIỀN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 9-2009) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm