MAFIA QUỐC TẾ ĐỔ BỘ VÀO PHÁP

Bài cuối: Xâm nhập ngân hàng và kinh doanh online

Giám đốc Europol ông Rob Wainwright từng cho rằng hiện tượng tội phạm có tổ chức đang thay đổi với các băng đảng ngày càng xuất hiện nhiều hơn và “ngày càng được cơ cấu chặt chẽ hơn trước đây”. Đặc biệt, đa số đến từ các nước Đông Âu như Romania, Albania, Lithuania hoặc từ châu Phi, Nigeria.

Khủng hoảng khiến tội phạm tăng nhanh

Rõ ràng các băng nhóm từ các nước Liên Xô cũ đã bắt đầu phát triển và gây ảnh hưởng sang phía tây bằng bạo lực, giết chóc, tống tiền và khai thác mại dâm. Tuy gương mặt của những tay găng-tơ này bề ngoài có vẻ mộc mạc, thô kệch nhưng hoàn toàn không che giấu được tính chất nham hiểm của hình thức tội phạm ngày càng được đa dạng hóa và trở nên tinh vi xảo quyệt hơn.

Bọn chúng rất thuần thục trong việc lợi dụng những kẽ hở của pháp luật và tận dụng triệt để thành tựu của công nghệ tiên tiến để ra tay. Vẫn theo lời người đứng đầu Europol, sự kiện này có liên quan chặt chẽ đến cuộc khủng hoảng vốn đã giáng đòn mạnh lên nhiều nền kinh tế châu Âu từ năm 2009 và tác động tiêu cực từ hoạt động của các băng nhóm tội phạm tứ xứ kia lên mọi mặt của đời sống xã hội đã tăng nhanh từ hai năm trở lại đây.

Về phần mình, chuyên gia tội phạm học Alain Bauer đánh giá như sau: “Đây là lần đầu tiên mà cuộc khủng hoảng đã tạo ra tác động khuyếch đại khiến hiện tượng tội phạm gia tăng nhanh chóng”.

Bài cuối: Xâm nhập ngân hàng và kinh doanh online ảnh 1

Tạo đất sống cho tham nhũng

Khủng hoảng cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho tham nhũng trong giới viên chức nhà nước và các cấp lãnh đạo để họ có thể kiếm thêm chút ít ngoài đồng lương cố định. Các chuyên gia của Europol lý giải rằng: “Đặc biệt, phải lưu ý đến các lãnh vực công việc nào dễ dàng tạo điều kiện để giới chức nhà nước hỗ trợ cho các hành động buôn lậu và lưu hành tiền giả”.

Thật thế, một số đơn vị cảnh sát tại Marseille (miền Nam nước Pháp) đã từng bị phát hiện là tòng phạm của các băng nhóm tội phạm. Nhiều tổ chức đưa người nhập cư trái phép sang châu Âu cũng đã được các đơn vị cảnh sát và hải quan cửa khẩu bao che nên chúng mới có thể thực hiện trót lọt nhiều phi vụ lớn.

Rửa tiền qua ngân hàng online

Vẫn theo Europol, việc các nhóm tội phạm khai thác triệt để các tiện ích của Internet nhằm phục vụ cho các “chiến dịch hành động” và các “dự án kinh doanh” của mình là hoàn toàn có thật và diễn ra ở nhiều cấp độ lớn nhỏ khác nhau. Chúng sử dụng mạng máy tính như một “thiết bị để phổ biến và cập nhật thông tin, thực hiện các dịch vụ tài chính, kể cả thực hiện mọi hình thức kinh doanh trên mạng như mở ra một siêu thị” để chiêu dụ, buôn bán và tuyển người.

Europol cho biết: “Hệ thống ngân hàng online đã mang đến cho các băng nhóm tội phạm cơ hội chuyển khoản số tài sản bất chính của chúng một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết”. Mặt khác, những ông trùm ngày nay đã “nói chuyện với nhau trên Skype” để không bị lộ. Và hơn thế nữa các trang mạng xã hội như Facebook cũng đã giúp bọn tội phạm rất nhiều. Nhìn chung, bọn tội phạm hiện đang biết tận dụng triệt để thời hoàng kim của mình. Chúng tỏ ra rất thức thời.

Bớt bạo lực để dễ làm ăn

Tháng 11-2011, quan tòa Pietro Grasso, một biểu tượng của cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức của nước Pháp đã trả lời phỏng vấn trên báo Le Figaro, trong đó ông vẫn khẳng định rằng châu Âu hiện nay đã trở thành “chiếc nôi che chở” cho các băng nhóm nguy hiểm đến từ Trung Quốc hoặc Nigeria, mặc dù các tổ chức này phần nào đã giảm thiểu các hình thức “bạo lực thuần túy” để có thể hoạt động hiệu quả hơn trên “đất khách”. Có nghĩa là bọn chúng thiên về xu hướng giảm thiểu thiệt hại nhân mạng để dễ bề “làm ăn kinh tế”.

Đầu tư “điên dại” vào Pháp

Trả lời câu hỏi: “Phải chăng hiện nay tại Pháp đang tồn tại các phân nhánh hoạt động của mafia?”, ông Pietro Grasso đáp: “Đúng vậy, nước Pháp luôn là một mục tiêu mà mafia nhắm đến. Trong thập niên 1980, chỉ một TP như Grenoble, nơi có cộng đồng đông đúc người Ý sinh sống, đã từng là điểm tập kết của các băng nhóm tội phạm đến từ bên kia dãy núi Alpes. Vào thời đại Falcone (một quan tòa người Ý chống mafia nổi tiếng, sau đó bị sát hại), những liên hệ mật thiết giữa nhóm Cosa Nostra và giới tội phạm tại Marseille đã rõ như ban ngày. Lúc đó, bọn chúng đã bắt giữ các chuyên gia hóa học người Pháp làm việc trong các phòng thí nghiệm heroin tại Palermo. Hiện nay các băng nhóm mafia nước ngoài, vốn đã sở hữu được một số vốn liếng trị giá vào khoảng 500 tỉ euro, đang đầu tư một cách “điên dại” và “ồ ạt” vào đất Pháp, đặc biệt là đầu tư vào các tụ điểm kinh doanh trò chơi và vào sòng bạc, mục đích chỉ là để rửa tiền. Bọn chúng cũng đã chen chân vào các cuộc cá cược thể thao. Nước Pháp cũng là mảnh đất màu mỡ để cất giấu và trung chuyển các sản phẩm làm ra từ cocain và các chất ma túy tổng hợp được đưa đến từ Ba Lan và Hà Lan. Ngoài ra, tôi cũng có linh cảm rằng khu vực Balkan - nơi người ta có thể nhập cảng bất cứ thứ gì và cất giữ tại bất cứ nơi đâu bởi có thể đến đó bằng đường bộ suốt 24/24 giờ - đã trở thành tâm điểm của giới tội phạm có tổ chức tại châu Âu”.

Mafia cứu nguy các ngân hàng trong khủng hoảng kinh tế

Antonio Maria Costa, người từng đứng đầu Cơ quan bài trừ ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), khẳng định rằng có “một số tín dụng liên ngân hàng đã được tài trợ từ nguồn tiền buôn lậu ma túy và những hoạt động kinh doanh phi pháp khác”. Và theo những điều tra nghiên cứu của UNODC, phần lớn số tiền này được đưa vào hệ thống kinh tế hợp pháp và chủ yếu là để giúp các ngân hàng chống đỡ khi gặp khủng hoảng. Trên thực tế, đã có nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã được cứu giúp từ các khoản tiền phi pháp này!

Bài cuối: Xâm nhập ngân hàng và kinh doanh online ảnh 2

Trong khi đó, bà Catherine Austin Fitts (ảnh) khi còn là giám đốc của Ngân hàng Đầu tư tại Wall Street đã tiết lộ trong một hội nghị được tổ chức vào năm 2007 rằng từ 500 đến 1.000 tỉ USD có được từ buôn lậu ma túy đã được dùng để giúp kinh tế (Mỹ) phát triển. Bà khẳng định: “Nếu như không có vài trăm tỉ USD kia được cố ý bơm vào nền kinh tế Mỹ, nước này có lẽ sẽ phải chịu một cuộc khủng hoảng còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng năm 1929”.

TƯỜNG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm