Bác sĩ “Tịt Tuốt” Lê Thúy Tươi: Nhiều phen đỏ mặt chuyện “súng đạn”

Đánh chữ “Lê Thúy Tươi” vào trang tìm kiếm google, gần 2,7 triệu kết quả xổ ra đủ thấy vị bác sĩ không tuổi có biệt danh “Tịt Tuốt”, “Tí Tởn” nổi tiếng cỡ nào. Vừa trở về từ chuyến công tác ở Hà Nội, bác sĩ “Tịt Tuốt” dành cho nguyệt san Pháp Luật TP.HCM một buổi “tám” cười giòn dã...

“Bạn trẻ khoái mình huỵch toẹt tuốt luốt”

Cứ chuyện phòng the, “súng đạn”, “cậu nhỏ”, “cô nhỏ”, nói chung là những chuyện tình tang tính tang thì người ta lại nghĩ tới bác sĩ. Bác sĩ học ngành gì mà lại dính vào lĩnh vực khó nói thế này ạ?

+ Bác sĩ Lê Thúy Tươi: Mình học chuyên ngành nội khoa đấy. Tốt nghiệp đại học năm 1971, mình “bị” giảng dạy môn sinh lý học. Môn này nghiên cứu tùm lum thứ liên quan đến cơ thể con người, trong đó có cả tình dục nữa. Mấy năm ở Hungary nghiên cứu đề tài chuyên về nội tiết sinh dục, thầy giáo bắt mình đọc, nghiên cứu quá xá. Cứ 3 giờ chiều thứ Sáu hằng tuần, thầy lại “quay” trò như dế, mệt bở hơi tai. Cũng nhờ vậy mà mình thu lượm được một mớ kiến thức về lĩnh vực này.

Bác sĩ “Tịt Tuốt” Lê Thúy Tươi: Nhiều phen đỏ mặt chuyện “súng đạn” ảnh 1

Bác sĩ Lê Thúy Tươi dưới nét cọ của các họa sĩ biếm. Ảnh: TTC

Rồi cơ duyên nào đẩy bác sĩ thành nhà tư vấn sức khỏe trên báo nổi tiếng như một cây viết biếm?

+ Tại mình vốn mê văn mà, thích viết lách lắm. Ngày xưa sợ thi rớt văn nên mình thi vào ngành y đó chứ. Hồi học ở Hungary xong và trở về nước, mình muốn viết quá chừng mà không dám. Mãi đến khi báo Mực Tím nhờ viết, mình mới dám “bung bút” nhưng vẫn nhan nhát, chủ yếu vừa viết vừa thăm dò xem phản ứng của bạn đọc thế nào. Không ngờ bạn trẻ lại khoái mình. Hồi Mực Tím lên mười (năm 1998), bạn đọc tuổi teen còn chọn mình là một trong 10 gương mặt tiêu biểu cùng với các ca sĩ tên tuổi. Những giây phút cực sướng ấy giống cú hích giúp mình say sưa viết.

Bạn đọc thuộc nhiều lớp tuổi, tính tình khó dễ khác nhau thì viết về chuyện khó nói như thế nào để ai cũng có thể chấp nhận được?

+ Vấn đề đau đầu đấy. Viết về những chuyện khó nói, lại ở một nước có nền văn hóa pha trộn giữa cái mới và cái cũ, giữa tân tiến và phong kiến thì mình phải chọn cách nào cho các cụ phong kiến không phản ứng mà các bạn trẻ lại ủng hộ. Vậy nên mình chọn cách viết gần gũi, dễ hiểu lại châm thêm chút hài hước để bạn đọc dễ tiếp nhận. Một số bạn trẻ chưa hài lòng 100% cách viết của mình đâu. Họ khoái mình huỵch toẹt tuốt luốt cơ. Nhưng nếu bạn để ý, những lời ẩn dụ lại chứa tất cả những gì mà các bạn quan tâm cả đấy chứ. Việt kiều ở những nước phóng khoáng như Mỹ, Úc... thỉnh thoảng cũng đưa bài của bác sĩ “Tịt Tuốt” lên mạng. Nhiều bài viết như “Đại dương mỡ trong máu” đăng trên báo được bạn đọc ở nước ngoài khen là “mắc cười quá”. Lời khen chẳng khác liều doping giúp mình cứ thế mà tiếp tục tếu.

Làm thế nào mà bác sĩ luôn có những câu trả lời tươi vui và hóm hỉnh đến thế?

+ Tất cả đều phải có thời gian để tìm ra cách viết riêng. Lúc đầu mình cũng “giáo khoa” đấy. Sau chừng vài tháng, mình tự đọc lại bài viết và suy nghĩ rằng: Khi bạn kể một câu chuyện tiếu lâm thì ai cũng nhớ. Nhưng nếu bạn kể một câu chuyện khác thì người nhớ người quên, thậm chí có người không chú ý nghe nữa. Vậy thì muốn cho bạn đọc đọc một cách thích thú và nhớ một cách tự nhiên, thỉnh thoảng mỉm cười thì chỉ có cách là chuyển tải dưới dạng vui vẻ. Mình thí dụ, nếu gọi bộ phận sinh dục nam là “kho vũ khí tối tân” thì đàn ông, đàn bà đều thấy là không phô, gọi dương vật là “cu cậu” mọi người sẽ hiểu và bật cười ngay.

Bác sĩ “Tịt Tuốt” Lê Thúy Tươi: Nhiều phen đỏ mặt chuyện “súng đạn” ảnh 2

Trong chương trình tư vấn cho nữ sinh Trường Tiểu học Bắc Hải. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tỉnh queo bắt bệnh bốc thuốc

Chuyên trị chuyện khó nói cho quý ông trên báo, có khi nào bác sĩ rơi vào tình huống dở khóc dở cười với khách hàng chưa?

+ Có chứ. Có lúc mấy ông đến phòng khám béo phì của mình, chẳng nói chẳng rằng, cứ thoát y rồi nằm vật ra giường đòi khám chỗ ấy. Quý ông thấy mình trả lời trên báo rồi cứ tưởng mình kiêm việc khám “kho vũ khí”. Mình chỉ họ đến phòng khám nam khoa của Bệnh viện Bình Dân. Vậy mà có ông giận, bảo: “Viết được thì sao không “làm” luôn đi”. Mình bảo: “Viết là kiến thức, còn tôi chỉ thích chữa béo phì, cũng là một cách làm nhưng là làm đẹp cho chị em phụ nữ”. Nói vậy họ cũng thông cảm nhưng không vui lắm.

Câu hỏi thú vị về “chuyện ấy” của bạn đọc mà bác sĩ còn nhớ?

+ “Chuyện ấy” bao giờ chả ly kỳ và rối rắm. Mình nhớ có một anh gửi câu hỏi bằng thơ thế này: “Vẫn biết lộc của trời. Phải đâu là vô hạn. Xin hỏi bác sĩ ơi. Súng khi nào hết đạn?”. Mình không phải nhà thơ nhưng bạn đọc “mần” thơ thì mình cũng “mần” đại. Mình trả lời: “Cơ số đạn khác nhau. Bắn liên thanh mau hết. Mỗi ông chừng hai lít. Bắn cầm canh sẽ bền”. Vài câu chữ nhưng ý thơ phải toát lên cả y học (hai lít), “đạn” mà hai lít thì ai chả hiểu. Còn “bắn cầm canh” thì ông nào chả hiểu đó là lời khuyên đừng có “lên cơn” liên tục, sau chả còn mà dùng nữa.

Còn những câu hỏi trời ơi chẳng dính mấy đến y học, bác sĩ có gặp không?

+ Ôi nhiều lắm nhé. Có bạn bảo họ là anh em nằm trong phạm vi ba đời, yêu nhau lắm và muốn cưới, có cách nào xét nghiệm DNA để chứng minh không ảnh hưởng đến con cái không. Mình bảo xét nghiệm phỏng ích gì, Luật Hôn nhân và Gia đình cấm rồi thì làm sao mà lấy nhau được. Có người hỏi mình sao đàn ông cứ kéo nhau đi nhậu hai, ba tăng, cứ cái đà đó thì trật tự an ninh và đời sống xã hội sẽ thế nào. Lại có bạn hỏi quan niệm của mình về chữ “trinh”. Gặp những câu này, mình đều trả lời tuốt luốt.

Bác sĩ “Tịt Tuốt” có bao giờ “tịt ngòi” vì câu hỏi khó quá không?

+ Mình cũng chưa đến nỗi “tịt tuốt”. Khổ cái là nhiều bà con còn hiểu về chuyện khó nói rất lơ mơ. Lơ mơ nhưng cứ làm đại nên mới lắm chuyện. Có người dùng từ dân dã, đọc thấy nổi gai ốc, muốn trả lời trên báo thì đành “biến hóa” từ ngữ để người đọc không bị sởn gai ốc giống mình.

“Bắt mạch bốc thuốc” trên mặt báo, cái khó là phải giữ được kiến thức khoa học cơ bản, không được sai. Còn lại là cách biến hóa của mình để chuyển tải cho bạn đọc hiểu và cảm thấy vui khi đọc.

Bác sĩ “Tịt Tuốt” Lê Thúy Tươi: Nhiều phen đỏ mặt chuyện “súng đạn” ảnh 3

Bác sĩ Lê Thúy Tươi (bìa phải) chuẩn bị ghi hình cho chương trình “Phòng mạch Mực Tím” tại Đài Truyền hình Đồng Nai. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhiều người “ngả mũ bái phục” sự đa khoa của bác sĩ qua các bài viết dí dỏm ở chuyên mục Sức khỏe với các bút danh: bác sĩ Tịt Tuốt, bác sĩ Tí Tởn. Bí kíp nào thế ạ?

+ Kiến thức y học mênh mông mà cơ thể lại giống như một tiểu vũ trụ, mỗi người một vẻ. Nếu nắm chắc kiến thức cơ bản, cập nhật thông tin, rồi vận hành theo lối viết của mình, biến nó từ khô thành ra ướt là bạn đọc chấp nhận. Còn học trong trường y ai chả học đa khoa. Mình chỉ dám “lướt” chứ đâu có “lấn” thật sâu vào các chuyên khoa, sợ mếch lòng đồng nghiệp lắm! Có lần một đồng nghiệp thân thiết đã hỏi: “Vậy chứ mày chuyên khoa gì?”. Mình tỉnh queo: “Tớ là đa khoa, giống món mì thập cẩm mỗi thứ “nhảy dù” vào một tí, cố gắng không được sai kẻo bạn đọc cười thì có mà độn thổ”.

Hơi cá nhân một chút. Hổng hiểu bác sĩ Tươi ngoài đời thế nào nhỉ?

+ Hơi “đồ cổ” một chút nhưng cũng “tân cổ giao duyên”, tức là bề ngoài là “lão bà bà” nhưng nói chuyện phóng khoáng không khuyên bảo, rao giảng mà rủ rỉ rù rì rất… tiếu lâm. Ăn mặc đơn giản, đi xe đồ cổ nhưng lên tivi thì điệu như… tuổi mới lớn. Thế mới tự nhận là “tân cổ giao duyên” chứ.

Cảm ơn bác sĩ vì cuộc trò chuyện quá thú vị này. Chúc bác sĩ “Tươi” mãi để giải đáp những thắc mắc không biết hỏi ai của bạn đọc.

+ Mình cũng chúc bạn đọc của nguyệt san Pháp Luật TP.HCM khỏe mạnh như chúa sơn lâm, làm ăn tính toán chắc chắn như cọp săn mồi, tình yêu tình dục lãng mạn như tuần trăng mật của vợ chồng cọp để cả năm Canh Dần chúng ta luôn có những nụ cười. Mà nhớ cười be bé, đừng gầm lên lại… mất duyên nhé.

Xin cám ơn bác sĩ.

MINH HIẾU thực hiện

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 3-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm