Apple tranh thương hiệu iPad - Bài 2: Tất cả chỉ vì tiền?

Trên số báo trước, chúng tôi đã đưa ra ý kiến phía Công ty Proview Technology Co. (Proview mẹ - ở Trung Quốc) rằng hợp đồng mua bán bản quyền thương hiệu iPad của Tập đoàn Apple Inc. với Công ty Proview Electronics Co. (Proview con - Đài Loan) là vô hiệu. Apple đã nôn nóng, không tìm hiểu kỹ chủ sở hữu thương hiệu iPad trước khi ký hợp đồng mua bán.

Ngày 29-2, luật sư Ma Dongxiao, đại diện Công ty Proview mẹ, tiếp tục cảnh cáo Tập đoàn Apple Inc. có nguy cơ không được bán toàn bộ sản phẩm máy tính bảng iPad, kể cả máy tính bảng iPad thế hệ thứ ba (sẽ ra mắt vào tuần tới tại Mỹ) tại thị trường Trung Quốc nếu không thay tên sản phẩm máy tính bảng iPad.

Apple sẽ đổi tên iPad?

Về phía mình, Apple cho rằng hợp đồng mua bán với Proview con bao gồm cả quyền sử dụng bản quyền thương hiệu iPad cả trên thị trường Trung Quốc. Một khi đã thỏa thuận xong việc mua bán có nghĩa là Apple được toàn quyền sử dụng nhãn hiệu này trên toàn thế giới, trong đó có cả thị trường Trung Quốc. Hai công ty Proview con và Proview mẹ đã vi phạm hợp đồng khi không cho Apple bán sản phẩm nhãn hiệu iPad ở Trung Quốc.

Luật sư Ray Mai, vốn là giám đốc và luật sư phụ trách bộ phận pháp lý của Proview mẹ và hiện đã thôi chức vụ này, đã đại diện cho phía Proview con trong cuộc thương lượng mua bán bản quyền thương hiệu iPad với chi nhánh Apple ở Anh. Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg qua điện thoại ngày 17-2, ông Ray Mai cho biết thời điểm xảy ra việc mua bán đó tình trạng tài chính Proview con không được tốt, trong khi đó Apple lại là một trong những tập đoàn mạnh nhất toàn cầu. Lúc ấy đại diện phía Tập đoàn Apple có mặt rất nhiều luật sư nổi tiếng, rất nhiều công ty luật nổi tiếng.

Apple tranh thương hiệu iPad - Bài 2: Tất cả chỉ vì tiền? ảnh 1

Ông Graham Michael Robinson, một nhân chứng của Tập đoàn Apple Inc. trong vụ kiện đến tòa án cấp cao tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 29-2. Ảnh: REUTERS

Hiện hai bên đang chờ phán quyết của tòa án cấp cao tỉnh Quảng Đông về kháng cáo của Apple (đã xét xử ngày 29-2). Hãng tin Bloomberg ngày 17-2 dẫn nhận định của luật sư về sở hữu trí tuệ He Fang (Công ty Luật quốc tế Rouse & Co. International Chi nhánh Thượng Hải) rằng phán quyết của tòa án cấp cao tỉnh Quảng Đông có thể sẽ là phán quyết mang yếu tố quyết định cho cuộc chiến pháp lý này. Công ty Proview mẹ sẽ thua về chung cuộc nếu tòa án cấp cao tỉnh Quảng Đông ra phán quyết có lợi cho Apple.

Theo luật sư He Fang, về lý thuyết, nếu bị xử thua, hai bên vẫn có quyền kháng cáo tiếp lên TAND Tối cao Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế việc chờ đợi được xét xử gần như là vô vọng, vì tòa này chỉ xét xử trung bình 1% tổng số vụ kiện tòa nhận được.

Như vậy có hai khả năng xảy ra. Hai bên sẽ bắt tay dàn xếp, Apple sẽ chi cho Proview mẹ một khoản tiền để được sử dụng thương hiệu iPad ở thị trường Trung Quốc. Từ đầu đến giờ, các luật sư của Proview mẹ luôn nói rằng công ty có ý muốn dàn xếp vụ việc với Apple bên ngoài tòa án nhưng Apple khăng khăng không chịu. Vậy có thể sẽ xảy ra khả năng thứ hai, đó là Apple sẽ quyết định đổi tên sản phẩm máy tính bảng iPad ở thị trường Trung Quốc chứ không chịu dàn xếp. Phần mình, Proview mẹ chắc chắn sẽ tiếp tục kiện đòi bồi thường việc Apple đã sử dụng thương hiệu iPad ở Trung Quốc thời gian qua.

Hiện một bộ phận dân Trung Quốc đã nghĩ ra sẵn một vài cái tên thay cho tên iPad, như HiPad, MiPad. Nhiều người sử dụng các sản phẩm truy cập Internet ở Trung Quốc khẳng định họ vẫn sẽ chọn sản phẩm máy tính bảng của Tập đoàn Apple Inc., dù nó có mang tên gì chăng nữa.

Kiện vì tiền?

Giữa tháng 2, luật sư Roger Xie của Công ty Proview mẹ cho biết công ty vẫn chưa quyết định mức tiền cuối cùng sẽ buộc Tập đoàn Apple Inc. bồi thường là bao nhiêu. Mức 10 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ USD) mà công ty đề cập với Tân Hoa xã (Trung Quốc) hồi tháng 12-2012 chỉ là mức sơ bộ.

Proview mẹ từng là một trong những công ty sản xuất màn hình máy tính hàng đầu thế giới. Sản phẩm chủ lực trước đây là màn hình hộp vốn đã vắng bóng trên thị trường nhiều năm gần đây sau khi màn hình tinh thể lỏng LCD ra đời.

Apple tranh thương hiệu iPad - Bài 2: Tất cả chỉ vì tiền? ảnh 2

Trụ sở Công ty Proview Technology Co. (Proview mẹ) tại TP Thâm Quyến (Quảng Đông, Trung Quốc). Ảnh: AP

Thông tin từ trang web Công ty Proview mẹ cho thấy hiện công ty này đã chuyển sang sản xuất màn hình LCD, tivi LCD và đèn LED. Công ty Proview mẹ từng xây dựng một loạt sản phẩm “iFamily” như iTV, iWeb và iPad được ra mắt năm 2000. Tuy nhiên, không giống sản phẩm máy tính bảng iPad của Tập đoàn Apple Inc. tạo nên cơn sốt khi ra mắt thị trường năm 2010, sản phẩm máy tính để bàn màn hình cảm ứng iPad của Công ty Proview mẹ đã không được thị trường chú ý nhiều.

Năm 2009, Công ty Proview mẹ chìm sâu vào nợ nần vì kinh doanh thua lỗ. Cổ phiếu công ty này bị ngưng giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vào ngày 2-8-2010. Ngày 30-12-2011, sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong ra cảnh báo cuối rằng cổ phiếu của Công ty Proview mẹ sẽ bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán vào ngày 29-6 tới nếu công ty này không sớm công bố kết quả kinh doanh tích cực.

Trước đó, ngày 2-12-2011, Công ty Proview mẹ thông báo đã đạt được một thỏa thuận đầu tư với một công ty đầu tư có tên Rally Praise Ltd. nhằm cấu trúc lại và tăng vốn cho Công ty Proview mẹ. Tuy nhiên, không tìm ra được bất kỳ thông tin nào về công ty có tên Rally Praise Ltd. trên Internet.

Báo Vũ Hán Buổi Tối (Trung Quốc) ngày 22-2 nhận định tất cả động thái kiện tụng của Công ty Proview mẹ với Apple chỉ nhằm mục đích duy nhất: tiền. Mọi người đang tò mò theo dõi xem liệu Công ty Proview mẹ đang trong thời điểm khó khăn có thể buộc được một tập đoàn mạnh như Apple chi tiền ra cho mình hay không. Nhiều nhà phân tích tài chính Mỹ, Trung Quốc cũng nhận định Công ty Proview mẹ muốn xoay tiền để giải quyết nợ nần.

Hãng tin CNN (Mỹ) ngày 29-2 dẫn cáo buộc của Proview mẹ rằng Apple đã không trực tiếp thương lượng mua bản quyền thương hiệu iPad mà chỉ dùng một công ty hình thức thay mặt mình - Công ty IP Application Development ở Anh (viết tắt là IPAD). Người đại diện công ty này khi thương lượng mua bán đã giấu giếm mình làm việc cho Apple, mà chỉ nói mình đại diện cho Công ty IPAD. Công ty IPAD cũng đã hứa sau khi mua được thương hiệu iPad sẽ không gắn tên iPad với một sản phẩm nào có tính cạnh tranh với sản phẩm của Công ty Proview mẹ.

Trên hãng tin CNN ngày 29-2, luật sư về sở hữu trí tuệ Kenny Wong thuộc Công ty Luật Mayer Brown JSM (Hong Kong) cho rằng sự việc kiện tụng xảy ra là do sau khi hợp đồng mua bán hoàn thành phía Công ty Proview mẹ mới phát hiện ra đối tác mua thật sự là Tập đoàn Apple Inc. Nếu ngay từ đầu biết được thì Proview mẹ đã không bỏ qua cơ hội ngã giá cao hơn và sự cố kiện tụng chắc đã không xảy ra. Vì cảm thấy bị lừa, Proview mẹ mới soi lại hợp đồng, tìm ra các điểm trái luật pháp Trung Quốc và đi kiện.

Luật sư về bản quyền thương hiệu Eugene Low (Công ty Luật toàn cầu Mayer Brown JSM Chi nhánh Hong Kong) cho rằng tính đến thời điểm này, tài sản có giá trị nhất của Proview mẹ là quyền sử dụng nhãn hiệu iPad ở Trung Quốc. Nếu đúng vậy thì khả năng tốt nhất cho Proview mẹ bây giờ là dàn xếp vụ kiện càng sớm càng tốt để kiếm tiền chứ không phải đeo đẳng cuộc chiến pháp lý lâu dài.

Khó có thể tin một tập đoàn lớn như Apple lại mạo hiểm mua một bản quyền thương hiệu mà không xem xét kỹ lưỡng mọi vấn đề. Nhưng rõ ràng Apple đã bị hớ khi mua bản quyền thương hiệu iPad từ Proview con chứ không phải từ chính Proview mẹ - nơi thực sự giữ quyền sở hữu thương hiệu iPad.

HỒNG CẨM (Theo CNN, China Daily, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm