Apple Inc. tranh thương hiệu iPad - Bài 1: “Con” bán, “mẹ” đi kiện

Tập đoàn Máy tính Apple Inc. (Mỹ) đang vướng vào vụ kiện tụng bản quyền thương hiệu sản phẩm thuộc hàng rắc rối nhất từ trước tới nay với một công ty Trung Quốc. Sản phẩm ấy là thiết bị truy cập Internet cá nhân iPad, hay còn gọi là máy tính bảng iPad.

Kiện từ Trung Quốc

Công ty Proview Technology Co. ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (gọi tắt là Công ty Proview mẹ) thuộc Tập đoàn Proview International Holdings ở đặc khu Hong Kong. Proview mẹ này lại có chi nhánh ở lãnh thổ Đài Loan là Công ty Proview Electronics Co. (gọi tắt là Proview con).

Bản quyền thương hiệu iPad thuộc về Proview mẹ.

Đầu năm 2000, Proview con đăng ký bản quyền thương hiệu iPad ở một số nước. Trong khi đó, Proview mẹ đăng ký bản quyền thương hiệu iPad ở Trung Quốc vào năm 2001.

Tập đoàn Máy tính Mỹ Apple Inc. có chi nhánh ở Anh là Công ty IP Application Development Ltd. (gọi tắt là chi nhánh Apple ở Anh).

Cuối năm 2009, chi nhánh Apple ở Anh đã ký hợp đồng với Proview con mua lại bản quyền thương hiệu iPad với giá 55.163 USD.

Năm 2010, Proview mẹ gửi đơn tới hơn 40 cơ quan trực thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc để yêu cầu các cơ quan này buộc Tập đoàn Apple Inc. ngưng bán máy tính bảng iPad tại thị trường Trung Quốc vì thương hiệu iPad là của Proview mẹ.

Sau đó, máy tính bảng iPad của Apple Inc. đã bị ngưng bán ở một số thành phố tại Trung Quốc. Apple Inc. đã kiện Proview mẹ tới Tòa án TP Thâm Quyến.

Apple Inc. tranh thương hiệu iPad - Bài 1: “Con” bán, “mẹ” đi kiện ảnh 1

Luật sư đại diện cho Công ty Proview Technology Co. (Proview mẹ) trả lời báo chí sau phiên xử ở Tòa án Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 23-2. Ảnh: AP

Kiện sang tới tòa án Mỹ

Ngày 17-11-2011, Tòa án Thâm Quyến mở phiên tòa xét xử và đã bác đơn kiện của Apple Inc. Lý lẽ tòa đưa ra như sau:

- Bản quyền thương hiệu iPad thuộc về Proview mẹ.

- Proview con không có thẩm quyền mua bán thương hiệu iPad và hợp đồng Proview con ký kết với chi nhánh Apple ở Anh chưa được Proview mẹ thông qua.

- Nếu Tập đoàn Apple Inc. muốn mua lại bản quyền iPad thì phải tuân thủ pháp luật Trung Quốc là phải ký kết trực tiếp hợp đồng mua bán với Proview mẹ.

Sau phán quyết của Tòa án Thâm Quyến, Apple Inc. kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Quảng Đông.

Song song theo đó, Proview mẹ đã đệ đơn kiện Tập đoàn Apple Inc tới các tòa án ở Hong Kong, Thượng Hải và một số thành phố khác của Trung Quốc.

Tháng 7-2011, Tòa án Hong Kong lại phán quyết Apple Inc. được quyền sử dụng thương hiệu iPad tại thị trường Trung Quốc.

Kế tiếp đến ngày 23-2, Tòa án Thượng Hải bác đơn của Proview mẹ đề nghị buộc Apple Inc. ngưng bán máy tính bảng iPad tại ba cửa hàng lớn ở Thượng Hải và bác luôn đơn kiện Apple Inc. vi phạm bản quyền nhãn hiệu iPad ở Trung Quốc. Proview mẹ kháng cáo.

Kiện tụng giữa hai bên đã lan sang tới Mỹ. Ngày 17-2, Proview mẹ và Proview con cùng đệ đơn kiện Tập đoàn Apple Inc. lên Tòa án hạt Santa Clara ở bang California. Hai công ty này tố Apple phạm tội lừa đảo và đề nghị tòa án Mỹ ra phán quyết yêu cầu Apple hủy bỏ hợp đồng mua bán, không được bán máy tính bảng có tên iPad ở thị trường Trung Quốc, không sử dụng thương hiệu iPad nữa và bồi thường cho hai công ty 2 tỉ USD.

Đến giữa tháng 2, Proview mẹ đã chính thức yêu cầu Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngăn chặn đường nhập khẩu và xuất khẩu của máy tính bảng iPad của Apple Inc.

Hợp đồng mua bán vô hiệu?

Ông Rowell Long-san Yang là giám đốc điều hành Tập đoàn Proview International Holdings, từ chức năm 2010 vì tập đoàn vướng nợ nần do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện nay ông lãnh đạo một số công ty con của Proview International Holdings, trong đó có Proview mẹ. Ông cũng là người sáng lập Proview con.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 21-2, ông cho biết hồi tháng 3-2009, Tòa án TP Thâm Quyến đã phán quyết hai ngân hàng Bank of China Ltd. và China Minsheng Banking Corp. kiểm soát Proview mẹ bởi công ty này đang chìm trong nợ nần.

Ông cho biết lúc Tập đoàn Apple Inc. mua bản quyền thương hiệu máy tính bảng iPad, Proview mẹ không những đang bị ngân hàng kiểm soát và phải chịu sự giám sát của Tòa án TP Thâm Quyến, bởi thế công ty không có quyền lập bất kỳ hợp đồng mua bán nào nếu không thông qua hai ngân hàng trên. Ông tiết lộ không ai trong ban lãnh đạo Proview mẹ (ở Trung Quốc) biết chuyện Proview con ở Đài Loan bán bản quyền thương hiệu iPad cho Tập đoàn Apple Inc.

Ông Rowell Long-san Yang giải thích Tập đoàn Apple Inc. rất nôn nóng có được bản quyền thương hiệu iPad để tung ra sản phẩm máy tính bảng iPad. Bởi thế chỉ hơn một tháng sau khi hợp đồng giữa Proview con ở Đài Loan và chi nhánh Apple ở Anh được ký kết, ngày 27-1-2010, Tổng Giám đốc Apple Inc. Steve Jobs đã công bố ra mắt máy tính bảng iPad.

Phiên tòa ngày 29-2

Ngày 29-2, Tòa án cấp cao tỉnh Quảng Đông đã mở phiên xét xử kháng cáo của Tập đoàn Apple Inc. về phán quyết của Tòa án TP Thâm Quyến.

Phát biểu với báo chí trước phiên tòa, luật sư Roger Xie đại diện cho Proview mẹ nhận định Tập đoàn Apple Inc. không đưa ra thêm nhiều chứng cứ mới để tự bảo vệ. Và với các chứng cứ đã trình bày trong phiên tòa trước, Apple Inc. không thể nói có quyền sử dụng thương hiệu iPad ở Trung Quốc. Luật sư này tự tin nói Proview mẹ sẽ thắng trong phiên kháng cáo, đồng thời tuyên bố công ty vẫn để mở khả năng dàn xếp bên ngoài tòa với Tập đoàn Apple Inc.

Tập đoàn Apple Inc. đã không tìm hiểu thấu đáo trước khi ký kết hợp đồng. Tính chất pháp lý trong vụ kiện này là Công ty Proview Electronics Co. (Proview con) ở Đài Loan có thẩm quyền bán bản quyền thương hiệu iPad cho Apple Inc. hay không hay thẩm quyền đó chỉ thuộc về Công ty Proview Technology Co. (Proview mẹ) ở Trung Quốc và hai ngân hàng kiểm soát.

Tại phiên tòa, các luật sư của Tập đoàn Apple Inc. cho biết có ít nhất ba nhân viên của Proview mẹ tham gia các cuộc đàm phán dẫn đến ký kết hợp đồng mua bán bản quyền thương hiệu iPad. Hai trong ba người là ông Rowell Long-san Yang, Chủ tịch Proview mẹ và luật sư Ray Mai, giám đốc và luật sư phụ trách bộ phận pháp lý của Proview mẹ. Bằng chứng là trong hợp đồng mua bán có đầy đủ chữ ký của các nhân vật đã nêu.

Các luật sư đại diện cho Proview mẹ phản bác rằng ông Rowell Long-san Yang và luật sư Ray Mai không đại diện cho Proview mẹ khi tham gia đàm phán mua bán bản quyền thương hiệu iPad mà đại diện cho Proview con ở Đài Loan.

Tòa án cấp cao tỉnh Quảng Đông vẫn chưa đưa ra phán quyết. Theo nhận định của luật sư Jeremy Zhou ở Công ty luật Joinway (Thượng Hải), phải mất vài tuần hoặc vài tháng tòa án mới có thể có phán quyết cuối cùng. Luật sư nhận định nếu thời gian chờ phán quyết kéo dài, khả năng dàn xếp bên ngoài tòa của hai bên có thể dễ xảy ra.

Báo Chicago Tribune (Mỹ) ngày 29-2 nhận định phiên tòa nêu trên sẽ tạo tiền lệ cho các vụ kiện pháp lý sau này về bản quyền thương hiệu ở Trung Quốc. Báo cho rằng tòa án chậm ra phán quyết sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh máy tính bảng iPad của Tập đoàn Apple Inc. tại Trung Quốc. Hiện một bộ phận lớn khách hàng ở Trung Quốc tìm mua máy tính bảng iPad (chiếm 76% thị phần tại Trung Quốc) từ các đường dây buôn lậu từ đặc khu Hong Kong do nhiều cửa hàng ở Trung Quốc đã ngưng bán iPad.

HỒNG CẨM (Theo NPR.org, Business Week, China Daily)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm