Vụ tai nạn đường sắt cầu Ghềnh: Bốn cựu nhân viên gác chắn lãnh án tù

TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã tuyên phạt Trần Văn Thời, Bùi Văn Thuấn, Nguyễn Văn Lương (đều là nhân viên gác chắn cầu Ghềnh) mỗi người năm năm sáu tháng tù, Trần Viết Hải (nhân viên gác chắn) ba năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, tòa cũng phạt Trần Minh Châu bảy năm tù về tội cản trở giao thông đường sắt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoảng 19 giờ 10 ngày 6-2-2011 (mùng 4 tết âm lịch), Thời phụ trách trực ngoài đầu cầu chắn số 4 nhưng vào trong chốt ăn cháo, để mặc các phương tiện giao thông phía phường Bửu Hòa tự do vào cầu Ghềnh. Tám phút sau, dù tàu SE2 gọi điện thoại xin đường nhưng Thời không ra gác đầu cầu, cũng như không ấn nút đèn đỏ cấm các phương tiện giao thông đi vào lòng cầu Ghềnh.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: T.DŨNG

Đến 19 giờ 29 phút, tàu SE2 lại điện thoại xin đường lần thứ hai. Lần này Thuấn cầm đèn tín hiệu ra đầu cầu, còn Thời ấn nút chuông và đèn tín hiệu, đồng thời hạ chắn barie không cho ô tô vào trong lòng cầu. Khi tàu hỏa đang đến, các nhân viên gác chắn yêu cầu các xe phía chắn số 4 lùi lại nhưng Châu (tài xế xe ô tô) không chấp hành. Đến khi Châu chịu lùi xe thì tàu SE2 đã lao đến đâm hàng loạt ô tô. Tai nạn làm hai người tử vong, 22 người khác bị thương.

Theo tòa, Thời, Thuấn, Lương đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, chức trách được giao. Cụ thể, Thời đã tự ý bỏ gác chắn số 4 để đi ăn cháo, bỏ mặc cho các ô tô lưu thông theo hướng từ phường Bửu Hòa vào cầu Ghềnh mà không có sự điều tiết. Còn Lương gác tại chắn số 3 dù không nhận được tín hiệu trả lời từ chắn số 4 (do Thời đã bỏ vị trí) nhưng vẫn cho năm ô tô theo hướng từ xã Biên Hòa đi vào cầu, dẫn đến các ô tô này đối đầu với các ô tô ngược lại, gây kẹt xe trong lòng cầu. Về Thuấn, việc Thời bỏ vị trí là vi phạm quy chế, vi phạm quy tắc điều tiết dẫn đến lòng cầu Ghềnh không thông thoáng nhưng Thuấn không có biện pháp ngăn cản. Còn bị cáo Hải trực bên hông gác chắn số 3 không thực hiện các biện pháp khẩn cấp theo quy định của ngành đường sắt, không thông báo cho tổ tàu SE2 biết nguy cơ tai nạn.

Tại phiên tòa, riêng Châu một mực kêu oan rằng mình tuân thủ luật giao thông khi đi qua cầu, lùi xe ngay khi nhân viên gác chắn yêu cầu. Các luật sư của Châu nói Châu không có hành vi cản trở giao thông đường sắt như cáo trạng quy kết.

Tuy nhiên, tòa cho rằng lập luận của các luật sư không có căn cứ. Bởi qua lời khai của Châu, các bị cáo khác và các nhân chứng, có căn cứ để xác định tổng thời gian mà nhân viên gác chắn yêu cầu cho đến khi Châu chịu lùi xe là 2-3 phút. Bản thân Châu không chấp hành ngay yêu cầu của nhân viên gác chắn mà chửi thề đối với nhân viên gác chắn, đòi các xe phía đối diện phải lùi, chỉ đến khi nghe nói có người đi cấp cứu, đồng thời được người ngồi trong xe nói nhường đường thì Châu mới chịu lùi xe. Mặt khác, từ lời khai của các bị cáo cho thấy phía sau xe của Châu còn có một ô tô nhưng xe này chấp hành ngay lập tức yêu cầu lùi xe của nhân viên gác chắn, tạo khoảng trống cho các xe phía trước lùi lại…

Chưa rõ đèn tín hiệu bật hay không

Theo HĐXX, vụ án này đã từng trả hồ sơ nhiều lần nhưng đến nay cơ quan điều tra (CQĐT) vẫn chưa xác định được trước khi tàu vào cầu thì đèn tín hiệu đã bật hay chưa. HĐXX cho biết sẽ kiến nghị với CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm.

Trước đây, lái tàu Nguyễn Văn Túy và phụ lái Nguyễn Xuân Phú đã bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, Tô Quang Toán (nhân viên bảo trì đèn tín hiệu) bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau đó VKSND TP Biên Hòa đã miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ba người này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm