Vụ 5 triệu yen: Phải trả cho chị ve chai

Các vấn đề pháp lý phát sinh trong vụ 5 triệu yen đã được các chuyên gia đưa ra nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau. Một vấn đề được dư luận quan tâm trong vụ việc này là cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết nếu vật được phát hiện nhưng không xác định được ai là chủ sở hữu và cả trường hợp có căn cứ xác định được chủ sở hữu hợp pháp của vật được phát hiện.

Xác lập quyền sở hữu nếu không có chủ hợp pháp

TS Lê Minh Hùng (Trưởng bộ môn Luật dân sự- ĐH Luật TP.HCM) cho rằng theo Điều 239 BLDS 2005, người phát hiện tài sản là động sản không xác định ai là chủ sở hữu thì phải thông báo công khai để tìm lại chủ sở hữu mà trả lại tài sản. Hết thời hạn một năm mà không có ai đến nhận thì người phát hiện được xác lập quyền sở hữu theo quy định pháp luật.

Trong vụ 5 triệu yen, số tiền trên đã được chị Hồng giao nộp cho Công an quận Tân Bình. Cũng theo quy định của BLDS 2005, công an chỉ có chức năng, trách nhiệm quản lý, giữ gìn tài sản khi được người phát hiện mang tài sản đến giao nộp nhằm đảm bảo cho tài sản được bảo quản nguyên vẹn, không bị mất mát, hư hỏng, thất thoát. Cơ quan công an không phải là chủ thể có quyền giải quyết tranh chấp dân sự, nhất là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Do vậy, Công an quận Tân Bình không có bất cứ quyền hạn gì trong việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng giao nộp. Đồng thời khi hết thời hạn thông báo tìm kiếm theo quy định mà không xác định được chủ sở hữu hợp pháp thì tài sản trên đương nhiên thuộc về người phát hiện (chị Hồng) và Công an quận Tân Bình có trách nhiệm giao lại số tiền trên cho chị Hồng.

Lưu ý rằng việc xác lập quyền sở hữu của chị Hồng trong trường hợp này là đương nhiên theo quy định của BLDS mà không cần do cơ quan chức năng nào công nhận.

Bà Ngọt và chị Hồng trong vụ tranh chấp 5 triệu yen bị bỏ quên. Ảnh: CTV

Có tranh chấp thì tòa án giải quyết

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư (LS) Lê Quang Y (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) cho rằng trường hợp vật được phát hiện có người nhận mình là chủ sở hữu, yêu cầu trả lại vật thì theo quy định hiện hành có hai trường hợp giải quyết.

Trường hợp thứ nhất, qua xác minh cho thấy có căn cứ xác định người tự nhận là chủ sở hữu nhưng thực tế họ không phải là chủ sở hữu hợp pháp của vật thì cơ quan công an phải giao lại vật cho người phát hiện. Nếu không đồng ý, người tự nhận là chủ sở hữu có quyền khởi kiện tranh chấp đòi tài sản tại tòa án có thẩm quyền (trong vụ 5 triệu yen là TAND quận Tân Bình).

Trường hợp thứ hai, người tự nhận là chủ sở hữu của vật có đầy đủ chứng cứ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp và việc xác minh của cơ quan công an xác định đúng họ là chủ sở hữu thì nếu không có tranh chấp người phát hiện vật và người chủ sở hữu có quyền tự thương lượng, thỏa thuận với nhau. Cơ quan công an phải tôn trọng sự thỏa thuận này. Giả dụ, nếu có căn cứ rõ ràng bà Ngọt chính là chủ sở hữu hợp pháp mà chị Hồng ve chai cũng đồng ý thì để bà Ngọt và chị Hồng thương lượng (thưởng/cho/tặng một phần số tiền này), nếu họ thương lượng thành thì công an cần tôn trọng kết quả thương lượng này.

Nhưng nếu hai bên không thỏa thuận được mà có tranh chấp thì sao? Bấy giờ, công an cần hướng dẫn các bên khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, LS Lê Quang Y cũng cho rằng quy định như hiện nay cũng chưa hợp lý đối với các trường hợp chủ sở hữu có đầy đủ chứng cứ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản được phát hiện. “Nếu họ đã có đủ căn cứ chứng minh quyền sở hữu của mình đối với tài sản và kết quả xác minh của cơ quan chức năng cũng đúng như vậy thì luật cần trao quyền cho cơ quan đang quản lý tài sản được trao trả luôn cho chủ sở hữu. Với quy định như hiện nay buộc các bên phải giải quyết tranh chấp tại tòa là không hợp lý” - LS Y kiến nghị.

Nên quy định việc thưởng cho người phát hiện

Hiện nay, luật không quy định thời hạn xác minh chủ sở hữu tài sản nên nếu việc xác minh bị kéo dài quá lâu cũng không có căn cứ để người dân khiếu nại. Do vậy trong lần sửa đổi BLDS tới đây cần quy định thời hạn xác minh chủ sở hữu cụ thể, có thể là 30 ngày chẳng hạn. Ngoài ra hiện nay luật cũng chưa tính đến phần của người phát hiện. Trường hợp vật được phát hiện phải trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp thì luật cũng cần tính đến việc thưởng cho người phát hiện bằng chính giá trị phần trăm trên tài sản đó mà người chủ sở hữu phải trả cho người phát hiện.

LS Châu Quý Quốc, Đoàn LS TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm