VKS Bình Phước: ‘Tòa tuyên vô tội là sai!’

Liên quan đến việc HĐXX TAND tỉnh Bình Phước tuyên ông Nguyễn Văn Đồng không phạm tội giết người, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước (ảnh) nói: “HĐXX tuyên vô tội là không khách quan, không đúng quy định pháp luật. VKS sẽ kháng nghị để cấp phúc thẩm hủy án theo hướng có tội”.

Phát hiện biên bản nghị án khống

. Phóng viên: Thưa ông, ông cho rằng “HĐXX không khách quan” phải chăng xuất phát từ việc kiểm sát viên giữ quyền công tố phát hiện biên bản nghị án khống, trong đó ba hội thẩm nhân dân trong HĐXX đã ký tên sẵn trong biên bản nghị án mà không có nội dung vụ án?

+ Viện trưởng Lê Đức Xuân: Sau khi HĐXX tuyên án như vậy, tôi đã yêu cầu kiểm sát viên giữ quyền công tố báo cáo cụ thể sự việc trên. Về biên bản nghị án khống bị kiểm sát viên phát hiện, tôi đã báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao và Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước để có hướng giải quyết đúng quy định pháp luật.

. Quan điểm của VKS tỉnh như thế nào khi HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Văn Đồng không phạm tội?

+ Về chiếc đồng hồ - vật chứng của vụ án: Khi công an xã mời làm việc, phát hiện Đồng đeo đồng hồ có vết màu nâu nên công an xã lập biên bản tạm giữ và niêm phong. Tại cơ quan CSĐT (có luật sư tham gia), Đồng thừa nhận sáng 28-1-2013 khi đến nhà bị hại, Đồng có đeo đồng hồ trên cho đến khi bị mời đến công an xã. Khi thu giữ đồng hồ, công an xã có lập biên bản và bỏ vào hộp niêm phong đồng hồ, trên đồng hồ có vết màu nâu. Đồng có ký vào biên bản và ký vào hộp niêm phong. Đồng không giải thích được việc tại sao có vết màu nâu trên đồng hồ (sau này giám định đó là vết máu của bị hại).

Tuy nhiên, tại phiên tòa, Đồng lại khai khi công an thu đồng hồ thì không có vết màu nâu. Về hình thức biên bản thu giữ: Công an xã lập biên bản thu giữ và niêm phong trong một biên bản, không có biên bản niêm phong riêng. HĐXX cho rằng đồng hồ không được niêm phong theo Điều 75 BLTTHS. Điều 75 không quy định việc thu và niêm phong vật chứng phải được lập thành hai biên bản riêng biệt. Khi phát hiện đồ vật có dấu vết tội phạm, công an xã đã chủ động thu giữ niêm phong để đảm bảo tính “kịp thời” được quy định tại khoản 1 Điều 75 BLTTHS. Đồng thời Pháp lệnh Công an xã cho phép công an xã được thu giữ vật chứng. Công an xã giao đồng hồ cho công an huyện, sau đó được bàn giao cho cơ quan CSĐT tỉnh cùng với hồ sơ vụ án. Việc thu giữ có biên bản, có niêm phong và bị can có ký tên.

Như vậy, chiếc đồng hồ mang vết máu có đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ theo quy định của pháp luật, đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. HĐXX nhận định đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, không khách quan, dấu vết trên đồng hồ không phải là chứng cứ để từ đó bác bỏ chứng cứ này là không đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Đồng, người vừa được HĐXX TAND tỉnh Bình Phước tuyên vô tội tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24-8. Ảnh: PV

Không có quy định về tuổi của nhân chứng

. Quan điểm của VKS thế nào khi HĐXX không công nhận người làm chứng Trần Ký Thảo (con ông Ửng, nạn nhân) vì cho rằng thời điểm cháu Thảo làm chứng chưa đủ sáu tuổi?

+ HĐXX nhận định thời điểm xảy ra vụ án Trần Ký Thảo mới chỉ năm tuổi sáu tháng 13 ngày và căn cứ vào Điều 21 BLDS năm 2005 cho rằng: “Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự”. Việc nhận định nói trên là không có căn cứ, vì cháu Thảo tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người làm chứng trong vụ án hình sự được điều chỉnh theo quy định của BLTTHS. Khoản 1 Điều 55 BLTTHS quy định: “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể triệu tập đến làm chứng”. Theo đó, cháu Thảo vẫn tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng được, vì luật không quy định độ tuổi của người làm chứng.

Mặt khác, Điều 21 BLDS năm 2005 quy định “Người không có năng lực hành vi dân sự”. Theo đó, “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân” được quy định tại Điều 17 bộ luật này được hiểu là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Còn năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được quy định rõ tại khoản 3 Điều 14 bộ luật này quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”.

. Việc HĐXX đánh giá biên bản ghi lời khai của cháu Trần Ký Thảo vào lúc 19 giờ ngày 28-1-2013 có ông Chiến Sỹ Cắm là người đại diện, do Công an xã Đức Liễu ghi biên bản là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và tính khách quan của vụ án?

+ Đây là tài liệu xác minh ban đầu trước khi khởi tố vụ án, được xem xét, đánh giá cùng các lời khai của cháu Thảo, sau đó cơ quan CSĐT đã mời người giám hộ như người thân, cô giáo của cháu Thảo tham gia ghi lời khai đúng luật. Từ bản khai đầu tiên đến bản khai tại phiên tòa, cháu Thảo vẫn khai thống nhất về việc Đồng cãi nhau, đánh và đẩy bị hại xuống giếng. Đồng thời, đối chiếu với lời khai của các nhân chứng gián tiếp cũng phù hợp về thời điểm bị cáo Đồng chạy xe ra khỏi nhà ông Ửng và thời điểm cháu Thảo cùng em đứng khóc đợi mẹ và chị về ở ngoài đường sau nhà. Ngoài ra, lời khai của ông Cắm cũng rất tình cờ khi đưa cháu Thảo lên công an xã lấy lời khai đã nghe Thảo khai như vậy, càng khẳng định việc cháu Thảo khai là trung thực, khách quan. Vì vậy, cần khẳng định lời khai của cháu Thảo là có cơ sở, khách quan, đúng quy định của pháp luật và phải được xem là chứng cứ.

“Có sự việc phạm tội, không truy tố oan”

. Thưa ông, ông nghĩ sao về nhận định của HĐXX rằng cơ quan tố tụng có nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm?

+ Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, BLTTHS quy định cho CQĐT được tiến hành nhiều các hoạt động điều tra nhằm làm rõ sự thật, khách quan vụ án nhưng không có nghĩa CQĐT phải thực hiện tất cả hoạt động này. Do vậy, việc HĐXX nhận định cơ quan tiến hành tố tụng không khám xét nhà ở… là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng là không đúng quy định của BLTTHS. Trong vụ án này, CQĐT và VKS đã phối hợp thực hiện rất nhiều hoạt động điều tra theo quy định pháp luật để chứng minh hành vi giết người của Đồng.

Về việc không giám định dấu vân tay trên viên gạch và khúc cây thu tại hiện trường: Sau khi xảy ra vụ án, hiện trường đã bị xáo trộn do nhiều người dân đến xem, viên gạch đã bị vỡ thành bốn mảnh, khúc cây có bề mặt gồ ghề… Nên khi khám nghiệm hiện trường, cán bộ kỹ thuật hình sự không phát hiện dấu vết, từ đó không trưng cầu giám định.

. Còn HĐXX cho rằng việc thực nghiệm điều tra không đúng quy định?

+ Về tiến hành thực nghiệm điều tra không theo quy định tại Điều 153 BLTTHS: Do bị can không thừa nhận hành vi phạm tội nên không có căn cứ cho bị can thực nghiệm. Cơ quan CSĐT cho nhân chứng Trần Ký Thảo (thực nghiệm cùng người đóng thế bị hại, nhân chứng và bị can) để xác định địa điểm bị can đánh bị hại, điểm bị can đẩy bị hại rơi xuống giếng và vị trí Thảo đứng quan sát khi vụ án xảy ra. Kết quả phù hợp với lời khai của Thảo, phù hợp với kết quả khám nghiệm.

. HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 107 BLTTHS “không có sự việc phạm tội” để tuyên bị cáo Nguyễn Văn Đồng không phạm tội. Phải chăng VKS đã truy tố oan ông Đồng?

+ Vụ án giết người được khởi tố, điều tra từ nguồn tin báo, tố giác tội phạm của gia đình ông Ửng về việc ông Ửng bị chết. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, ghi lời khai các nhân chứng, thu giữ vật chứng đưa đi giám định cùng các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án đã đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội xảy ra. Do vậy, HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 107 BLTTHS nhận định “không có sự việc phạm tội” là không khách quan.

. Xin cám ơn ông.

Vẫn chứng minh bị can không phạm tội nhưng…

Trong quá trình chỉ đạo giải quyết các vụ án hình sự, chúng tôi luôn đưa ra một luận điểm xuyên suốt: Còn có một tình tiết nào xác định người bị khởi tố, bị can hoặc đối tượng tình nghi không phạm tội thì phải đề ra yêu cầu điều tra thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh. Nhưng đồng thời cơ quan tố tụng cũng không được bỏ lọt tội phạm và phải quyết liệt đấu tranh với các tội phạm, đặc biệt đối với loại tội phạm giết người.

Ông LÊ ĐỨC XUÂN, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước

Không có việc biên bản nghị án khống

Tôi khẳng định hoàn toàn không có việc biên bản nghị án khống như kiểm sát viên nói. Biên bản nghị án được thực hiện đúng trình tự thủ tục tố tụng. Không có việc hội thẩm ký sẵn trước vào biên bản nghị án khi chưa có nội dung nghị án. Trong vụ án trên, HĐXX thấy không đủ căn cứ kết tội nên tuyên ông Đồng không phạm tội giết người. HĐXX áp dụng tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội để xét xử. Nếu không đủ chứng cứ kết tội, HĐXX phải mạnh dạn tuyên vô tội.

Thẩm phán NGUYỄN VĂN NHÂN,
chủ tọa phiên tòa xử ông Đồng vô tội

HĐXX độc lập xét xử

Việc HĐXX tuyên ông Nguyễn Văn Đồng không phạm tội giết người đó là nhận định của HĐXX. Quan điểm của lãnh đạo TAND tỉnh là HĐXX có quyền độc lập xét xử, không ai can thiệp và họ chịu trách nhiệm về bản án đã tuyên.

Ông NGUYỄN HỮU TRÍ, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm