Việt Nam sắp gia nhập Công ước La Haye

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, hằng năm có khoảng 3.000 ủy thác tư pháp mà các nước gửi tới Việt Nam và Việt Nam gửi ra nước ngoài. Cùng với quá trình hội nhập, mở rộng quan hệ dân sự, kinh tế với bên ngoài, con số này đang gia tăng 20% mỗi năm. Tuy nhiên, do thiếu vắng cơ chế hợp tác quốc tế nên chỉ khoảng 40% yêu cầu được đáp ứng. Số còn lại gặp vướng mắc, gây khó khăn cho việc giải quyết các nhu cầu, lợi ích dân sự, thương mại của cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài. Để gỡ vướng, Chính phủ đã nghiên cứu, đàm phán để gia nhập Công ước La Haye - khuôn khổ pháp lý cho tống đạt giấy tờ trong lĩnh vực dân sự, thương mại (đã có 68 quốc gia ký kết).

Về thẩm quyền, Hiến pháp 2013 đã trao cho Quốc hội thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế quan trọng và những điều ước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân hoặc điều ước có nội dung trái với luật, nghị quyết của Quốc hội. Các điều ước khác thì thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch nước. Chính phủ thấy rằng với Công ước La Haye này thì thẩm quyền quyết định thuộc về Chủ tịch nước. Tuy nhiên, do quy định trong Hiến pháp chưa được hướng dẫn, giải thích cụ thể nên Chủ tịch nước đã yêu cầu Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi nghe trình bày của đại diện Chính phủ và Ủy ban Đối ngoại - cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, xác định việc phê chuẩn công ước này thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước. Như vậy, Chính phủ sẽ trình kết quả nghiên cứu, đàm phán Công ước La Haye để Chủ tịch nước quyết định phê chuẩn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm