Vì sao thi hành án ‘tích cực’ bất thường?

Theo đơn khởi kiện từ năm 2006, hai bà Phan Thị Nga và Trương Thị Ánh cho rằng nguồn gốc khu đất gần 430 m2 tại thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới (An Giang) là của vợ chồng ông bà cố của họ tạo lập nên. Năm 1936 khi các cụ lần lượt qua đời, phần đất giao cho một người con là ông Nguyễn Văn Tư tiếp tục quản lý, sử dụng. Khi ông Tư mất, gia tộc giao khu đất cho con ông Tư quản lý và phát sinh tranh chấp. Trong thời gian này, vợ chồng bà Nguyễn Thị É đã đến cất trại cưa trên khu đất đó. Nay hai bà Nga - Ánh yêu cầu vợ chồng bà É phải trả lại đất.

Ngược lại, vợ chồng bà É trình bày: Cha bà É là con nuôi của ông Tư, được ông Tư cho xây nhà ở từ năm 1965. Sau khi ông Tư mất, vợ chồng bà É trực tiếp sử dụng phần đất trên, đến tháng 1-2002 thì được UBND tỉnh An Giang cấp giấy đỏ.

Tám năm, sáu phiên tòa, từ bị đơn thành nguyên đơn

Tháng 6-2008, TAND huyện Chợ Mới xử sơ thẩm tuyên bác yêu cầu đòi đất của hai bà Nga - Ánh. Ba tháng sau, TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm lại tuyên chấp nhận yêu cầu đòi đất của hai bà Nga - Ánh. Nhưng cuối năm 2011, TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án về cho TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm lại.

Lúc này vụ án trở nên phức tạp vì sau khi có bản án phúc thẩm thì tháng 9-2009, Thi hành án (THA) huyện Chợ Mới đã cưỡng chế gia đình bà É để lấy đất giao cho hai bà Nga - Ánh. Ba tháng sau, hai bà Nga - Ánh được UBND huyện cấp quyền sử dụng đất. Sau đó, họ đã nhanh chóng bán đất cho hai người khác và chủ đã được cấp giấy mới và xây nhà.

Cha đã mất, mẹ thì già yếu nên hai người con của bà É làm người đại diện tại phiên tòa ngày 9-6. Ảnh: T.TÙNG

Trở lại quá trình giải quyết của tòa, tháng 7-2011, TAND tỉnh xử phúc thẩm lần hai đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND huyện Chợ Mới xử sơ thẩm lại. Trong thời gian chờ TAND huyện xử sơ thẩm lại thì hai bà Nga - Ánh rút đơn khởi kiện nên tòa đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của họ.

Tuy nhiên, phía vợ chồng bà É phản tố yêu cầu hủy các giấy đỏ mà UBND huyện cấp cho hai người mua đất nên tòa vẫn tiếp tục xem xét yêu cầu này. Tại phiên tòa này, TAND huyện đã tuyên hủy giấy đỏ do UBND huyện cấp cho phía người mua đất, buộc họ phải tháo dỡ nhà, giao lại đất cho bà É. Sau đó, hai bà Nga - Ánh và hai người mua đất kháng cáo bản án này. Xử phúc thẩm lần ba vào tháng 5-2013, TAND tỉnh tiếp tục tuyên hủy án, giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại.

Kế đó, chánh án TAND tỉnh An Giang ký quyết định rút hồ sơ vụ án lên để tòa tỉnh xử sơ thẩm do vụ án phức tạp. Tháng 10-2013, sau khi thụ lý vụ án, TAND tỉnh đã xác định lại tư cách tham gia tố tụng của các đương sự: Hai bà Nga - Ánh là bị đơn, bà É và bốn đồng thừa kế của chồng bà (lúc này đã mất) là nguyên đơn. Tòa cũng xác định hai người mua đất của hai bà Nga - Ánh, UBND huyện Chợ Mới cùng THA huyện này là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Vội vã thi hành, vất vả sửa sai

Ngày 9-6 vừa qua, tại phiên xử sơ thẩm lần ba, TAND tỉnh đã tuyên chấp nhận yêu cầu của phía bà É, buộc hai bà Nga - Ánh phải trả lại gần 430 m2trên cho gia đình bà bằng cách quy ra giá trị tiền. Cụ thể, bị đơn phải hoàn lại giá trị lô đất theo giá đã thẩm định là hơn 630 triệu đồng. Ở phiên tòa này, đại diện UBND và THA huyện có đơn xin xét xử vắng mặt.

Tòa nhận định gia đình bà É quản lý, sử dụng hợp pháp khu đất tranh chấp từ năm 1965 nhưng lại bị thu hồi để cấp cho hai bà Nga - Ánh rồi hai người này chuyển nhượng cho những người khác là sai. Cụ thể, sai phạm chính là của THA huyện Chợ Mới trong việc cưỡng chế gia đình bà É phải THA ở giai đoạn trước đó. Ngày 5-5-2009, TAND Tối cao có văn bản yêu cầu hoãn THA trong vòng 90 ngày (để xem xét giám đốc thẩm) kể từ ngày nhận được văn bản. THA huyện xác nhận ngày 10-5-2009 họ mới nhận được văn bản này nhưng khi ra quyết định tạm hoãn, THA không ghi thời gian bắt đầu từ ngày 10-5 mà lại ký lùi năm ngày (bắt đầu từ 5-5 như trong văn bản của TAND Tối cao). Theo tòa, đây là hành vi ra văn bản trái pháp luật của THA huyện. Sau đó, khi chưa đủ 90 ngày thì THA đã tổ chức cưỡng chế phá bỏ trại cưa của gia đình bà É lấy đất giao cho hai bà Nga - Ánh. Đây là sai phạm thứ hai. Sai phạm tiếp theo là khi chưa hết thời gian tạm hoãn THA, THA huyện vẫn có kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy đỏ của bà É để cấp cho hai bà Nga - Ánh. Từ những sai phạm trên, tòa cho rằng cần phải phục hồi nguyên trạng tài sản bị cưỡng chế THA (bị sai) dù đã THA xong. Tuy nhiên, do đất hai bà Nga - Ánh đã chuyển nhượng cho hai người khác nên không thể buộc họ giao trả lại cho phía bà É nhà, đất mà trả bằng giá trị đất như trên.

Sau phiên xử, phía bà É cho biết sẽ kháng cáo bản án này theo hướng bà phải nhận lại đất vì đây là đất hương hỏa của gia đình, bà sẵn sàng hỗ trợ 50% giá trị tài sản của chủ mới đã xây dựng trên đất. Như vậy là sau nhiều năm với bảy phiên tòa, vụ kiện này xem ra vẫn chưa kết thúc.

Bị đơn và luật sư bỏ về

Tại phiên tòa ngày 9-6 vừa qua, ngay trước khi tòa khai mạc, phía bà Nga - Ánh cùng luật sư đã bỏ về mà không giải thích gì với thư ký phiên tòa. Tại tòa, đại diện VKSND tỉnh (có nhiệm vụ giám sát hoạt động tố tụng tại tòa) cho rằng hành vi này là sự từ bỏ quyền lợi hợp pháp của mình vì tòa đã tống đạt giấy mời hợp lệ. Từ đó, VKS đề nghị tòa vẫn tiếp tục phiên xử vì không ảnh hưởng gì đến quá trình tố tụng. Trong phần nhận định trong bản án, HĐXX cũng đồng quan điểm với đại diện VKS về sự vắng mặt của nguyên đơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm