Chính phủ ban hành nghị định về chính sách đối với lao động nữ

Theo đó, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động (kèm theo đề nghị của cơ sở khám, chữa bệnh về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi). Thời hạn báo trước theo thời hạn của cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định; trường hợp không có chỉ định của cơ sở có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ, hai bên tự thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Ngoài ra, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày được nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; thời gian nghỉ này vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc; phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.

Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ cũng được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám do Bộ Y tế ban hành. Khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ.

Doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi doanh nghiệp sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên; từ trên 100 đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 30% trở lên và doanh nghiệp sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm