Tranh bị ‘chôm’: tòa xử, tòa không

Hầu hết đơn kiện của ông được các tòa thụ lý, riêng TAND TP.HCM lại trả đơn vì “chưa đủ điều kiện khởi kiện”...

Họa sĩ Nguyễn Văn Lộc là tác giả của tác phẩm “hình thức thể hiện tranh tết dân gian”, được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả vào tháng 1-2013.

Có tòa thụ lý

Theo họa sĩ Lộc, cứ vào mỗi dịp tết đến, hàng trăm công ty, đơn vị đã vô tư sử dụng tác phẩm trên của ông dưới mọi hình thức, từ quảng cáo đến truyền hình, trang trí website, trang trí trụ sở, cửa hàng… Phát hiện nơi nào sử dụng kiểu vô tư như vậy, ông gửi văn bản thông báo cho họ biết về việc xâm phạm quyền tác giả của ông. Tuy nhiên, chỉ một đài truyền hình và vài công ty có hồi đáp, mời ông đến xin lỗi và thương lượng, còn lại hầu hết đều im hơi lặng tiếng, tiếp tục sử dụng trái phép tác phẩm của ông.

Bức xúc, họa sĩ Lộc đã gửi hàng trăm đơn khởi kiện đến các tòa nơi các công ty xâm phạm quyền tác giả của ông có trụ sở. Phần lớn các đơn kiện của ông đều được thụ lý. Trong đó, một số tòa đã đưa vụ kiện ra xét xử với kết quả cuối cùng là ông thắng kiện.

Chẳng hạn tại TAND quận 3 (TP.HCM), họa sĩ Lộc khởi kiện Công ty Cổ phần Đầu tư V. vì đã sử dụng tác phẩm của ông để trang trí tại một nhà hàng ở quận này. Chứng cứ ban đầu của họa sĩ Lộc chỉ là ảnh chụp bằng ĐTDĐ về hiện trạng, hình ảnh trước cửa nhà hàng. Xử sơ thẩm hồi tháng 5-2015, TAND quận 3 đã tuyên buộc Công ty V. phải bồi thường cho ông 10 triệu đồng. Sau đó Công ty V. kháng cáo rằng mình chỉ vô ý sử dụng tác phẩm trên nên đề nghị giảm mức bồi thường. Khi TAND TP.HCM giải quyết phúc thẩm, hai bên thương lượng thành, thỏa thuận giảm mức bồi thường xuống còn 7 triệu đồng.

Vụ khác, họa sĩ Lộc khởi kiện Công ty CP XNK và DV ô tô M. ra TAND quận Tân Bình vì sử dụng tác phẩm của ông trang trí cho một cửa hàng ô tô. Chứng cứ ban đầu mà ông nộp cho tòa cũng chỉ là ảnh chụp tại cửa hàng này. Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình tuyên bác yêu cầu của họa sĩ Lộc vì nhận định các hình ảnh trong tác phẩm gốc của họa sĩ Lộc có nguồn gốc được lưu truyền từ lâu trong dân gian. Họa sĩ Lộc chỉ thay đổi một số đường nét, sắp xếp theo một bố cục và hình thức thể hiện để tạo nên tác phẩm riêng của mình. Họa sĩ Lộc kháng cáo. Sau đó, trong quá trình TAND TP.HCM giải quyết phúc thẩm, các bên đã thỏa thuận được mức bồi thường hợp lý.

Tác phẩm “hình thức thể hiện tranh tết dân gian” của họa sĩ Lộc. Ảnh: L.TRINH

Họa sĩ Nguyễn Văn Lộc cùng giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Ảnh: L.TRINH

Có tòa trả đơn

gần đây, họa sĩ Lộc rất bất ngờ khi TAND TP.HCM ra thông báo trả lại năm đơn khởi kiện của ông. Tòa này cho rằng ông “không cung cấp được chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp” nên thuộc trường hợp “chưa có đủ điều kiện khởi kiện” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 BLTTDS.

Cũng giống như khi nộp đơn kiện tại nhiều tòa khác, chứng cứ ban đầu mà họa sĩ Lộc cung cấp cho TAND TP.HCM kèm với đơn khởi kiện cũng chỉ là giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả về tác phẩm “hình thức thể hiện tranh tết dân gian” cùng với ảnh chụp hiện trạng, hình ảnh tại các nơi sử dụng trái phép tác phẩm của ông. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các tòa khác đều thụ lý, giải quyết thì TAND TP.HCM lại từ chối thụ lý, trả đơn kiện.

Họa sĩ Lộc bức xúc: “Hiện tại, các công ty, đơn vị mà tôi khởi kiện ra TAND TP.HCM vẫn đang sử dụng trái phép hình ảnh tác phẩm của tôi. Để chứng minh điều này, tôi chỉ có cách là chụp lại website, hình ảnh tại nơi mà tác phẩm của tôi bị họ sử dụng trái phép. Tôi in ra, gửi kèm đơn khởi kiện nộp cho tòa từ tháng 7-2015, đến tháng 11 thì tòa ra thông báo trả đơn. Tôi đã có đơn khiếu nại về việc này nhưng hơn hai tháng nay vẫn chưa được tòa trả lời. Trong khi đó, Điều 170 BLTTDS quy định trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn kiện, chánh án tòa án phải ra một trong các quyết định như giữ nguyên việc trả lại đơn kiện hay nhận lại đơn kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để thụ lý vụ án. Sắp tết rồi, tôi ra đường, vào siêu thị, nhà sách… thấy nhiều nơi sử dụng trái phép tác phẩm của mình mà chán nản quá! Con đường đi kiện để bảo vệ quyền tác giả chính đáng, hợp pháp sao mà nhiều gian nan quá!”.

“Đủ điều kiện khởi kiện”!

Về mặt pháp lý, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Nguyễn Thương Tín (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: Họa sĩ Lộc cho rằng tác phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền. Để chứng minh cho điều này, đương nhiên ông Lộc phải nghĩ ngay đến việc chụp ảnh, quay clip lại. “Đây được xem là chứng cứ ban đầu của hồ sơ khởi kiện. Còn việc đánh giá các chứng cứ đó có đủ để tòa chấp nhận yêu cầu của ông Lộc hay không lại là chuyện khác trong giai đoạn xét xử. Nếu xét thấy chứng cứ không thuyết phục được thì tòa bác yêu cầu chứ sao lại trả đơn? Theo tôi với những tài liệu, chứng cứ ban đầu mà ông Lộc nộp cho tòa như vậy mà tòa cho rằng ông Lộc không cung cấp chứng cứ và trả lại đơn kiện là không đúng” - ThS Tín nói.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Phương Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Việc tòa từ chối thụ lý đơn kiện của ông Lộc là không thuyết phục vì kể cả khi đương sự không thu thập được chứng cứ thì vẫn có quyền yêu cầu tòa thu thập giúp. Bên cạnh đó, luật sư Thi cũng cho rằng ông Lộc nên cân nhắc việc mời thừa phát lại lập vi bằng để sau này người xâm phạm bản quyền không thể chối cãi được.

Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với TAND TP.HCM và được cán bộ tòa cho biết thẩm phán ra các thông báo trả lại đơn kiện của họa sĩ Lộc hiện đang nghỉ phép, lãnh đạo tòa sẽ sắp xếp một buổi làm việc trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi vụ việc có diễn tiến mới.

Người khởi kiện có thể nộp chứng cứ ban đầu

Về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện cho tòa án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

(Theo Điều 6 Nghị quyết 05/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLTTDS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm