Trắng tay vì bị từ chối định giá tài sản

Ngày 6-1-2013, chị Nguyễn Thị Hường buôn bán tại ki-ốt D1 của chợ Phú Lợi, thị trấn Định Quán (huyện Định Quán, Đồng Nai) thuê Chu Thanh Hoan là chủ cơ sở trang trí nội thất làm mái che di động phía trước cho ki-ốt của chị. Ngoài ra, chị còn yêu cầu Hoan làm kệ để nón và hàn khung sắt nối dài thêm mái che lợp tôn bên hông ki-ốt D1.

Nới mái che, cháy cả chợ

9 giờ ngày 7-1-2013, Hoan cùng thợ hàn là Hoàng Văn Quang đến ki-ốt D1 đo đạc. Chị Hường trực tiếp đến gặp Dương Huy Nguyệt là trưởng ban quản lý chợ xin cho làm mái che. Nguyệt trả lời: “Làm thì làm nhưng khi nào yêu cầu dỡ bỏ thì phải dỡ”.

Khoảng 18 giờ ngày 10-1-2013, Hoan cùng hai thợ hàn là Quang và Nguyễn Thế Huynh (thợ phụ) mang theo máy hàn điện, máy cắt sắt đến hàn khung sắt nối mái che cho chị Hường. Do lúc này các tiểu thương vẫn đang còn buôn bán nên chưa làm được. Đến khoảng 18 giờ 30 cùng ngày, các tiểu thương dọn dẹp hàng và đóng cửa ra về thì Huynh cắm phích điện máy hàn, máy cắt sắt vào ổ điện trong ki-ốt D1. Quang trèo lên cao hàn, còn Huynh ở dưới đất cắt sắt thành từng đoạn ngắn đưa cho Quang hàn.

Đến 19 giờ 30 cùng ngày, Mai Xuân Tâm là nhân viên bảo vệ chợ đi kiểm tra, đóng cửa các ki-ốt trong khu bách hóa và cúp cầu dao điện theo quy định. Thấy Huynh và Hoan đang hàn mái che cho chị Hường nên đứng nói chuyện một lúc rồi bỏ đi vào văn phòng ban quản lý chợ. Đến 20 giờ cùng ngày, Huynh phát hiện lửa phát cháy tại ki-ốt D6, D7 là hai ki-ốt của ông Nìm Chi Chiến bán vải và quần áo nên nói cho chị Hường biết. Chị Hường tri hô và báo cho Tâm. Sau đó lửa cháy lan ra 40 ki-ốt trong khu nhà bách hóa chợ. Toàn bộ khu nhà bách hóa chợ Phú Lợi gồm 40 ki-ốt và tài sản, hàng hóa trong chợ của 28 tiểu thương bị cháy rụi.


Cũng như 26 tiểu thương khác, chị Nguyễn Thị Bảy (trái) bị thiệt hại 600 triệu đồng trong vụ cháy nhưng không được xem xét, bồi thường. Ảnh: TIẾN DŨNG

Từ chối định giá tài sản

Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đồng Nai kết luận nguyên nhân cháy chợ Phú Lợi là trong khi sử dụng đường dây 220 V cho việc hàn, cắt kim loại tại ki-ốt D1 của chị Hường, khả năng do đường điện cấp nguồn đi trên ki-ốt D6, D7 vỏ cách điện bị yếu dẫn đến chạm, chập tạo nguồn nhiệt gây cháy và cháy lan.

Trong khi đó, kết luận định giá lại tài sản số 2631/STC-HĐĐGTSTTHS ngày 1-7-2014 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự - UBND tỉnh Đồng Nai thì khu bách hóa chợ xã Phú Lợi trị giá hơn 680 triệu đồng. Tuy nhiên, hàng hóa của 27 tiểu thương kinh doanh tại 40 ki-ốt trong khu nhà bách hóa chợ Phú Lợi thì các thành viên hội đồng biểu quyết 100% từ chối việc định giá tài sản (không có cơ sở để xác định giá trị thiệt hại) do các tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản không đầy đủ.

Cáo trạng ngày 30-12-2014 của VKSND huyện Định Quán đã truy tố các bị cáo Phan Thanh Hùng, Dương Huy Nguyệt, Mai Xuân Tâm, Nguyễn Thị Hường, Chu Thanh Hoan, Hoàng Văn Quang và Nguyễn Thế Huynh về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo khoản 1 Điều 240 BLHS.

Ngày 28-1-2015, TAND huyện Định Quán đã tuyên phạt các bị cáo từ ba đến tám tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Về trách nhiện dân sự, tòa buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho UBND huyện Định Quán gần 550 triệu đồng.

Không xét phần thiệt hại của tiểu thương

Riêng đối với tài sản thiệt hại của 27 hộ tiểu thương kinh doanh tại 40 ki-ốt trong khu bách hóa chợ Phú Lợi, tòa cho rằng kết luận định giá tài sản không xác định được giá trị thiệt hại nên tòa không xem xét. Theo tòa, vấn đề này tách ra giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có đơn khởi kiện.

Chính phán quyết này của TAND huyện Định Quán đã gây bức xúc cho các tiểu thương. Bởi theo họ, bản án hình sự chưa xử phần bồi thường thiệt hại do hàng hóa bị cháy cho họ là chưa khách quan, chưa hết trách nhiệm.

Theo các tiểu thương, việc cơ quan định giá tỉnh Đồng Nai từ chối giám định thì cũng chưa phải là cơ sở để TAND huyện Định Quán khẳng định không có cơ sở để xác định thiệt hại. Ngoài ra, các tiểu thương có kê khai hàng hóa bị thiệt hại ngay từ khi cháy nhưng cơ quan định giá tỉnh Đồng Nai từ chối giám định là vô lý. Mặc dù họ không có hóa đơn nhưng họ chứng minh được gần như hoàn toàn và đầy đủ các chứng cứ về tài sản bị cháy thông qua sổ ghi lấy hàng nhưng cơ quan giám định lại từ chối. “Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xác minh hàng hóa để định giá tài sản thiệt hại đã bị cháy” - tiểu thương Nguyễn Thị Bảy nói.

Bị hại hay là người liên quan?

Theo các tiểu thương, họ là những người bị thiệt hại do chợ Phú Lợi bị cháy do sự quản lý thiếu trách nhiệm của ban quản lý chợ. Thế nhưng cơ quan tố tụng huyện Định Quán lại xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng. “Thiệt hại của chúng tôi là trực tiếp chứ không phải gián tiếp. Việc TAND huyện Định Quán xác định tiểu thương chúng tôi chỉ là người liên quan khiến chúng tôi mất quyền kháng cáo về hình phạt đối với các bị cáo. Cấp phúc thẩm không thể xem xét phần này. Hơn nữa, tòa nhận định mức độ thiệt hại ít nghiêm trọng là không khách quan vì ngoài thiệt hại khung chợ thì thiệt hại tài sản của tiểu thương lên tới hàng tỉ đồng” - tiểu thương Nguyễn Thị Bảy nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm