Thi hành án tắc tị vì đương sự ‘chơi chiêu’

Ông Huỳnh Văn Phàng (xã Định Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) có ba thửa đất giáp ranh với ba thửa đất của ông hàng xóm Trần Văn Tám. Ông Phàng cho rằng ông Tám đã lấn sang hai thửa đất của ông với diện tích tổng cộng 332 m2. Năm 2010, ông Phàng khởi kiện yêu cầu ông Tám trả lại diện tích lấn chiếm. Đồng thời ông yêu cầu tòa xác định ranh đất giữa nhà ông và nhà ông Tám từ mốc M10 đến M3 và từ M1 đến M7 theo sơ đồ đo đạc của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) huyện.

“Chiêu độc” qua mặt tòa và vô hiệu hóa thi hành án

TAND huyện Lai Vung thụ lý vụ án tranh chấp ranh giới QSDĐ và tiến hành thẩm định tại chỗ để đo đạc xác định mốc ranh. Tháng 6-2011, xử sơ thẩm, tòa này tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Phàng, buộc ông Tám phải trả lại diện tích nêu trên. Tòa cũng xác định ranh giới mốc QSDĐ như yêu cầu của nguyên đơn và giải thích ranh được xác định theo chiều thẳng đứng từ không gian xuống lòng đất, nếu cây trồng, vật kiến trúc của bên này lấn qua bên kia thì phải di dời. Ông Tám kháng cáo. Xử phúc thẩm tháng 2-2013, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên y án sơ thẩm.

Sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện ra quyết định THA theo yêu cầu của ông Phàng nhưng quá trình THA gặp khó bởi hiện trạng sử dụng đất đã thay đổi. Tháng 3-2014, THA huyện có công văn kiến nghị TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.

Theo đó, khi đi xác minh để THA thì chấp hành viên phát hiện tại hai thửa giáp ranh nối từ mốc M1 đến M7 có một căn nhà cấp bốn của con ông Tám xây lấn qua đất của ông Phàng 0,56 m với chiều dài hơn 16 m. Căn nhà này xây lấn ranh sau khi tòa huyện xử sơ thẩm và trước khi tòa tỉnh xử phúc thẩm khoảng tám tháng. Nhà mới được xây trên nền móng của căn nhà cũ nhưng lại lấn sang đất của ông Phàng. Thế nhưng tại bản án phúc thẩm, tòa không đề cập gì đến việc xử lý hành vi xây dựng và không quyết định gì đến việc xử lý căn nhà này. Do đó, THA không thể tiến hành tháo dỡ vì nội dung bản án không tuyên điều này.

Ông Thái Văn Làng, con rể của ông Phàng, cho biết sẽ thay cha vợ theo đuổi vụ việc đến cùng. Ảnh: T.TÙNG

Chờ đến bao giờ?

Tháng 11-2014, chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục kiến nghị TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm hủy bản án của mình.

Tòa tỉnh cho rằng khi tòa huyện xét xử sơ thẩm thì tại phần giáp ranh đã có sẵn một căn nhà cũ nên tòa đã giữ nguyên hiện trạng và dùng chính phần móng nhà làm ranh đất giữa hai bên để quyết định bản án. Khi xử xong thì con ông Tám tháo dỡ căn nhà tạm đó xây lại kiên cố hơn và lấn chiếm qua phần ranh đất mà án sơ thẩm đã tuyên như số liệu của THA đã đo. Bản án phúc thẩm chưa xem xét toàn bộ quan hệ pháp luật có tranh chấp, cụ thể là chưa đưa con ông Tám vào tham gia vụ án với tư cách là người liên quan, vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Do vậy, THA không thể buộc người này phải thi hành bản án phúc thẩm.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn nửa năm nhưng vẫn chưa có hồi âm từ TAND Tối cao.

Riêng kiến nghị của Chi cục THA huyện Lai Vung thì tháng 12-2014, TAND Tối cao đã có văn bản trả lời là không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Lý do: Hành vi xây nhà mới lấn ranh đất của con ông Tám không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Từ trả lời này, Chi cục THA huyện cũng không biết phải thi hành ra sao nên đầu năm 2015 lại có công văn xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của Cục THA tỉnh. Đến nay Cục chưa có văn bản trả lời.

Phía ông Phàng cho biết ông liên tục yêu cầu Chi cục THA huyện tiếp tục công việc nhưng lần nào cũng nhận được câu trả lời là phải... chờ chỉ đạo cấp trên. Gần đây nhất, ngày 16-4, Chi cục THA có văn bản trả lời rằng chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo vẫn phải chờ kết quả kiến nghị giám đốc thẩm của TAND tỉnh.

Người nhà ông Phàng bức xúc: “Bản án đã có hiệu lực hơn hai năm trời, chúng tôi gửi không biết bao nhiêu đơn kiến nghị nhưng mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. Chẳng lẽ TAND Tối cao không trả lời thì cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh, huyện cứ ngâm vụ án mãi mãi?!”.

Chính quyền địa phương và THA bó tay?

Trong hồ sơ thể hiện tại thời điểm con ông Tám xây nhà, UBND xã Định Hòa có lập đoàn công tác đi kiểm tra hiện trạng và đã ba lần lập biên bản để đình chỉ việc xây dựng trái phép trên. Song không hiểu sao sau đó căn nhà vẫn được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tại biên bản làm việc với Chi cục THADS ngày 4-4-2013, con ông Tám đồng ý tự nguyện tháo dỡ phần lấn chiếm nhưng xin thi hành trong thời gian hai tháng. Sau đó người này không thực hiện nên ngày 27-6-2013, THA có thông báo yêu cầu trong thời hạn 15 ngày phải tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. Sau đó việc này không được THA thực hiện.

TAND Tối cao phải trả lời dứt điểm

Vấn đề của vụ này là phải có ý kiến chính thức, dứt điểm về việc có kháng nghị giám đốc thẩm hay không, trong khi kiến nghị đã gửi đi từ tháng 11-2014 đến nay. Việc này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của TAND Tối cao theo quy định về nguyên tắc giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong BLTTDS. Bởi vì luật đã quy định chỉ có TAND Tối cao mới có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hay không nên họ phải có trách nhiệm trả lời để cơ quan tố tụng cấp tỉnh, huyện biết.

Đúng như đương sự nói, giả sử cơ quan này không trả lời thì có lẽ vụ việc sẽ bị treo mãi vì các cơ quan có trách nhiệm ở huyện, tỉnh đều sợ trách nhiệm. Trong khi lỗi ban đầu là từ chính quyền cơ sở khi để cho căn nhà mới không phép nghiễm nhiên mọc lên gây rắc rối lớn cho quá trình THA sau này.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, khoa Luật Dân sự - ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm