Quên bị can suốt 21 năm

Vụ án kỳ lạ của ông Phan Văn Lá đã không còn xa lạ với bà con xã Vĩnh Công, Châu Thành (Long An). 21 năm qua, ông Lá đi tìm công lý, tới nay đã hơn nửa đời người nhưng vẫn chưa có một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về việc bỏ quên hồ sơ vụ án và thân phận bị can của ông.

Đánh em bắt khai ra anh

Ông Lá tiếp chúng tôi trong căn nhà mái tôn nóng hầm hập, dù có quạt nhưng chỉ ngồi một chút cũng vã mồ hôi. Hai người em của ông ở nhà liền kề cũng chạy qua góp chuyện.

Vụ việc của ba anh em ông Lá bắt đầu từ một đêm tháng 7-1991. Đêm ấy, ấp 1 (xã Hiệp Thạnh, Châu Thành) bị mất điện. Nghi có kẻ gian cắt trộm dây điện, người dân đi tuần thì phát hiện có người đang cuốn dây điện vừa cắt xong và bỏ chạy.

Lúc đó hai người em của ông Lá là Phan Văn Tân và Phan Văn Châu đang soi cá gần đó. Thấy xôn xao, nghe có tiếng ai đó la: “Điện”, họ không hiểu chuyện gì nhưng sợ bị thu bình điện nên bỏ chạy. Người dân đi tuần thấy vậy vây bắt, dẫn giải họ về trụ sở công an xã.

Ông Tân buồn bã nhớ lại: “Lúc đó tui 15 tuổi, thằng Châu mới 13 tuổi. Công an kẹp lỗ tai, ép tui nhận tội và bảo phải khai cả anh Lá vào thì mới thả về. Lúc đầu tui không nhận tội nhưng bị đánh đau quá nên đành khai nhận và viết theo sự hướng dẫn của công an. Thế là hôm sau anh Lá bị bắt luôn”.

Vì các cơ quan tố tụng đùn đẩy trách nhiệm nên chưa biết khi nào ông Lá mới được giải quyết bồi thường oan. Ảnh: HN

Ba anh em ông Lá bị Công an huyện Châu Thành khởi tố về tội hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 138 BLHS 1985). Sau hai tháng tạm giam, cơ quan điều tra (CQĐT) đã đình chỉ điều tra đối với ông Tân và ông Châu. Còn lại ông Lá, tháng 12-1991, TAND huyện Châu Thành đã phạt ông bốn năm tù về tội trên.

Ông Lá kháng cáo kêu oan. Tháng 9-1992, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Lý do là căn cứ vào lời trình bày của bị cáo, của những người tham gia tố tụng khác thì việc cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa là chưa đủ cơ sở. Vì trong quá trình điều tra, hai ông Tân và Châu lúc không thừa nhận, khi lại thừa nhận và tại phiên tòa, họ khai bị cán bộ đánh đau quá nên mới không biết khai ra ai ngoài anh mình. Mặt khác, lời khai của các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn. Ngoài ra khi CQĐT tiến hành điều tra hai ông Tân và Châu (đều chưa thành niên) lại không có người giám hộ...

Bỏ lửng vụ án

Hơn một tháng sau, VKS huyện Châu Thành ra quyết định hủy bỏ việc tạm giam, cho ông Lá tại ngoại (tính đến lúc này ông Lá đã bị tạm giam 15 tháng). Kể từ đó không ai gọi ông lên làm việc nữa.

Ông Lá vác đơn kêu oan khắp nơi. Mãi đến tháng 9-2013 (21 năm sau), CQĐT mới ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Lá (trong quyết định không hề ghi lý do đình chỉ điều tra là gì).

Ông Lá đã nhờ luật sư tư vấn rồi nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Châu Thành yêu cầu chính tòa này phải bồi thường oan cho ông gần 500 triệu đồng và công khai xin lỗi. Theo ông Lá, ông bị oan, các cơ quan tố tụng địa phương không thể kết tội được nên cố tình bỏ mặc vụ án. Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường oan cho trường hợp của ông. Tuy nhiên, TAND huyện Châu Thành đã từ chối nhận đơn kiện, cho rằng lỗi thuộc CQĐT đã không tiến hành điều tra lại, bỏ quên vụ án suốt 21 năm, để hết thời hạn điều tra.

Năm nay ông Lá 47 tuổi, cuộc sống khó khăn của gia đình tới bốn miệng ăn chỉ trông cậy vào hơn hai công đất thuê để trồng bí đao nên trông ông hom hem như đã ở tuổi 60. Mấy năm trước do bất cẩn, một mắt của ông đã bị mù, mất sức lao động hơn 60%. Ông Lá ứa nước mắt: “Khi ba anh em tui bị bắt, con tui mới hai tuổi, ở nhà chỉ có thằng út cũng mới có mấy tuổi, khổ không sao nói hết. Bây giờ nhiều lúc bế tắc, tui không biết phải làm sao. Nhưng tui sẽ không nản, tui sẽ đi tìm công lý tới cùng!”.

Oan đã rõ, chỉ chưa rõ cơ quan bồi thường

Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi liên hệ với Công an huyện Châu Thành thì đơn vị này chỉ lên Công an tỉnh Long An. Đến công an tỉnh, chúng tôi được hướng dẫn qua gặp tỉnh ủy do nơi này đang chủ trì giải quyết khiếu nại của ông Lá.

Ông Đỗ Văn Dũng (Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Long An) cho biết: “Ông Lá bị oan thì rõ rồi nhưng cơ quan nào đứng ra bồi thường thì chưa rõ. TAND tỉnh đã xin ý kiến chỉ đạo, TAND Tối cao có hướng dẫn trách nhiệm bồi thường oan thuộc về CQĐT nhưng Bộ Công an và VKSND Tối cao lại nói phía tòa phải bồi thường. Hiện chúng tôi đang xin ý kiến chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương, lúc đó mới có quyết định cụ thể. Về nguyên tắc, CQĐT tiến hành điều tra lại thì VKS phải giám sát, tòa phải nhắc nhở nhưng cả ba cơ quan tố tụng đều đã thiếu trách nhiệm mới dẫn đến sự việc bị bỏ quên lâu như vậy. Quan điểm cá nhân của tôi thì tòa phải đứng ra bồi thường oan, sau đó mới tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai ngành công an và VKS (cả ở Long An lẫn trung ương) đều cho rằng căn cứ vào quy định hiện hành thì TAND huyện Châu Thành phải bồi thường thiệt hại cho ông Lá. Trong khi đó, ngành tòa án tỉnh Long An và TAND Tối cao lại cho rằng trách nhiệm thuộc về CQĐT Công an huyện Châu Thành vì có lỗi không tiến hành điều tra lại, để hết thời hạn điều tra.

Vậy trong trường hợp này, cơ quan nào phải bồi thường thiệt hại cho ông Lá? Ý kiến của các chuyên gia ra sao? Xin mời bạn đọc tiếp tục theo dõi trên Pháp Luật TP.HCM ra ngày 26-8.

NGÂN NGA - HOÀNG NAM

Trách nhiệm bồi thường của tòa

1. Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

a) Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án vì người đó không phạm tội hoặc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội;

(Theo điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm