Những luật mới vừa được thông qua trong kỳ họp thứ 9 - phần 1

Cụ thể, QH đã thông qua những luật sau: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ngân sách Nhà nước…
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
Sáng 25/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Luật gồm 10 chương và 98 điều. Luật quy định về nguyên tắc bầu cử, tuổi bầu cử, tuổi ứng cử, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bố đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu, kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu cử bổ sung…

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2015 và thay thế Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 và Luật số 63/2010/QH12, Luật Bầu cử đại biểu HĐND số 12/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2010/QH12.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vào sáng 19/6. Luật gồm 7 chương và 50 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 và thay thế Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực.

Theo quy định của Luật, Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chủ tịch nước.

Thành viên của Chính phủ gồm: Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Những luật mới vừa được thông qua trong kỳ họp thứ 9 - phần 1 ảnh 1
Một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước và do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ có một số nhiệm vụ và quyền hạn như: Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia...

Về số lượng cấp phó, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình UBTV Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương vào sáng 19/6. Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương 143 điều, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương xác định các đơn vị hành chính gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã) và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Theo Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016 và sẽ thay thế cho Luật Tổ chức HĐND và UBND.

Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi)

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) vào chiều 9/6. Với 8 chương, 41 điều, đạo luật mới xây dựng thiết chế cho MTTQ Việt Nam với tư cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các sửa đổi, bổ sung mới tập trung vào một số nhiệm vụ, quyền hạn mới cũng như tổ chức của Mặt trận, mối quan hệ giữa Mặt trận với Nhà nước, phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phối hợp với tổ chức tiếp xúc cử tri của các cơ quan quyền lực.

Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2016.

Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)

Chiều 19/6, Quốc hội thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Luật gồm 9 chương và 62 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Luật quy định: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự là công dân nam đủ 17 tuổi trở lên; công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân và từ đủ 18 tuổi trở lên.

Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) vào sáng 25/6. Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) có 7 chương, 77 điều, quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước.

Luật Ngân sách Nhà nước quy định: Ngân sách Nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước.

Luật cũng đưa ra một số quy định cấm như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách Nhà nước; cấm thu sai quy định của các luật thuế và các quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; cấm vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách; cấm sử dụng ngân sách Nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật...

Luật Ngân sách có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017.

(Còn nữa)

Theo Chinhphu.vn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm