Nhắm mắt rồi mới được gọi tiếng cha

Ngày 22-5, TAND TP Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết tòa này đã thụ lý đơn kiện của bà Nguyễn Thị Kim Loan (42 tuổi, ngụ xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc). Bà Loan kiện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bình Thuận để đòi tài sản - là món tiền của ông Võ Bá lúc sinh thời đã gửi tiết kiệm vào ngân hàng này.

Vụ kiện trên đây bắt nguồn từ câu chuyện thấm đẫm nước mắt của ông Bá - một người đàn ông cô độc, người để lại bản di chúc mà bất kỳ ai đọc vào cũng phải rớt nước mắt.

Không gia đình

Năm 1975, ông Võ Bá, lúc đó đã 54 tuổi, được điều động từ Nghệ An vào Bình Thuận nhận công tác tại Công ty Vận tải Thủy bộ, sau đó chuyển sang Xí nghiệp Vận tải ô tô II rồi về hưu.

Cả thời trai trẻ phục vụ trong quân đội, không vợ con, khi chuyển công tác vào Bình Thuận, trong cảnh tứ cố vô thân, ông Bá càng trở nên đơn độc. Về hưu không nhà cửa, ông Bá xin hợp đồng làm bảo vệ và ở trong căn nhà bảo vệ của Trạm Đăng kiểm Bình Thuận.

Theo các cán bộ ở đây, mặc dù đã lớn tuổi nhưng ông Bá làm việc rất có trách nhiệm. Ông tự đi chợ, nấu ăn, sống rất kham khổ, tiết kiệm. Khi tuổi đã lớn, không thể hợp đồng làm việc được nữa, ông Bá được Trạm Đăng kiểm Bình Thuận cho ở nhờ luôn trong căn nhà bảo vệ vì mọi người đều biết ông không còn chốn nào để đi-về.

Trong thời gian này ông Bá quen với vợ chồng bà Loan và thường hay lui tới nhà để vui đùa cùng các con bà Loan nhằm tìm kiếm hơi ấm gia đình mà cả đời ông không có được.

Về phía bà Loan, cha mất sớm nên bà xem ông Bá như cha của mình dù họ chưa bao giờ chính thức nhận nhau là cha con. Mỗi lần ông Bá đến nhà, bà Loan đều lo toan chu đáo từng bữa cơm, giấc ngủ mà không hề có điều kiện nào. Được các con bà Loan gọi ông ngoại, ông già lại rơm rớm nước mắt hạnh phúc.

Bản di chúc bí mật

Ngày 24-8-2013, khi đã 92 tuổi, biết sức khỏe của mình đã cạn kiệt, không còn sống được bao lâu nữa, ông Bá mời hai cán bộ trạm đăng kiểm đến nhà bảo vệ, nhờ hai người này làm chứng và ghi chép lại những ý nguyện cuối cùng của mình.

Anh Nguyễn Đình Hóa, người trực tiếp ghi chép lại những lời trăng trối sau cùng của ông Bá, kể anh và người đồng nghiệp đã rớt nước mắt khi ghi lại những tâm sự từ đáy lòng của ông Bá.

“… Cháu Loan biết tôi cô độc và tuổi đã cao nên dành rất nhiều nghĩa tình cho tôi, nhất là khi tôi đến nhà cháu. Cháu đã lo cho tôi bữa ăn, chén nước rất là chu đáo, như một người con gái đối với cha. Trong xuyên suốt thời gian lui tới nhà cháu Loan, qua cách cư xử vô tư của cháu đối với tôi đã dấy lên trong lòng tôi tình phụ tử mà tôi hằng mơ ước và tưởng chừng không bao giờ có được.

“Nhiều khi tôi muốn nói Loan, con có muốn làm con của bố không? Nhưng lại đắn đo suy nghĩ không thể nói thành lời. Dù sáng hay tối, dù mưa hay nắng khi tôi không thể đến nhà cháu được, cháu thường mang đến cho tôi những thức ăn, cái bánh mà cháu biết tôi rất ưa thích…

“Cháu chưa một lần đòi hỏi gì ở nơi tôi, không hề có bất kỳ vụ lợi bởi vì mỗi khi tôi nhờ cháu lãnh giùm lương hưu, khi về tôi đều trích ra một khoản đưa cho cháu nhưng cháu từ chối và nói rằng bố già rồi, bố giữ để dùng và bồi dưỡng cho sức khỏe. Con hứa là con sẽ săn sóc cho bố đến khi bố không còn nữa vì bố cô độc nên con rất thương bố…”. (Trích nguyên văn bản di chúc).

Trong bản di chúc này, ông Bá cho biết suốt cuộc đời ông đã dành dụm được 80 triệu đồng gửi tiết kiệm tại BIDV và Sài Gòn Công Thương ngân hàng. Toàn bộ năm sổ tiết kiệm này ông có ý nguyện để lại cho bà Loan.

Tuy nhiên, ông Bá yêu cầu bản di chúc cùng những ý nguyện này phải được giữ bí mật, đợi đến khi ông mất sau một năm, khi làm tuần giáp năm, mọi người mới được công bố. Bản di chúc sau đó được giám đốc Trung tâm Đăng kiểm ký tên xác nhận hai người làm chứng và ghi chép là cán bộ của trung tâm.

Một tuần sau ngày làm di chúc, ông Bá qua đời.

Chuyện cổ tích giữa đời thường

Trung tâm Đăng kiểm và gia đình bà Loan đã chung tay lo đám tang và mồ yên mả đẹp cho ông Bá. Vợ chồng bà Loan và các con còn xin được đeo khăn tang vì không nỡ nhìn một đám tang mà không có người thân nào đeo vành khăn tang cho người quá cố.

Sau đó bà Loan đưa di ảnh của ông Bá về nhà lập bàn thờ mà không hề biết rằng người đàn ông cô độc này từng để lại cho bà một số tiền mà cả cuộc đời nghèo khó của ông đã chắt chiu, dành dụm được.

Tháng 9-2014, gia đình bà Loan tổ chức cúng tuần giáp năm. Thực hiện ý nguyện của ông Bá, anh Nguyễn Đình Hóa đã mang theo bản di chúc cùng năm cuốn sổ tiết kiệm đến nhà bà Loan công bố.

Bà Loan gần như ngã quỵ.

Bà ngồi khóc ngon lành. Tình thương bao la của người đàn ông cô độc mà bà rất mực yêu thương có khác gì tấm lòng trời bể của đấng sinh thành! Trời ơi… vậy mà bà chưa lần nào chính thức gọi là cha để ông được mãn nguyện mỉm cười!

Bất giác bà gọi “cha ơi!” trong đau đớn, muộn màng.

Dưới suối vàng, ông Võ Bá chắc cũng ngậm cười.

Kiện vì ngân hàng không chi trả

Ngoài ý nguyện để lại năm sổ tiết kiệm cho bà Loan, hai ý nguyện tiếp theo của ông Võ Bá là: “Tôi mong muốn con - Loan thờ cúng cho ba, giỗ chạp cho ba và làm rất đơn giản. Ý nguyện thứ ba là Loan - con, sau khi con nhận được toàn bộ di sản của ba để lại, ba muốn con trích ra 5 triệu đồng để ủng hộ cho người già neo đơn như hoàn cảnh của ba…” (trích bản ghi chép được xem như là di chúc).

Thực hiện di nguyện của cha, bà Loan đã làm các thủ tục nhận tiền và làm từ thiện. Sài Gòn Công Thương ngân hàng đã giải ngân số tiền 17 triệu đồng như ý chí trong di chúc của ông Bá. Thế nhưng Ngân hàng BIDV lại từ chối chuyển giao số tiền 63 triệu đồng cho bà Loan, từ đó mới có vụ kiện trên như đã nói.

Theo công văn trả lời ngày 26-9-2014 của BIDV thì di chúc của ông Võ Bá chưa phù hợp quy định của pháp luật về thừa kế bởi chưa được công chứng hoặc chứng thực. Do đó BIDV cho rằng nếu có quyết định của tòa án có thẩm quyền về việc bà Loan là người thừa kế theo di chúc miệng hoặc tòa án có quyết định yêu cầu BIDV Bình Thuận chuyển trả số tiền trong các tài khoản tiết kiệm của ông Bá cho bà Loan thì họ mới chuyển giao.

Luật sư Đỗ Minh Trúc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, cho biết ông sẽ làm thủ tục để bảo vệ quyền lợi miễn phí cho bà Loan. Theo luật sư Trúc, bản di chúc trên đã được xác nhận của giám đốc Trung tâm Đăng kiểm, nơi công tác của hai người làm chứng và ghi chép, như thế đã được xem là di chúc hợp pháp.

Thế nào là một di chúc hợp pháp?

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 646 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005).

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng (Điều 649 BLDS 2005).

Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực (Điều 650 BLDS 2005).

Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 652 BLDS 2005).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm