Người bào chữa phải bình đẳng với kiểm sát viên, thẩm phán

Người bào chữa phải bình đẳng với kiểm sát viên, thẩm phán. Ảnh minh họa: thanhtra.com 

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đề nghị nhập các quy định về người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi vào Chương VII dự thảo, đồng thời đề nghị cấu trúc lại chương này với tên gọi là “Bào chữa và bảo vệ quyền lợi”. Mục đích là nhằm xác định vị trí pháp lý của người bào chữa phải là chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng bào chữa, trong mối quan hệ bình đẳng với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng xét xử. Tôi rất ủng hộ đề nghị này vì đảm bảo hơn quyền bào chữa, quyền lợi hợp pháp của nghi can.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư tiếp tục đề nghị bỏ chế định bào chữa viên nhân dân trong dự thảo. Theo tôi, đây cũng là một đề nghị hợp lý bởi thực tiễn thi hành BLTTHS 2003 cho thấy chế định này chỉ là hình thức, không phát huy tác dụng trong cuộc sống.

Ngoài ra, theo Điều 67 dự thảo, ngoài luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân, người bào chữa còn bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của nghi can. Trong khi đó, Điều 123 dự thảo chỉ quy định thủ tục cấp, thu hồi đăng ký bào chữa đối với người bào chữa là luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân, người đại diện theo pháp luật của nghi can, không quy định cấp đăng ký bào chữa cho người đại diện theo ủy quyền của nghi can. Đây là một mâu thuẫn mà dự thảo cần phải chỉnh lý.

Cá nhân tôi cho rằng trong tố tụng hình sự thì không nên áp dụng tương tự chế định ủy quyền như trong tố tụng dân sự, hành chính... Bởi lẽ BLTTHS 2003 tuy đã có quy định về người đại diện hợp pháp của nghi can là người bào chữa nhưng thực tiễn cho thấy chuyện này rất hi hữu mới xảy ra.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm