‘Ngâm án’ vì khó kết tội

Khoảng 8 giờ sáng 28-8-2006, Công ty Cao su Phú Riềng phối hợp UBND xã Thống Nhất (Bù Đăng, Bình Phước) khảo sát hỗ trợ bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi trong một dự án do công ty này thực hiện. Khoảng 200 người dân đã kéo đến trụ sở dự án la hét phản đối. Tại đây, một nhóm phụ nữ cầm cuốc, dao, búa đã manh động xông vào, trèo lên mái nhà xé rách bạt lợp nhà rồi đập phá làm hư hỏng ba lán trại. Tổng giá trị thiệt hại được xác định là hơn một triệu đồng.

Buộc tội thiếu thuyết phục

Tháng 9-2006, Công an huyện Bù Đăng đã khởi tố, bắt tạm gian năm người về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, trong đó có hai bà Tiêu Thị Sự và Nông Thị Thó (hiện đã mất).

Bà Sự và bà Thó kêu oan ngay từ khi bị bắt. Tháng 5-2007, TAND huyện Bù Đăng đưa vụ án ra xử. Trước tòa, ba bị cáo kia thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bà Sự tiếp tục kêu oan: “Sáng đó tôi không hề có mặt trong đám đông. Tôi chở con đi học từ 6 giờ 30, sau đó về nhà người quen ngủ đến 10 giờ”. Bà Thó cũng nói mình vô can: “Tôi không đập phá bất cứ thứ gì vì phải bế con giùm một người có mặt trong đám đông hôm đó”. Tuy nhiên, tòa vẫn kết án cả năm người, trong đó phạt bà Sự 10 tháng tù, bà Thó 12 tháng tù. Bà Sự và bà Thó kháng cáo kêu oan.

Dù thời hạn điều tra đã hết, bà Sự vẫn phải mang thân phận bị can. Ảnh: PL

Tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Phước nhận định tòa sơ thẩm kết tội bà Sự chỉ dựa vào những lời khai bất lợi cho bà mà các lời khai này lại mâu thuẫn nhau, trong khi nhiều lời khai khác chứng minh bà vô can thì không xem xét.

Theo tòa phúc thẩm, nguyên tắc là không được sử dụng lời khai mâu thuẫn làm chứng cứ. Nhóm nhân chứng có lời khai buộc tội bà Sự thừa nhận nhầm lẫn bà Sự với người khác. Đại diện nguyên đơn dân sự thì cho rằng trong nhóm người đập phá có một người giống bà Sự nhưng khi mô tả đặc điểm nhận dạng thì lại không đúng với bà Sự trên thực tế.

Ngoài ra, Công ty Gia Phát (doanh nghiệp bị vạ lây khi người dân kéo tới phá trụ sở dự án của Công ty Phú Riềng - NV) cũng có thiệt hại nhưng chưa được làm rõ. Tòa phúc thẩm cho rằng cần phải xác định được cụ thể thiệt hại của từng công ty để truy cứu trách nhiệm của các bị cáo (thời điểm này, Điều 143 BLHS quy định bị xử lý hình sự nếu cố ý làm hư hỏng tài sản có giá trị từ 500.000 đồng trở lên). Trong số các bị cáo, có người chỉ đập phá tài sản của Công ty Gia Phát, có người chỉ đập phá tài sản của Công ty Phú Riềng. Không rõ thiệt hại của từng công ty là trên hay dưới 500.000 đồng trong tổng thiệt hại 1.055.000 đồng…

Từ đó tòa phúc thẩm đã hủy phần hình phạt đối với bà Sự để điều tra lại. Riêng về bà Thó, tòa kết luận có tham gia đập phá tài sản nên y án sơ thẩm.

Điều tra sai sót

Sau phiên tòa phúc thẩm này, Công ty Gia Phát đã có văn bản từ chối làm nguyên đơn dân sự, cho rằng mình không bị thiệt hại gì.

Tháng 12-2008, TAND huyện Bù Đăng đưa bà Sự ra xử sơ thẩm lại, tiếp tục kết án bà 10 tháng tù dù bà liên tục kêu oan. Bà Sự kháng cáo.

Tháng 9-2010, tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Bình Phước đề nghị TAND tỉnh áp dụng Nghị quyết 33/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đình chỉ vụ án (điểm c.5 khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33/2009 quy định không xử lý hình sự đối với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại khoản 1 Điều 143 BLHS mà thiệt hại có giá trị dưới 2 triệu đồng).

Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại chứ không đình chỉ vụ án với lý do như đại diện VKS đề nghị. Theo tòa, quá trình điều tra vụ án có nhiều sai sót, chưa đầy đủ: Tại hiện trường, cơ quan điều tra (CQĐT) thu giữ những tấm bạt rách nhưng không đưa vào biên bản. Sau đó các tấm bạt này lại xuất hiện trong biên bản định giá tài sản thiệt hại. Việc định giá tài sản không chính xác. Nhiều bảo vệ nông trường chứng kiến việc đập phá nhưng không được lấy lời khai. CQĐT không thực nghiệm điều tra tại hiện trường vụ án mà tại… sân vận động Bù Đăng. Chưa kể, các lời khai trong hồ sơ có nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ…

Bỏ lửng vụ án?

Từ đó đến nay bà Sự cho biết CQĐT Công an huyện Bù Đăng đã không hề có động thái tố tụng nào tiếp theo như ra kết luận điều tra hay đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can dù thời hạn điều tra theo luật đã hết.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Công an huyện Bù Đăng để tìm hiểu lý do vì sao đã hơn bốn năm điều tra lại mà CQĐT không có động thái tố tụng nào tiếp theo như bà Sự trình bày nhưng chưa nhận được câu trả lời.

“Tôi bị bắt tạm giam 10 tháng, mang thân phận bị can gần 10 năm nay. Đầu tháng 3-2015, Công an huyện Bù Đăng lại gọi tôi đến lấy lời khai. Tôi đã làm đơn yêu cầu công an huyện đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với tôi vì đã hết thời hạn điều tra (thời hạn điều tra trong trường hợp này tối đa không quá bốn tháng - PV)  nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội, đồng thời yêu cầu bồi thường oan cho tôi. Tôi cũng yêu cầu công an huyện không được viện dẫn Nghị quyết 33/2009 để đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can nhằm né tránh việc bồi thường oan” - bà Sự bức xúc kể.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Đoàn luật sư:  Có dấu hiệu oan

Cuối năm 2014, khi đoàn giám sát án oan của Quốc hội làm việc tại Bình Phước, Đoàn Luật sư tỉnh đã đưa vụ án của bà Sự vào danh sách những vụ án bị kéo dài và có dấu hiệu oan để báo cáo đoàn giám sát xem xét.

Theo luật sư của bà Sự, khi đã hết thời hạn điều tra mà CQĐT không chứng minh được tội phạm thì theo điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS, cơ quan tố tụng phải đình chỉ vụ án. Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp này cơ quan tố tụng phải giải quyết bồi thường oan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm