Nền tư pháp văn minh không nên xử lưu động

Trung tướng TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao:

Người ta đến xem chủ yếu vì tò mò

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật là một trong những mục đích của xét xử lưu động. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động này đến nay vẫn chưa được đánh giá.

Theo tôi, việc xét xử lưu động cần được đặt trong bối cảnh của nguyên tắc xét xử công khai, công bằng, khách quan. Tại sao người thì được xét xử trong phòng xử án, người thì bị xét xử tại nơi công tác hoặc nơi cư trú? Chúng ta cũng cần lưu ý việc xét xử lưu động vừa ảnh hưởng đến bị cáo, vừa ảnh hưởng đến gia đình bị cáo, người bị hại.

Từng tổ chức nhiều phiên tòa lưu động điển hình, tôi nhận thấy người ta đến xem phiên tòa vì tò mò nhiều hơn là tìm hiểu pháp luật. Tôi nghĩ tác dụng giáo dục pháp luật của các phiên tòa xét xử lưu động không cao.

Hơn nữa, phần lớn những vụ án được đưa ra xét xử lưu động là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận phẫn nộ, cho nên HĐXX chịu áp lực không nhỏ, khó đảm bảo tính khách quan trong xét xử.

Tôi cho rằng nên hạn chế xét xử lưu động. Các tòa án cũng không nên dùng việc xét xử lưu động để làm tiêu chí thi đua như hiện tại.

Phiên tòa xét xử lưu động vụ thảm sát ở Yên Bái. Ảnh: TUYẾN PHAN

Luật sư ĐỖ NGỌC THỊNH, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

Tác dụng tuyên truyền pháp luật rất thấp

Thời gian gần đây, những vụ xét xử lưu động đã thu hút người dân theo dõi rất nhiều. Điển hình như phiên tòa xét xử vụ thảm sát Yên Bái, Bình Phước. Những tình tiết về vụ thảm sát được các bị cáo tường thuật trong phần xét hỏi tại phiên tòa có lẽ không đạt được mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật khi mà người dân cũng như báo chí đều tập trung vào những chi tiết này. Hơn nữa, chi phí cũng như công tác chuẩn bị, đảm bảo an ninh cho phiên xét xử lưu động cũng là điều đáng phải suy nghĩ.

Tôi cho rằng một nền tư pháp văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp thì nên tổ chức các phiên tòa tại trụ sở tòa án, trong phòng xét xử để đảm bảo những nguyên tắc công khai, minh bạch, trang nghiêm của thiết chế tư pháp độc lập. Uy quyền của tòa án, nơi đưa ra những phán quyết phù hợp với công lý nên được thể hiện ở những nơi phù hợp.

ThS LÊ MINH TIẾN, giảng viên xã hội học:

Sao không xử lưu động án tham nhũng?

Việc xử án lưu động là không công bằng bởi những người bị xử lưu động sẽ chịu một bản án kép. Khi đưa một vụ án ra xử lưu động cho bàn dân thiên hạ chứng kiến, người phạm tội bị tuyên cùng lúc hai bản án - bản án của tòa và “bản án” của công chúng tham dự phiên tòa. Cạnh đó, thân nhân của người phạm tội cũng phải chịu “bản án” từ cộng đồng qua những lời phỉ báng, những ánh mắt khinh khi.

Mặt khác, việc xử án lưu động trước nay hình như chỉ áp dụng đối với bị cáo là dân thường. Trong khi những vụ đại án tham nhũng mà quan chức làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, gây tác động xấu đến nền kinh tế (như nhận hối lộ trong các dự án ODA) thì hình như chưa từng bị đưa ra xử lưu động. Đây cũng là một sự không công bằng.

Nhạc sĩ VŨ ĐỨC SAO BIỂN:

Nên bỏ hẳn việc xử lưu động

Ở nước ta, xử án lưu động bắt nguồn từ thời chiến tranh, vùng giải phóng đã có những hoạt động tố tụng nhưng chưa có trụ sở tòa án cố định. Vì vậy, các cơ quan tố tụng phải đi các nơi để xét xử, tòa án thiết kế nơi nào cũng được. Bây giờ, tòa án các cấp đã có trụ sở khang trang, việc xét xử nên tập trung về trụ sở của tòa.

Người dự khán phiên tòa là vì yêu sự công bằng, ghét cái ác mà đến nhưng đa phần nhận định vụ án theo cảm tính trong khi tòa xét xử vụ án theo pháp luật. Tâm lý đám đông dễ tạo ra sự căng thẳng cho các thẩm phán, kiểm sát viên, hội thẩm, luật sư hai bên và dễ gây ra tình trạng mất trật tự. Tôi đã dự một phiên xử lưu động vụ án làm nhục người khác. Khi bị cáo được dẫn ra, đã có người nóng nảy định nhảy vào đánh; tòa phạt bị cáo 18 tháng tù, người dự khán vẫn cho là nhẹ.

Một người chỉ bị coi là có tội khi bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật. Xét xử lưu động đã tuyên bị cáo một bản án trước khi vụ án được xét xử. Điều này đi ngược lại tính nhân văn của pháp luật. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ hẳn xử lưu động.

HÀ NGỌC BÍCH, người từng bị xử lưu động và bị oan:

Xử lưu động lỡ bị oan như tôi thì sao?

Nền tư pháp văn minh không nên xử lưu động ảnh 6
 
Tôi đã từng bị TAND huyện Tân Phú (Đồng Nai) đưa ra xử lưu động tại trụ sở UBND xã Tà Lài. Hôm đó, mặc dù tôi được tại ngoại nhưng khi tới tòa tôi thấy quá nhiều công an và những người tham gia bảo vệ phiên tòa (gần 100 người) và khoảng 300 người dân đến xem. Tự dưng lúc đó tôi bị hạ đường huyết, dao động tim vì sợ bị bắt. Luật sư phải đến trấn an tôi. Họ làm như thể tôi đã là tội phạm rồi.

May do sau này tôi được xác định bị oan. VKSND huyện Tân Phú phải xin lỗi tôi ngay tại trụ sở xã này vì đã truy tố oan tôi. Nhưng lúc họ đưa tôi ra xét xử, người dân cứ nghĩ tôi là tội phạm chứ đâu có biết tôi bị oan.

Một người mới bị xử sơ thẩm thì chưa bị coi là có tội, Hiến pháp nói rõ vậy. Thế thì hà cớ gì phải hài họ ra xử lưu động trong khi có khả năng họ bị oan, như tôi chẳng hạn?!

 
Nền tư pháp văn minh không nên xử lưu động ảnh 7
 
Ám ảnh khi xem phiên tòa Bình Phước

Ngày 17-12, bà con xóm tôi lũ lượt kéo đến xem xử vụ thảm sát Bình Phước. Chứng kiến phiên tòa từ đầu đến cuối tôi mới thấy tội ác đáng sợ và hãi hùng biết chừng nào. Cứ đến đoạn bị cáo tả lại hành vi trói người, siết cổ, đâm dao… là người ta thốt lên “trời ơi, dã man quá!”, “còn hơn trong phim!”…

Phiên xử hôm ấy như một buổi chiếu phim kinh dị. Tội ác được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, qua nhiều giọng nói, với nhiều ngữ điệu. Tính đến khi thẩm phán đọc bản án trong bóng tối mịt mù, từng câu từng chữ mô tả cách cách thức bị cáo đoạt mạng đã được nhắc đến lần thứ ba. Ai cũng thấy lạnh cả sống lưng.

Một người bạn tôi kể đêm ấy chị gặp ác mộng, thấy rõ từng vết dao cứa, máu văng… Đi trong xóm, đám thanh niên vẫn bàn luận sôi nổi về từng chi tiết nghe được, người nọ bổ sung cho người kia. Tôi rùng mình tự hỏi liệu rồi đây khi vấp phải những sân si trong cuộc đời mình, liệu có ai trong số họ bắt chước cách gây án kinh rợn như thế. An Khương

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm