Mướt mồ hôi với án tòa

Chấp hành viên một chi cục thi hành án (THA) dân sự ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) lắc đầu ngao ngán khi kể về những bản án của tòa “đánh đố” cơ quan này. “Không THA không được mà THA cũng chẳng xong!” - ông than thở.

“Lỡ tuyên rồi”!

Chấp hành viên này kể, vài tháng trước, một tòa tuyên một doanh nghiệp (DN) phải cào… 2 cm tường (vì thợ xây không đều tay) để trả lại không gian cho nhà bà A. Nhận được đơn yêu cầu THA, chấp hành viên giật mình, lật đật chạy qua tòa hỏi. Sang tòa thì thẩm phán phán luôn một câu: “Lỡ tuyên rồi!”.

“DN này xây dựng đúng trên phần đất của họ. Tuy nhiên, có thể do lúc lên lầu cao, thợ xây không kỹ dẫn đến có một đoạn tường lồi ra một khúc khoảng 2 cm, đồng nghĩa với lấn sang khoảng không trống của nhà bà A. Vấn đề là nếu THA, máy móc hay bàn tay con người làm đi chăng nữa cũng không thể nào cào đúng 2 cm được. Chẳng may lỡ tay cào lố 2 cm, phạm vào phần gạch thô… thì cơ quan THA sẽ phải bồi thường cho DN. Nhức đầu lắm!”.

Chấp hành viên loay hoay chưa tìm được hướng xử lý ổn thỏa thì bà A. liên tục khiếu nại yêu cầu phải sớm giải quyết. Chấp hành viên bèn xoay qua vận động DN là trong quá trình cào tường, nếu lỡ có lố 2 cm một chút thì mong DN thông cảm. Cũng may là DN này hợp tác.

THA xong, tưởng đã yên ổn, bà A. lại tiếp tục khiếu nại với đủ lý do. Biết tính bà A., một người cháu làm công an thấy tội nghiệp chấp hành viên bèn nghĩ ra kế khuyên bà A. xây thêm phòng chứ để trống bên trên thì lãng phí. Bà A. làm theo và khi xây thêm phòng trên lầu, tường bà A. sát với tường DN, đồng nghĩa với việc bà A. không thể trông thấy gì phía tường DN nữa. “Từ đó chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Phải chi thà rằng ngay từ đầu, tòa cứ buộc DN phải cạo hết phần vữa được trát lên cục gạch thì đỡ cực cho chúng tôi biết bao nhiêu” - vị chấp hành viên nói.

Chồng bà Hải cho rằng nếu phải trả bức tường cho bà N. đồng nghĩa với việc diện tích nhà ông tự dưng sẽ bị thu hẹp so với giấy hồng. Ảnh: N.NGA

Mở cửa nhà trong… 24 tiếng

Vụ khác, một ngày chấp hành viên này bất ngờ nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa là phải mở cửa nhà một đương sự (trong vụ tranh chấp tài sản mà tòa đang giải quyết) trong vòng 24 tiếng để tòa xuống đo đạc.

Chấp hành viên vội vã làm công văn mời tòa, đương sự trong vụ án đến làm việc. “Trớ trêu là khi đến nhà thì đương sự khóa cửa đi vắng, tôi chỉ biết lập biên bản rồi... các bên ra về. Thế là hết 24 tiếng”.

Vị chấp hành viên giải thích: “Ở đây thẩm phán có sự nhầm lẫn. Thông thường thời gian 24 tiếng chỉ dùng cho giai đoạn THA, do sợ đương sự tẩu tán tài sản. Chứ trong trường hợp này, theo quy định, nếu đương sự không hợp tác, chúng tôi phải lập biên bản rồi ra về, lần sau chúng tôi xuống mà đương sự không hợp tác nữa thì mới tổ chức đoàn cưỡng chế. Giai đoạn này cần có sự phối hợp với các cơ quan khác nữa, phải có thời gian nhất định để huy động chứ không cách nào làm trong 24 tiếng được”.

Tuyên án không dựa vào giấy tờ nhà

Năm 2008, bà HTKN (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) kiện bà Nguyễn Thị Thanh Hải ra tòa để đòi lại bức tường. Theo bà N., giữa hai nhà có chung một bức tường dài hơn 21 m. Trong đó, đoạn tường phía trước dài hơn 18 m thuộc về nhà bà, đoạn còn lại phía sau dài hơn 3 m thuộc về nhà bà Hải. Bà N. yêu cầu bà Hải phải xây tường riêng sử dụng, không được gác đà ngang và mái nhà vào đoạn tường của nhà bà. Ngược lại, bà Hải thì nói cả bức tường đều thuộc về nhà bà.

Năm 2010, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của bà N., tuyên đoạn tường phía trước dài hơn 18 m thuộc sở hữu của bà N., đoạn phía sau dài hơn 3 m thuộc sở hữu của bà Hải. Ngoài ra, tòa còn buộc hai bên phải tháo dỡ các vật dụng kiến trúc, không được đè đà ngang, mái nhà lên đoạn tường của nhau nữa. Bà Hải kháng cáo. Tháng 8-2011, TAND TP.HCM đã tuyên giữ nguyên án sơ thẩm.

Bà N. yêu cầu THA. Xác minh, Chi cục THA dân sự quận Bình Thạnh thấy diện tích bức tường chiếm chỗ hơn 0,6 m2. Sau khi THA thì nhà của cả hai bên sẽ bị thay đổi diện tích so với giấy hồng: Nhà bà N. thì thêm, nhà bà Hải thì thiếu. Mặt khác, cả bức tường là một phần căn nhà của bà Hải, cây cột nhà bà Hải có một đoạn 7 cm nằm trong đoạn tường nhà bà N. Bà Hải khiếu nại rằng nếu cơ quan THA cưa cột để trả tường cho bà N. thì nhà bà sẽ bị sập…

Nhiều lần xuống nhà đương sự vận động, chấp hành viên vẫn không thể giải quyết xong vụ việc. Cuối năm 2014, trong một buổi làm việc với Cục THA dân sự TP.HCM, Chi cục THA dân sự quận Bình Thạnh đã đề xuất là hướng dẫn bà N. đi điều chỉnh lại giấy hồng cho phù hợp với án tòa tuyên, từ đó có cơ sở thực hiện cưỡng chế với bà Hải.

Trong khi đó, vợ chồng bà Hải cương quyết không chấp nhận bởi diện tích nhà bà tự dưng sẽ bị thiếu so với giấy hồng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Cục THA dân sự TP.HCM tỏ ra mệt mỏi vì chưa tìm ra hướng giải quyết ổn thỏa: “Vụ án quá phức tạp, giá như tòa xử căn cứ vào giấy hồng của hai bên thì lại khác, đằng này tòa lại xử dựa trên giấy tờ mua bán tay”.

Công ty đã giải thể, tòa vẫn thụ lý

Một vụ án khác xảy ra ở Tây Ninh. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ NV bán hơn 2.600 tấn xi măng cho Công ty TNHH một thành viên TP với số tiền gần 2,6 tỉ đồng. Sau đó Công ty NV kiện Công ty TP ra tòa đòi khoản tiền hơn 150 triệu đồng còn thiếu.

Từ khi thụ lý, TAND thị xã Tây Ninh đã nhiều lần triệu tập Công ty TP nhưng phía công ty này đều vắng mặt không lý do. Tháng 6-2012, tòa này xử sơ thẩm và phía Công ty TP cũng không tham gia. Tòa buộc Công ty TP phải trả Công ty NV hơn 150 triệu đồng.

Công ty NV yêu cầu THA. Vào cuộc, cơ quan THA xác minh mới biết Công ty TP đã… giải thể từ trước khi tòa thụ lý vụ kiện.

Tháng 3-2014, VKSND tỉnh Tây Ninh phải kháng nghị giám đốc thẩm bản án trên vì các lỗi sau: Tòa xác định Công ty TP là bị đơn nhưng lại không trực tiếp tống đạt các văn bản tố tụng mà chỉ niêm yết công khai rồi xét xử vắng mặt. Ngoài ra, Công ty TP đã bị xóa tên, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ tháng 6-2011, trong khi đến tháng 10-2011 tòa mới thụ lý. Như vậy lúc này bị đơn phải là chủ của công ty mới đúng.

TP.HCM: 281 vụ án tuyên không rõ

Theo báo cáo kết quả công tác THA dân sự năm 2014 của Cục THA dân sự TP.HCM, có 281 vụ việc bản án tuyên không rõ, khó thi hành (tương ứng với hơn 241 tỉ đồng).

Trong đó, chỉ có 45 vụ việc phía cơ quan THA dân sự nhận được giải thích; 10 vụ việc đã nhận được giải thích nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ quan THA dân sự; năm vụ việc được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm