Luật sư minh oan cho ‘mẹ góa con côi’

“Cuộc đời tôi dường như gắn chặt với các luật sư. Mua nhà của luật sư, sống cạnh luật sư, về quê bị tù tội thì cũng chính luật sư đã giúp tôi minh oan” - bà Chiến mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Bị quy kết vu khống

Bà Chiến kể: Cuối năm 1975, bà theo chồng về quê chồng tại Gò Công (Tiền Giang). Chồng bà làm giám đốc BV Đa khoa Gò Công. Nỗi nhớ quê nhà da diết nhưng “thuyền theo lái, gái theo chồng”, bà Chiến vẫn vui sống với gia đình chồng, với miền đất mới.

Rồi chồng bà mất. Năm 1986, sau khi mãn tang chồng, bà Chiến xin phép gia đình chồng đưa ba con nhỏ về quê tại xã Liên Châu (Thanh Oai, Hà Tây cũ). Bà ra UBND xã Liên Châu nộp giấy tờ để nhập hộ khẩu, cán bộ xã tiếp nhận, gợi ý cho bà mua trụ sở cũ của xã nằm ở giữa thôn Từ Châu để ở. Bà đồng ý và thống nhất với UBND xã là sẽ đổi bảy thứ vật liệu gồm xi măng, sắt, tre, gạch, ngói, vôi, cát để lấy nhà. Thỏa thuận xong, sau đó phía UBND xã lại nói chỉ lấy ba món vật liệu là ngói, vôi và cát, bốn món vật liệu còn lại thì quy ra tiền (400.000 đồng thời điểm đó).

Khoảng 17 giờ một ngày cuối tháng 6-1986, bà Chiến mang tiền lên trả cho UBND xã và gặp ông N. (Chủ tịch xã). Ông N. bảo hôm đó không có hóa đơn nên không ký hóa đơn được. Bà Chiến làm việc với ông N. một lúc lâu, đưa 400.000 đồng bọc trong giấy báo rồi về.

Tưởng thế là xong nhưng một thời gian sau, bà Chiến xây lại nhà thì dân quân xã đến yêu cầu bà dừng lại với lý do bà chưa trả tiền cho UBND xã. Bà lên UBND xã gặp ông N. nhưng ông N. chối, sau đó làm đơn tố cáo bà vu khống. Thế là Công an huyện Thanh Oai về tận nhà bà điều tra. Rồi công an huyện khởi tố nhưng cho bà tại ngoại về tội vu khống theo Điều 122 BLHS 1985.

 
Bà Hoàng Thị Chiến và luật sư Nguyễn Văn Chiến, người đã giúp bà minh oan. Ảnh: C.LUẬN

Đi tìm luật sư

“Những ngày đó tôi khổ lắm. Uất ức, đã có lúc tôi lang thang ra Hồ Gươm, nghĩ quẩn. Nhưng hình ảnh mẹ già và ba con nhỏ đã níu tôi ở lại” - bà Chiến rơm rớm nước mắt.

Rồi bà nhớ lại khi còn ở Tiền Giang, vợ chồng bà có mua nhà của một người tên H., ở cạnh nhà một người khác tên B. Họ đều là luật sư, được người dân trong vùng kính trọng vì từng giúp đỡ pháp lý cho nhiều người. Thế là bà Chiến nghĩ đến chuyện phải tìm luật sư giúp mình.

Bà hỏi người dân xung quanh Hồ Gươm thì không ai biết luật sư ở đâu. Một hôm bà lang thang xuống phố Tràng Thi, đến số nhà 19 thì thấy tấm biển đề “Đoàn Luật sư TP Hà Nội”. Bước vào, bà gặp luật sư Vũ Khắc Toản (Tổng Thư ký Đoàn Luật sư TP Hà Nội lúc đó - NV). “Bác Toản hỏi tôi cần gì không. Tôi trình bày nỗi oan khiên của mình. Nghe xong, bác Toản hướng dẫn tôi viết giấy mời luật sư, đóng phí khoảng 50 đồng rồi bảo tôi về chờ, sẽ có luật sư giúp. Thật sự về rồi, tôi vẫn hoang mang lắm, không biết các luật sư có giúp mình không. Đến khi luật sư Nguyễn Văn Chiến tìm tới tận nhà, tôi mừng vô cùng” - bà Chiến kể.

Luật sư và cha con người bảo vệ cương trực

Ngồi cạnh bà Chiến, luật sư Chiến cũng miên man trong dòng hồi tưởng.

Ông kể khi đó Đoàn Luật sư TP Hà Nội mới có tổng cộng 17 người, ông trẻ nhất, 16 luật sư còn lại đều đã có tuổi. Vụ án này xảy ra ở một huyện tại Hà Tây, đường sá xa xôi nên luật sư Vũ Khắc Toản đã quyết định phân công ông bào chữa cho bà Chiến.

Tiếp cận vụ án, luật sư Chiến nhận thấy hồ sơ đã “khép kín”, chẳng có tài liệu nào chứng minh bà Chiến đã trả tiền cho ông Chủ tịch xã N. Khó quá! Tuy nhiên, khi tiếp xúc, ông thấy bà Chiến là người hiền lành, chỉ đề cập đến việc đã trả tiền cho ông N., tuyệt nhiên không hề có những lời xúc phạm ông này hoặc đề cập đến những chuyện khác ngoài vụ án. Niềm tin nội tâm của ông là bà Chiến bị oan. Nhưng phải làm sao đây khi mọi chứng cứ đều chống lại bà?

“Nhiều đêm trăn trở, tôi nghĩ chỉ còn cách phải tìm cho được nhân chứng. Lúc đó tôi nghĩ ở bất cứ UBND xã nào cũng phải có người bảo vệ. Vì vậy tôi đã tìm đến nhà ông bảo vệ của UBND xã Liên Châu để hỏi chuyện” - luật sư Chiến kể.

Ông bảo vệ này tên là X. Là một thương binh cương trực, ông X. xác nhận rằng đúng là bà Chiến có đến trụ sở UBND xã làm việc với ông N. Lúc ấy ở trụ sở xã chẳng còn ai ở lại ngoài ông X. và ông N. Sốt ruột vì thấy bà Chiến và ông N. nói chuyện hơi lâu, ông X. có kéo ghế đến ngồi ngay trước của phòng ông N., thấy ông N. ngồi ở bàn, bà Chiến ngồi đối diện. Chính mắt ông X. thấy bà Chiến đưa tiền bọc trong giấy báo cho ông N.

Luật sư Chiến ghi lời khai của ông X. rồi nhờ ông X. ký tên. Vừa lúc ấy con trai của ông X. đi làm về. Biết chuyện, con trai của ông X. khuyên bố: “Người ta bị oan như thế, bố nên giúp đỡ. Con nghĩ bố tự tay viết đơn trình bày sự việc và ký tên thì sẽ tốt hơn”. Nghe lời con, ông X. tự tay viết một lá đơn xác nhận là đã nhìn thấy bà Chiến đưa tiền cho ông N.

Trắng đen rõ ràng

Dù có nhân chứng nhưng TAND huyện Thanh Oai xử sơ thẩm vẫn “nhắm mắt làm ngơ”, phạt bà Chiến 12 tháng tù treo. Không nản lòng, luật sư Chiến tự tin ra phiên tòa phúc thẩm (cuối năm 1986) của TAND tỉnh Hà Tây (cũ) để bào chữa cho bà Chiến.

Tại phiên phúc thẩm, luật sư Chiến đã cung cấp chứng cứ, tiếp tục khẳng định bà Chiến bị oan. Phiên tòa dự kiến chỉ diễn ra trong buổi sáng nhưng phải kéo dài sang cả buổi chiều bởi vị thẩm phán đã xét hỏi rất kỹ, trực tiếp nghe ông X. trình bày lại sự việc. Buổi chiều, sau khi thẩm tra các chứng cứ, lời khai của nhân chứng, HĐXX đã tuyên bố bà Chiến không phạm tội.

“Được minh oan, người tôi nhẹ bẫng đi như trút được gánh nặng. Nếu không có luật sư Chiến bào chữa, tìm ra nhân chứng, nếu không có ông bảo vệ trung thực và dũng cảm, nếu không có HĐXX phúc thẩm công minh thì chắc chắn tôi đã bị tù tội và mất luôn cả căn nhà mà tôi bỏ tiền ra mua hợp pháp” - bà Chiến rưng rưng.

27 năm mới được nhập hộ khẩu

Dù được minh oan, bà Chiến vẫn phải gánh chịu nhiều hệ lụy bởi UBND xã Liên Châu thời đó không đồng ý xác nhận để nhập hộ khẩu cho gia đình bà. Con cái bà học hành bình thường nhưng đến khi thi đại học trúng tuyển thì địa phương không xác nhận.

Năm 1996, bà Chiến lên thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) sinh sống bằng nghề bán bánh giò dạo. Sau đó, nhờ nhiều người tốt bụng giúp thủ tục, các con của bà được nhập hộ khẩu vào thị xã Phúc Yên. Riêng bà Chiến, do không được UBND xã Liên Châu xác nhận nên bà vẫn không có giấy tờ tùy thân.

Tháng 10-2011, bà Chiến được Liên đoàn Luật sư Việt Nam mời đến giao lưu tại “Đêm hội luật sư nhớ Bác”. Câu chuyện về hành trình đi tìm công lý của bà được một số báo đài thông tin. Tháng 5-2013, bà Chiến được cấp lại sổ hộ khẩu, một tháng sau thì được cấp lại giấy CMND.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm