Lợi và hại từ xử án lưu động

Nhưng xử lưu động cũng mang lại không ít những hệ lụy. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Thạc sĩ - Luật gia Đồng Mạnh Hùng:

Coi chừng lợi bất cập hại

Với xã hội công nghệ thông tin và truyền hình phát triển như ngày nay thì hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua xét xử lưu động đã có phần hạn chế so với các phương thức khác.

Thứ nhất, chi phí và công tác chuẩn bị cho xét xử lưu động là rất tốn kém. Nhiều phiên tòa cần phải huy động lực lượng bảo vệ rất lớn.

Thứ hai, việc xét xử lưu động thường có số lượng người tham dự rất lớn, ồn ào, dễ bị kích động tâm lý, làm ảnh hưởng chung đến HĐXX, các luật sư và những người tham gia tố tụng, có khả năng ảnh hưởng đến kết quả phiên tòa.

Thứ ba, vụ án được đưa ra xét xử lưu động tại địa phương sẽ ảnh hưởng đến bị cáo và cả người thân của họ. Ngoài bản án của tòa, bị cáo còn phải nhận thêm một bản án nữa từ cộng đồng, dẫn đến việc sự xa lánh, tẩy chay của cộng đồng. Điều này làm triệt tiêu tính khoan dung của pháp luật và tính nhân văn trong cộng đồng, gây khó khăn cho việc tái hòa nhập cộng đồng. Khi đó, người thân của bị cáo cũng phải nhận từ cộng đồng “bản án” tương tự. Thứ tư, việc tái hiện hành vi phạm tội dễ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em đang xem phiên tòa lưu động.

Chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo giữa cái lợi và cái hại, giữa lợi ích chung với tính nhân văn và nhân đạo trong việc thực thi pháp luật. Nếu so sánh chúng ta sẽ thấy giữa cái được và cái mất thì cái mất nhiều hơn.

Người dân đi coi phiên tòa xét xử lưu động vụ thảm sát ở Yên Bái chật kín sân vận động. Ảnh: TUYẾN PHAN

Thẩm phán Nguyễn Văn Nhân, TAND tỉnh Bình Phước:

Không đảm bảo tính công bằng

Theo tôi, không nên đưa các vụ án ra xử lưu động bởi việc này xúc phạm đến nhân phẩm con người, đặc biệt khi Hiến pháp 2013 đề cao việc bảo vệ quyền con người, đề cao tôn trọng phẩm giá và danh dự con người. Hiến pháp và luật không có quy định việc xét xử lưu động.

Xử lưu động cũng không đảm bảo tính công bằng trong xét xử. Tại sao có vụ án đưa ra xử lưu động, có vụ lại không? Những vụ án đưa ra xử lưu động thì điều kiện xét xử không thể tốt bằng những vụ án được xét xử tại trụ sở tòa án được.

Chi phí cho xét xử lưu động rất tốn kém, vừa mất công sức, tiền bạc của nhân dân mà còn phản tác dụng giáo dục ở chỗ những mô tả hành vi đâm, giết, cướp, tẩu thoát... được tái diễn, lưu vào đầu những đứa trẻ và những người đang có nguy cơ tiềm tàng việc phạm tội. Từ đó có đất cho tội phạm hình thành, tạo ra sự bất an của mọi người trong xã hội.

Đặc biệt, xử lưu động sẽ bỏ qua nội quy phiên tòa như trẻ em không được vào phòng xử, người dự tòa ăn mặc lịch sự, không hút thuốc, không văng tục… Quả thực, tòa khó mà kiểm soát những vấn đề này trong một phiên tòa lưu động, từ đó làm giảm đi tính uy nghiêm của phiên xử.

Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM:

Có mặt tích cực

Xử lưu động có mặt tích cực. Việc xử lưu động là hình thức xử công khai, thông qua đó để tuyên truyền pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm...

Hiện nay trên các trang mạng xã hội vì nhiều lý do khác nhau mà một số người đưa những tin không đúng sự thật liên quan đến những vụ vi phạm pháp luật từ đó khuếch tán, thêm gia vị cho ly kỳ. Chẳng hạn như vụ án thảm sát ở Bình Phước, cả nước quan tâm và nếu không xử công khai thì những tin xuyên tạc không chấm dứt được. Xét xử công khai cũng nhằm tạo niềm tin trong nhân dân về nhiều mặt như tình hình trị an, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Chính TAND Tối cao lại rất quan tâm đến việc xét xử lưu động bằng việc tính điểm thi đua cho xét xử lưu động. UBND cũng rất đồng tình việc tuyên truyền pháp luật bằng các phiên tòa lưu động, nhất là đối với những tội danh xảy ra nhiều tại địa phương. Như vậy, xét xử lưu động cũng là một kênh tuyên truyền pháp luật.

Nhưng cạnh đó xử lưu động cũng có mặt tiêu cực. Người phạm tội khi họ chấp hành xong hình phạt sẽ về tái hòa nhập với cộng đồng và trong khoảng thời gian nhất định là được xóa án tích. Nhưng những phiên tòa lưu động công khai danh tính, lý lịch, hành vi phạm tội của họ, liệu bao nhiêu năm mới được xóa vì “người ta chết để tiếng”...

Luật sư Trần Thành, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Tôi kịch liệt phản đối xử lưu động

Thông thường, những vụ án khi đưa ra xét xử là án điểm, điều này không chỉ gây áp lực cho bị cáo mà còn áp lực cả luật sư, kiểm sát viên, HĐXX. Vì nếu xử nhẹ cũng không được, ý dân ra sao mình cũng đâu có biết. Đám đông thì có nhiều ý kiến trái chiều, thuận thì không nói, còn nghịch thì có khi họ nhân đó xuyên tạc sự thật. Có những phiên tòa gia đình bị cáo sợ áp lực của dư luận, không dám đến dự. Hơn nữa tôi thấy xử trong trụ sở tòa án mới thể hiện được sự nghiêm minh hơn là xử… ngoài đường.

Tôi nhớ mãi một phiên tòa lưu động mà mình đã tham gia. Bị cáo bị truy tố tội giết người do mâu thuẫn ăn nhậu ồn ào, người này nhảy vào, người kia cầm dao, thế là một người tử vong. Bào chữa cho bị cáo, tôi hỏi người có quyền và nghĩa vụ liên quan: “Lúc bị hại nhảy vào trong nhà có cầm gì không?”. Anh này trả lời: “Tôi thấy bị hại cầm cây, thế là bị cáo cầm dao đâm”. Tôi đưa chi tiết này ra bào chữa, cho rằng bị cáo vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vì nạn nhân cũng có một phần lỗi. Lúc này bà con ở dưới ngồi vỗ tay hưởng ứng. HĐXX, VKSND tái mặt luôn. Như vậy thì giáo dục gì trong trường hợp này?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm