Kiến nghị không hạn chế số lần gặp của luật sư với người bị giam giữ

Về BLTTHS, Liên đoàn Luật sư đề xuất cấu trúc lại chương VII trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi) với tên gọi mới là “bào chữa và bảo vệ quyền lợi”. Việc gom các quy định về bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong tố tụng hình sự (nằm rải rác trong chương I, chương IV, chương VII của dự thảo) vào một chương là phù hợp với phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý trong tố tụng hình sự. Đồng thời, việc không quy định người bào chữa là người tham gia tố tụng tại chương IV mà nhập chung vào chương VII cũng nhằm xác định địa vị pháp lý của người bào chữa, trong đó có luật sư. Người bào chữa phải là chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng bào chữa, trong mối quan hệ bình đẳng với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng xét xử.

Cạnh đó, Liên đoàn Luật sư đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc đảm bảo quyền chủ động được gặp, hỏi riêng giữa người bào chữa và người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo hướng tháo gỡ rào cản về thủ tục, xóa bỏ chế độ cấp giấy đăng ký người bào chữa, không hạn chế số lần và thời gian gặp trong giờ làm việc. Ngoài ra, Liên đoàn Luật sư đề nghị quy định chỉ định người bào chữa bắt buộc đối với các trường hợp mà tội danh quy buộc dự kiến có mức án tới 15 năm tù, thay vì chỉ từ tù chung thân, tử hình như dự thảo.

Đối với trình tự xét hỏi tại phiên tòa (Điều 304 dự thảo), Liên đoàn Luật sư đề nghị đổi mới theo hướng mà đại diện VKS thực hành quyền công tố và luật sư phải hỏi chính, HĐXX hỏi sau cùng. Về phòng xử án, Liên đoàn Luật sư đề nghị xem xét sửa Điều 252 dự thảo theo hướng quy định chỗ ngồi của kiểm sát viên và người bào chữa ngang hàng với nhau nhằm đảm bảo sự bình đẳng ngay từ hình thức giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.

Theo luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, dự kiến trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25, 26-8 tới đây, Liên đoàn Luật sư sẽ trình bày quan điểm về những vấn đề trên.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm