Kiểm sát viên thế chấp nhà… lung tung

Mới đây, ông Nguyễn Kim Tiếng (Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM) cho biết VKSND TP.HCM đã kỷ luật kiểm sát viên VNP (VKSND quận 5) với hình thức cảnh cáo, đồng thời không phân công bà P. tham gia tiến hành tố tụng mà chuyển sang phụ trách kiểm sát thi hành án về hình sự. Lý do là bà P. thế chấp giấy hồng cho người khác vay tiền, sau đó lại báo cớ mất để làm giấy mới rồi thế chấp cho một ngân hàng vay tiền tiếp dẫn đến tố cáo kéo dài, ảnh hưởng đến cơ quan.

Một căn nhà thế chấp hai nơi

Trước đó, theo tố cáo của ông Phạm Văn Thành (quận Tân Bình), năm 2010 ông ra phòng công chứng làm thủ tục cho bà P. vay 5,6 tỉ đồng với lãi suất 2%/tháng, thời hạn vay hai năm. Hai bên thỏa thuận nếu bà P. chậm đóng lãi hai tháng thì ông Thành được quyền xử lý tài sản thế chấp là một căn nhà của bà P. ở quận 3 và hai mảnh đất khác.

Ông Phạm Văn Thành, người tố cáo bà P. Ảnh: NN

Sau đó, bà P. không trả lãi nên đầu năm 2011, ông Thành kiện vợ chồng bà P. ra TAND quận 3 để đòi hơn 5,8 tỉ đồng (bao gồm cả lãi). Tháng 6-2011, TAND quận 3 đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa hai bên vì vợ chồng bà P. đồng ý trả tiền cho ông Thành. Tuy nhiên, quyết định này đã bị TAND TP.HCM hủy vì TAND quận 3 ghi phần đóng án phí không đúng với biên bản hòa giải thành.

Giải quyết lại vụ kiện, TAND quận 3 phát hiện sau khi thế chấp giấy hồng cho ông Thành vay tiền, bà P. đã làm đơn báo cớ mất để được cấp giấy hồng mới. Sau đó bà P. dùng giấy hồng mới thế chấp cho một ngân hàng vay 1,3 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng khởi kiện vợ chồng bà P. đòi tiền.

Chỉ là dân sự

Theo ông Thành, tháng 9-2013, TAND quận 3 đã tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện của ông, chuyển hồ sơ cho phía VKS để xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Về phần mình, ông bức xúc nên gửi đơn tới các cơ quan tố tụng tố cáo bà P. “lừa đảo” vì đã thế chấp giấy tờ nhà còn báo cớ mất để làm giấy mới rồi đem đi thế chấp nơi khác.

Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với TAND quận 3. Trong văn bản trả lời, TAND quận 3 cho biết tháng 4-2014, VKSND quận 3 có ý kiến là “nhận thấy ý thức chủ quan về việc chiếm đoạt tài sản chưa thể hiện rõ nên chưa đủ căn cứ xem xét xử lý bà VNP về hình sự. Đề nghị TAND quận 3 tiếp tục giải quyết vụ kiện dân sự theo thẩm quyền”. Từ đó TAND quận 3 đã sáp nhập hai vụ kiện của ông Thành và ngân hàng với vợ chồng bà P. vào thành một để giải quyết.

Chúng tôi đã liên hệ với VKSND quận 3 để tìm hiểu hành vi của bà P. có dấu hiệu lừa đảo như ông Thành tố cáo hay không thì cơ quan này từ chối với lý do hồ sơ vụ việc đã chuyển lên VKSND TP.HCM. Chúng tôi liên hệ với VKSND TP.HCM thì cơ quan này cho biết sẽ trả lời sau nhưng hơn một tháng nay chúng tôi vẫn chưa được hồi âm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Tiếng (Viện trưởng VKSND quận 5) cho biết cả VKSND TP.HCM lẫn Công an TP.HCM đều nói đây chỉ là vụ việc dân sự nên ông Thành phải chờ kết quả giải quyết của TAND quận 3. “Tôi không bênh lính đâu. Tôi cũng bực mình, nhức đầu với cô này lắm. Cô này làm ăn ở bên ngoài sinh lỗ mới dẫn đến như vậy” - ông Tiếng nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Ngân hàng bị thiệt hại?

Về mặt pháp lý, luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích: “Bà P. không những qua mặt cơ quan quản lý nhà nước mà còn lừa cả ngân hàng. Người bị thiệt hại trong trường hợp này là ngân hàng. Hành vi của bà P. đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS”.

Đồng tình, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) bổ sung: “Tài sản đã thế chấp cho ông Thành nên việc bà P. báo cớ mất để làm giấy hồng mới thì giấy hồng mới sẽ không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, nếu phía bị thiệt hại là ngân hàng không tố cáo bà P. thì rất khó để xử lý hình sự”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm