Không có chuyện dung túng cho tội phạm

LTS: “Dự luật mới dung túng cho tội phạm khi đưa vào nhiều điều có lợi cho tội phạm…”. Nhận xét này của đại biểu Đỗ Văn Đương tại phiên thảo luận chiều 27-5 về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) không được nhiều chuyên gia pháp luật đồng thuận. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến phân tích đáng lưu ý.

Những ngày qua, theo dự báo thời tiết thì Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đang phải chịu một đợt nắng nóng. Vậy mà trong phòng có máy lạnh khi thảo luận dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) cũng “nóng” không kém!

Mới chỉ xung quanh một số nội dung mà Ban soạn thảo BLTTHS đưa ra như quyền im lặng; việc ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung; về thủ tục vào trại giam tiếp xúc với phạm nhân của luật sư; về cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa… cũng làm cho nghị trường “nóng” rồi.

Quyền của người phạm tội

Không phải đến khi các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận về các vấn đề mà Ban soạn thảo BLTTHS đưa ra mới có ý kiến trái chiều mà trong quá trình soạn thảo, tại các hội nghị khoa học, cũng như khi lấy ý kiến các cơ quan hữu quan cũng đã có khá nhiều ý kiến đóng góp về dự thảo BLTTHS. Tuy nhiên, những ý kiến đóng góp đó chỉ là ý kiến “phản biện” xã hội, còn tại kỳ họp QH này, các đại biểu mới chính thức cho ý kiến để ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa và đưa ra hội trường “bấm nút”.

Có lẽ ban soạn thảo mà VKSND Tối cao chủ trì chưa có ai lại nghĩ mình trình một dự án luật là để “dung túng” cho tội phạm! Mọi người, kể cả các đại biểu của dân ngồi trong hội trường “Diên Hồng” có thể có ý kiến trái chiều nhưng mục đích cũng chỉ làm cho công tác xây dựng pháp luật của QH ngày một tốt hơn. Nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ đấu tranh chống tội phạm mà điều quan trọng hơn là phải thực hiện các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của người phạm tội.

Quyền im lặng là một phương tiện quan trọng để hạn chế bức cung, nhục hình - nguyên nhân dẫn đến oan sai trong tố tụng hình sự. Trong ảnh: Ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị oan sai đã được trả tự do. Ảnh: CTV

Bản chất của quyền im lặng

Đã có nhiều ý kiến về việc có nên quy định quyền im lặng trong BLTTHS hay không, còn về bản chất thì “im lặng” đã là quyền con người rồi. Pháp luật có thể ghi nhận hay không ghi nhận chứ không thể dùng pháp luật mà bắt người ta phải nói, phải khai ra những gì mà người ta không muốn nói.

BLTTHS hiện hành không quy định quyền im lặng đối với người bị bắt, bị can, bị cáo nhưng thực tế có nhiều vụ án, người bị bắt, bị can, bị cáo đã thực hiện quyền im lặng. Có trường hợp tại cơ quan điều tra bị can khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội nhưng tại phiên tòa bị cáo lại giả câm, giả điếc. Mới đây, ngày 21-1-2015, TAND tỉnh Bình Thuận đã phải hoãn phiên tòa vì ngay tại phần kiểm tra căn cước, bị cáo bỗng dưngra dấu bị… câmkhông trả lời được. Có ý kiến cho rằng do trình độ của HĐXX nên những trường hợp có ghi trong luật còn chưa làm đúng thì trường hợp hiếm thế này làm gì tòa chẳng bó tay.

Thực tiễn xét xử cũng có nhiều trường hợp tại phiên tòa bị cáo “giả câm” nhưng thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã biết áp dụng các quy định của BLTTHS nên phiên tòa vẫn xét xử bình thường, chỉ đến khi chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án thì “tự nhiên” bị cáo mới mở miệng “xin tòa tha thứ”. Nếu chủ tọa giỏi, có kinh nghiệm thì bị cáo có giả câm, giả điếc vẫn được tiến hành bình thường. Bởi vì ngoài lời khai của bị cáo còn có nhiều tài liệu chứng cứ khác để chứng minh tội phạm chứ không nhất thiết phải căn cứ vào lời khai của bị cáo. Như vậy, dù BLTTHS có quy định hay không quy định quyền im lặng thì cũng không vì thế mà cho rằng quy định là “dung túng cho tội phạm” hay “quyền im lặng là vô nghĩa”.

Quy định là để khẳng định một điều anh có quyền im lặng đấy, anh cứ im lặng cho đến khi có luật sư, là thể hiện sự văn minh của xã hội đối với người phạm tội, còn nghĩa vụ chứng minh tội phạm bao giờ cũng thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Do từ trước đến nay cán bộ điều tra, viện kiểm sát, tòa án cứ quen rằng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo là cái “bùa hộ mệnh” nên sợ cho bị can, bị cáo cái quyền im lặng thì sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Ghi âm, ghi hình: Không hề là “lạc quan tếu”

Nếu cách đây 40 năm mà nói đến việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung thì người ta sẽ nói là “nằm mơ giữa ban ngày” chứ đừng nói là “lạc quan tếu”. Còn ngày nay khi mà xã hội đang ở trong thời đại tin học, điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta đã khá hơn trước nhiều thì việc ghi âm, ghi hình tại các buổi hỏi cung không có gì là khó. Hơn nữa, ngay khi mà BLTTHS chưa quy định phải “ghi âm, ghi hình” thì một số phiên tòa cơ quan tiến hành tố tụng đã ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa từ khi khai mạc đến khi kết thúc. Thực tế trong thời gian qua, có nhiều vụ án VKS đã phải sử dụng băng hình để “đấu tranh” với bị cáo và đem lại kết quả ngoài mong đợi.

Đừng thần thánh hóa việc ghi âm, ghi hình nhưng cũng không vì thế mà cho rằng ghi âm, ghi hình là “lạc quan tếu”. Vấn đề là quy định ghi âm, ghi hình trong BLTTHS thế nào, ai ghi để bảo đảm tính khách quan chứ cứ quy định phải ghi nhưng việc ghi đó chỉ phục vụ cho những trường hợp theo ý muốn chủ quan của người tiến hành tố tụng hay người tham gia tố tụng thì nó cũng sẽ không có tác dụng.

Quy định việc ghi âm, ghi hình là nhằm mục đích “chống bức cung, nhục hình” trong tố tụng hình sự và sử dụng trong trường hợp phải đấu tranh với sự lật lọng, khai man của người tham gia tố tụng chứ không phải ghi âm, ghi hình rồi để vào kho lưu trữ, khi cần thì đem ra dùng làm “phim tài liệu”.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Đại biểu Đương hiểu sai về quyền im lặng

Không có chuyện dung túng cho tội phạm ảnh 2
Cách hiểu của ông Đương về quyền im lặng tại buổi thảo luận chiều 27-5 là không đúng khi cho rằng: “Ở đây phải hiểu là bị cáo được tự do khai báo, không bị ép cung, bức cung, nhục hình”. Trong khi quyền im lặng về bản chất là quyền cơ bản của con người, là quyền của bị can trong giai đoạn đầu khi chưa có luật sư. Không ai hiểu đó là sự im lặng trong suốt quá trình điều tra như ông Đương phân tích.

Chúng ta phải phân biệt hai vấn đề khác nhau là quyền im lặng của bị can là quyền của họ khác với “quyền mở mồm”, như cách nói của ông Đương. Luật hóa quyền im lặng là chúng ta đang hướng tới một nền tố tụng hoàn thiện hơn, nó là xu hướng của các nước chứ không phải “dung túng cho tội phạm” như cách ông Đương nói. Ý kiến của các lãnh đạo công an các tỉnh không hưởng ứng quyền im lặng thì cũng dễ hiểu nhưng phân tích lập luận như ông Đương là sai bản chất.

Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các đại biểu rằng nhiệm vụ chứng minh tội phạm là của cơ quan tiến hành tố tụng. Còn chúng ta phải tôn trọng quyền của bị can, bị cáo vì lúc này họ chưa phải là tội phạm, chỉ bị hạn chế một số quyền nhất định chứ chưa mất quyền công dân.

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

Dự thảo hay, sao lại cản?

Không có chuyện dung túng cho tội phạm ảnh 3
Một số ý kiến không ủng hộ đưa quyền im lặng và ghi âm, ghi hình phiên xử vào BLTTHS với lập luận nó viển vông, xa vời là quá sai lầm. Có ý kiến còn suy diễn rằng quy định quyền im lặng là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân thì tôi không hiểu nổi. Nói gì thì nói chúng ta phải sửa đổi BLTTHS theo hướng khẳng định những nguyên tắc tiến bộ mà các nước đã có từ lâu. Cá nhân tôi cũng như ban lãnh đạo Liên đoàn Luật sư cho rằng dự thảo đưa hai vấn đề trên vào là một điểm mới tiến bộ, thể hiện văn minh pháp lý rõ rệt.

Thực hiện quyền im lặng là tôn trọng quyền con người, nâng cao vị thế và chất lượng của luật sư trong hoạt động bào chữa, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp. Quyền im lặng cũng gắn liền với nguyên tắc suy đoán vô tội; người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền chứ không phải có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội và nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Quyền im lặng là một phương tiện quan trọng để hạn chế bức cung, nhục hình - nguyên nhân dẫn đến oan, sai trong tố tụng hình sự. Nó còn là một yếu tố bắt buộc của nguyên tắc tranh tụng, trong khi chúng ta đang hướng đến tăng cường tính tranh tụng. Do đó phải cụ thể hóa nội hàm khái niệm quyền im lặng vào một số điều luật chứ không chỉ một điều.

Ghi âm, ghi hình phiên xử là thể hiện sự công khai, minh bạch, có gì mà phải ngại. Thậm chí còn phải quy định sự có mặt bắt buộc người bào chữa và kiểm sát viên khi lấy lời khai, nếu bản cung nào không có đủ các chữ ký ấy thì bị coi là không hợp lệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm