Khi luật sư bị hạch hỏi

Có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười khi luật sư (LS) ra tòa bào chữa, bảo vệ. Thậm chí có trường hợp LS bị hạ uy tín ngay tại phiên tòa. Dưới đây là những chuyện điển hình.

Tòa thẩm tra lý lịch luật sư

LS NVT (Đoàn LS TP Đà Nẵng) bức xúc kể lại chuyện bị một tòa quận tại Đà Nẵng thẩm tra lý lịch ngay tại phiên tòa. Chuyện là trong một phiên tòa hình sự, sau khi thẩm tra lý lịch của bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vị chủ tọa quay qua phía LS đề nghị đứng dậy để… thẩm tra căn cước.

Tòa: “LS T. cho biết họ tên đầy đủ…?”. Nghĩ chủ tọa nhầm, LS T. không muốn làm căng nên đứng dậy nói rõ họ tên, kể cả tên văn phòng LS của mình. Tưởng xong, ai dè chủ tọa dấn tới: “LS nói rõ ngày tháng năm sinh!”. Tiếp đó, chủ tọa lại yêu cầu LS nói rõ nơi cư trú, địa chỉ văn phòng…

Dù khó chịu nhưng LS T. vẫn trả lời và định bụng chờ phiên tòa kết thúc sẽ nhắc nhở vị chủ tọa. Khi LS nhắc nhở chủ tọa thẩm tra lý lịch như vậy là không đúng nguyên tắc thì chủ tọa nói “nhầm” và hứa lần sau sẽ rút kinh nghiệm.

Thế nhưng cũng tại tòa này, sau đó không lâu, luật sư T. lại thêm một lần nữa bị chính người thẩm phán này “thẩm tra lý lịch”. Lúc này LS T. phải phản ánh với chánh án tòa này để chánh án rút kinh nghiệm vị thẩm phán nói trên.

LS T. bức xúc: “Mình là LS chứ đâu phải là bị cáo, bị hại hay người liên quan mà chủ tọa đòi thẩm tra lý lịch. Trước đó, để tham gia bào chữa tại phiên tòa, LS đã phải làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận bào chữa, nay ra tòa chủ tọa lại thẩm tra là không đúng. Thêm nữa vị trí của LS khi tham gia phiên tòa cũng ngang hàng với đại diện VKS, họ là bên buộc tội, LS là bên gỡ tội thì hà cớ gì tòa thẩm tra lý lịch LS? Chẳng lẽ chủ tọa sợ có ai “mạo nhận” LS để vào bào chữa tại tòa? Hay HĐXX đang mặc nhiên cho rằng LS cũng như bị cáo, bị hại, người liên quan trong vụ án?”.

Tại TAND TP Đà Nẵng, luật sư ngồi ngang hàng với kiểm sát viên Ảnh: DH

Kiểm sát viên: Luật sư học gì ra?

Còn LS NVH (Đoàn LS TP.HCM) thì kể lại câu chuyện bị đại diện VKS “hạ bệ” tại tòa tạo tình huống khôi hài, căng thẳng, làm giảm không khí trang nghiêm tại chốn công đường.

Tại một phiên tòa lưu động xử về tội giết người do TAND TP.HCM xét xử, bị cáo bị truy tố tội giết người với tình tiết tăng nặng là giết người man rợ (do sau khi bóp cổ nạn nhân chết, bị cáo đã phân xác nạn nhân vứt xuống kênh rạch để tránh bị phát hiện). Khi tranh luận, LS H. cho rằng đây không phải là hành vi giết người man rợ vì hành vi giết người đã xong, còn việc phân xác là nhằm che giấu hành vi giết người trước đó.

Thế nhưng khi tranh luận lại, thay vì đồng ý hoặc phản đối, đại diện VKS đã bất ngờ đặt câu hỏi chất vấn LS rằng: “LS học gì ra vậy?”.

Dù bất ngờ nhưng LS vẫn bình tĩnh và nói trong ôn hòa: “Đại diện VKS không có quyền đặt câu hỏi như vậy với LS!”. Đại diện VKS vẫn bồi tiếp: “Trường nào mà dạy LS kiểu phân xác là không man rợ?”.

Đến đây thì chủ tọa phải nhắc đại diện VKS nên đi vào trọng tâm phần tranh luận. Sự căng thẳng tạm thời lắng xuống.

Tranh luận nhằm “hạ bệ”

Cũng gặp tình trạng tương tự, LS TVT (Đoàn LS TP.HCM) kể tại một phiên tòa, khi tranh luận lại với LS, đại diện VKS đã vặn hỏi LS một cách không thể chấp nhận được.

LS T. bức xúc kể: “Sau khi tôi trình bày phần bào chữa cho bị cáo, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã tranh luận lại theo kiểu chất vấn rất lạ đời”. Cụ thể, đại diện VKS nói: “Yêu cầu LS trả lời cho tôi ba câu hỏi như sau: Thứ nhất, LS học trường nào ra? Thứ hai, LS tham khảo sách luật nào? Thứ ba, giảng viên nào dạy LS kiểu tranh luận như vậy?”.

Khi đại diện VKS kết thúc ba câu hỏi, vị chủ tọa nhắc nhở ngay: “VKS tranh luận lại hoặc đồng ý hoặc phản đối chứ không được phép đặt câu hỏi cho LS như vậy”.

Theo LS T. thì việc VKS tranh luận như vậy là nhằm “hạ bệ” uy tín LS. “Những kiểu hạ bệ này thường xuất hiện khi kiểm sát viên đuối lý, không đủ lý lẽ để tranh luận lại. Vì vậy, họ không đi vào trọng tâm nội dung tranh luận mà quay sang công kích cá nhân để khỏa lấp đi sự hạn chế của mình” - LS T. nói.

Tại tòa, LS và kiểm sát viên có vai trò, vị trí ngang nhau, trong đó luật trao quyền cho kiểm sát viên buộc tội, còn LS thì gỡ tội. Quá trình tranh luận và tranh tụng là nhằm để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, để tránh sót người, lọt tội và không làm oan người vô tội. Vì vậy, giữa hai bên cần tôn trọng nhau, tôn trọng nghề nghiệp, công việc của nhau, không lý gì kiểm sát viên phải tìm cách “dìm hàng”, hạ uy tín của LS khi mình… đuối lý. Đó vừa là văn minh tranh luận, vừa thể hiện văn hóa pháp đình.

Thiếu bình đẳng

Tại một hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng mới đây, LS Phan Trung Hoài (Ủy viên Ban Thường vụ, hiện là phó chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam) phản ánh tình trạng LS bị “bạc đãi”. LS Hoài kể lại diễn biến tại phiên tòa Huỳnh Thị Huyền Như ở TAND TP.HCM. Do tính chất phức tạp của vụ án nên tất cả những người tham dự phiên tòa đều phải đi qua cổng an ninh để kiểm tra (giống kiểm tra khi lên máy bay). Theo đó, LS cũng phải đi qua cổng này, phải mở cặp cho an ninh kiểm tra. Trong khi đó, công tố viên tham gia phiên tòa thì lại đi cổng riêng và không phải qua cổng kiểm tra này. Khi tham gia phiên tòa, thư ký có máy tính, còn LS thì chỉ được phép mang tài liệu bằng giấy vào phiên tòa. Dù LS nói rằng toàn bộ tài liệu nằm trong máy tính nhưng không được chấp nhận. LS Hoài cho rằng như vậy là phân biệt, thiếu bình đẳng đối với LS.

“Ăn miếng trả miếng”

Giới LS truyền tụng câu chuyện “ăn miếng trả miếng” khi bị một kiểm sát viên hạch hỏi tại tòa. Tại một phiên xử, sau khi nghe LS trình bày, kiểm sát viên không tranh tụng mà lại quay sang hỏi LS: “LS học trường nào ra vậy…?”. Không may cho kiểm sát viên, hôm ấy ông đã gặp một LS “không phải dạng vừa”. LS “đốp” lại ngay: “Tôi học đại học nào cũng không có nghĩa vụ phải trả lời cho kiểm sát viên, kiểm sát viên chỉ cần biết rằng tôi không học ở trường cao đẳng kiểm sát là được”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm