Bạn đọc viết:

Góc nhìn khác về xử lưu động

Lý do là trong thời đại mọi thông tin đều có thể lên mạng tìm trong một giây thì việc bố trí một phiên tòa giữa nơi dân cư tốn rất nhiều thời gian, chi phí. Ngoài ra, phiên tòa như thế gây áp lực với HĐXX cả về thời gian tố tụng lẫn mức án đưa ra, gây sự kỳ thị trong cộng đồng với người đứng trước vành móng ngựa….

Tuy nhiên, những điều đó nếu đem so với tác dụng mà hình thức phổ biến pháp luật này đem lại thì vẫn còn một khoảng cách. Điều có giá trị lớn nhất của phiên tòa này bên cạnh việc “triển lãm tội ác” thì người dân theo dõi còn có dịp tường minh những vấn đề pháp lý mà không phải ai cũng biết, không phải trang mạng nào cũng đủ sức để rạch ròi từng chi tiết. Qua đó, phiên tòa có thể giúp những mầm mống tội ác quay đầu phục thiện, giúp công dân thẩm thấu luật pháp từ những lý lẽ được phía công tố, luật sư, thẩm phán đưa ra từ đây.

 Một vụ xử lưu động ở Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

Như trong vụ thảm sát sáu người tại Bình Phước, Trần Đình Thoại tay không dính máu nhưng vẫn bị truy tố và tuyên án tội giết người. Qua phiên tòa, người ta có thể biết được bản án của người này chắc chắn thay đổi nếu sau cái đêm đột nhập bất thành anh ta ra ngay công an tự thú.

Hay trong vụ giết cả gia đình ở Yên Bái, Nguyễn Thị Hán thoát trách nhiệm hình sự khi không có điều kiện tố giác tội phạm. Qua phiên tòa, mọi người có thể hiểu được những căn cứ để cơ quan chức năng không xử lý người này.

Hoặc trong những vụ án mà nếu dùng vũ lực để giành một con gà, bị cáo có thể nhận mức án năm năm tù nhưng nếu ăn trộm dưới 2 triệu đồng thì chỉ có thể xử lý hành chính…

Nghĩa là những vấn đề pháp lý thú vị không chỉ diễn ra trong bốn bức tường của trụ sở tòa án rồi được báo chí đưa tin một cách đơn giản, chỉ đa phần chú trọng vào kết quả mà nó còn được bày ra trước một bộ phận cộng đồng như những món ăn bổ ích mang tên “hiểu biết”. Quan trọng hơn, thông qua đối đáp trước tòa, người dân sẽ giác ngộ pháp luật, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của họ được thúc đẩy hơn và  họ biết được nên hay không nên làm gì trong các tình huống ứng xử, hoạt động.

Khi người dân chưa có ý thức về pháp luật rõ như nhiều nước tiến bộ, đứa trẻ bảy tuổi cũng biết báo cảnh sát nếu bị cha mẹ ngược đãi, thì Việt Nam vẫn cần những phiên xử lưu động và cần mở rộng lĩnh vực xử lưu động đến những vụ án phi hình sự (Hành chính, dân sự).

Với vai trò phổ biến giáo dục to lớn từ các phiên xử lưu động như vậy thì đánh đổi với nỗi xấu hổ, uất ức của một số ít người hay sự tính toán về thời gian, chi phí… tôi cho là xứng đáng.

 
Chiều nay (22-12), báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Có nên xử án lưu động?” trong nền tư pháp văn minh, hiện đại.

Khách mời tham dự là các chuyên gia pháp luật, các luật sư, thẩm phán, giảng viên luật…

Xử án lưu động là để tuyên truyền, phổ biến giáo dục và răn đe tội phạm, phòng ngừa chung. Nhưng xử lưu động cũng mang nhiều hệ lụy mà chính những người trong cuộc - các thẩm phán băn khoăn, trăn trở. Vậy có nên duy trì hình thức xét xử lưu động hay vẫn áp dụng nhưng ở mức độ hạn chế?... Đó là những nội dung sẽ được các chuyên gia pháp luật mổ xẻ, bàn luận tại buổi tọa đàm.

Kính mời bạn đọc đón theo dõi trên www.plo.vn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm