Đầu thú với... người bị hại cũng được tòa giảm nhẹ

Cạnh đó, HĐXX cũng xem xét các tình tiết như bị cáo ra đầu thú, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt để giảm án cho bị cáo xuống còn một năm tù.

Theo hồ sơ, chiều 19-1, Thắm đến nhà vợ chồng chị Trịnh Kim Anh (phường Thới An, quận 12) chơi. Tại đây, thấy chiếc xe máy (trị giá hơn 7 triệu đồng) dựng trong nhà, Thắm nảy sinh ý định chiếm đoạt bán lấy tiền tiêu xài. Thắm bèn vờ mượn xe đi mua đồ nhậu nhưng chị Anh không đồng ý. Nửa tiếng sau, lợi dụng lúc chị Anh đi tắm, Thắm hỏi chồng chị Anh mượn xe đi mua đồ nhậu. Tưởng vợ đã đồng ý, chồng chị Anh cho Thắm lấy xe dẫn đi. Sau khi dẫn xe ra ngoài, không có chìa khóa nên Thắm đã mở tháo dây điện, nổ máy xe chạy thẳng đến tiệm cầm đồ gần đó lấy 6 triệu đồng rồi bỏ trốn.

Bị mất xe, chị Anh đến cơ quan công an tố cáo. Đến ngày 23-1, Thắm tìm đến nhà chị Anh xin lỗi và trả lại các giấy tờ. Lúc này, chị Anh báo công an phường để bắt giữ Thắm. Tại CQĐT, Thắm còn khai nhận lúc chị Anh đi tắm, Thắm lục lấy thẻ tín dụng và các giấy tờ của chị...

Điều đáng chú ý tại phiên tòa phúc thẩm vụ án này là HĐXX đã xác định tình tiết Thắm đến nhà chị Anh xin lỗi, trả lại giấy tờ là đầu thú, là một trong các tình tiết giảm nhẹ để giảm án cho Thắm.

Trước đây, TAND TP.HCM cũng từng xét xử một vụ giết người mà bị cáo có vấn đề về tâm thần. Sau khi giết người yêu ở bãi đất trống, bị cáo chạy ra đường đứng la lớn: “Tôi đã giết người, giết người”. Từ đây, người dân xung quanh đã báo công an tới bắt giữ bị cáo. Khi xét xử, HĐXX cũng vận dụng tình tiết giảm nhẹ là tự thú cho bị cáo.

Hai vụ án trên cho thấy cơ quan tố tụng đã có cách hiểu khác về các tình tiết đầu thú, tự thú bởi xưa nay, nhiều người vẫn cho rằng việc đầu thú, tự thú phải diễn ra tại cơ quan có thẩm quyền như công an thì mới được xem xét.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét việc người phạm tội đầu thú, tự thú nhất thiết là phải với cơ quan có thẩm quyền vì như vậy việc đầu thú, tự thú mới có giá trị pháp lý để giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) lại cho rằng không nhất thiết phải xem việc đầu thú hay tự thú của người phạm tội chỉ là với cơ quan chức năng. Việc người phạm tội thừa nhận hành vi với nạn nhân hay cha mẹ, người thân để họ báo công an và sau đó người này chịu trách nhiệm về việc mình đã làm đều được xem là tình tiết đầu thú hay tự thú. Ngược lại, nếu đầu thú, tự thú mà lẩn tránh trách nhiệm thì không được xem xét. Chẳng hạn cướp của người quen rồi quay lại xin lỗi nạn nhân nói nhầm thì không thể xem là đầu thú, tự thú...

Đây là tình huống pháp lý gây tranh cãi vì hiện chưa có quy định hay hướng dẫn chính thức nào về vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các chuyên gia và thông tin tới bạn đọc.

Phân biệt tự thú với đầu thú

Theo Sổ tay thẩm phán của TAND Tối cao, tự thú là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội.  Còn đầu thú là có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội, biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội ra đầu thú.

Do đặc tính chủ động ra nhận tội khi chưa bị phát hiện nên hành vi tự thú được đánh giá cao hơn đầu thú. Điểm 0 khoản 1 Điều 46 BLHS quy định tự thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo Điều 47 BLHS, nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 1 Điều 46 BLHS trở lên thì người phạm tội có thể được tòa áp dụng mức án dưới khung hình phạt truy tố. Còn hành vi đầu thú chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ khác theo khoản 2 Điều 46 BLHS (do tòa xem xét nhưng phải ghi rõ trong bản án). Các tình tiết giảm nhẹ do tòa xem xét này không phải là căn cứ để tòa xử dưới khung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm