Đánh người đến tàn tật vẫn thoát tội?

Ngày 24-5, bà Trần Thị Chanh (ngụ xã Tân Bình, thị xã La Gi, Bình Thuận) cho biết đã gửi đơn đến các cơ quan tố tụng ở tỉnh Bình Thuận tố cáo “VKSND thị xã La Gi cố tình bao che, bỏ lọt tội phạm” cho người đánh con trai bà tới tàn phế.

Đánh người đến tàn phế

Theo đơn tố cáo của bà Chanh, trưa 10-11-2014, do nghi ngờ con trai bà là Lê Nhật Long (18 tuổi) đánh con mình, Trương Quốc Nam (34 tuổi) đã đến nhà bà tra hỏi, đánh vào mặt Long một cái rồi ra về. Sau đó, em ruột Nam xuất hiện, dùng cây cơ bida đánh vào đầu Long nhưng trượt xuống trúng vai rồi bỏ về, trước khi ra về còn lớn tiếng đe dọa.

Khoảng 15 phút sau, vợ chồng Nam lại đến nhà bà Chanh. Lần này thấy Nam cầm một cây gỗ tròn lớn, Long dùng đá ném lại thì bị Nam dùng cây đập mạnh từ trên xuống trúng đỉnh đầu của Long và bồi tiếp một cây vào chân khiến Long ngã quỵ xuống sàn nhà.

Vụ việc được gia đình bà Chanh báo ngay cho Công an xã Tân Bình xuống lập biên bản. Trong lúc công an xã đang làm việc, Long kêu đau đầu, sau đó hôn mê nên được gia đình đưa đến BV thị xã La Gi, rồi chuyển vào BV Chợ Rẫy (TP.HCM) mổ cấp cứu. Nạn nhân được xác định bị máu tụ ngoài màng cứng đỉnh đầu, chấn thương sọ não. Sau khi điều trị, nạn nhân bị động kinh, liệt nửa người bên trái, mắt bị lé, giãn đồng tử do di chứng chấn thương sọ não.

Nạn nhân Lê Nhật Long phải ngồi xe lăn, tàn tật suốt đời khi tuổi còn quá trẻ. Ảnh: P.NAM

Thừa nhận đánh người, chủ động bồi thường

CQĐT Công an thị xã La Gi đã trưng cầu giám định thương tật đối với Long. Ngày 9-1-2015, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Bình Thuận kết luận Long bị tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 59%.

CQĐT tiến hành lấy lời khai, Nam đã thừa nhận hành vi dùng cây gỗ tròn đánh người của mình. Sau đó, Nam chủ động mang 37 triệu đồng đến gia đình bà Chanh để bồi thường bước đầu.

Căn cứ vào lời khai của Nam, Long và các nhân chứng…, ngày 22-1, Công an thị xã La Gi đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nam về tội cố ý gây thương tích và chuyển hồ sơ sang VKSND thị xã La Gi đề nghị phê chuẩn.

VKS hủy bỏ quyết định khởi tố

Trong thời gian này Nam bất ngờ khai là trước khi Nam dùng cây gỗ đánh vào đầu Long thì Long có lấy xe máy đi công việc và tự té gây thương tích. CQĐT tiến hành xác minh. Kết quả hoàn toàn không có nhân chứng nào thấy Long lấy xe máy đi tự gây tai nạn cho mình như lời khai của Nam cả.

Một điều đáng tiếc là CQĐT đã không thu giữ được cây gỗ tang vật mà Nam dùng để đánh nạn nhân. Mặt khác, kết luận giám định cho thấy vết thương trên đỉnh đầu của Long không để lại dấu vết gì bên ngoài nhưng lại bị tụ máu màng cứng, chấn thương sọ não. CQĐT phải gửi văn bản yêu cầu Trung tâm Giám định pháp y giải thích về cơ chế vết thương trên đỉnh đầu của Long. Theo văn bản trả lời của Trung tâm Giám định pháp y thì vật tác động có bản rộng, dài, do diện tích tiếp xúc lớn nên không gây ra vết thương bên ngoài nhưng nạn nhân vẫn bị tụ máu, chấn thương sọ não do chấn động cực mạnh.

Từ văn bản trả lời này, VKSND thị xã La Gi đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, yêu cầu CQĐT đình chỉ các hoạt động tố tụng đối với Nam. Theo VKSND thị xã La Gi, không có căn cứ xác định chấn thương vùng đầu của Long là do Nam cầm cây gỗ tròn đánh gây ra như CQĐT xác định.

Trong khi đó, CQĐT Công an thị xã La Gi cho biết trước sau như một CQĐT vẫn giữ quan điểm chính Nam đã gây ra thương tích cho nạn nhân nên phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ dù không thu giữ được tang vật gây án để xác định rõ là gỗ tròn hay gỗ bản rộng nhưng việc Nam dùng cây gỗ đánh vào đầu Long là có thật, việc Long hôn mê phải đưa đi cấp cứu ngay sau khi bị Nam đánh là có thật, Nam thừa nhận toàn bộ hành vi dùng cây gỗ đánh người như trên và đã chủ động mang tiền đến bồi thường cho gia đình nạn nhân...

Hiện Long gần như tàn phế và gia đình bà Chanh đã phải thế chấp nhà để có tiền điều trị cho con.

Để làm rõ hơn vụ việc, ngày 25-5, chúng tôi đã cố gắng nhiều lần liên lạc với ông Trần Quang Hải (Viện trưởng VKSND thị xã La Gi, người ký quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của CQĐT) nhưng chưa được.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm

Trong vụ án này, ông Nam đã thừa nhận hành vi dùng cây gỗ đánh người của mình, chủ động bồi thường. Còn việc ông này dùng cây gỗ tròn hay gỗ bản rộng, dài để gây thương tích cho Long không phải là mấu chốt bởi dùng gỗ loại nào thì chỉ theo lời khai của ông ta, trong khi CQĐT lại không thu hồi được. Chỉ vì kết luận giám định không xác định rõ vật gây ra vết thương mà đình chỉ vụ án là chưa thuyết phục bởi nếu cần, các cơ quan tố tụng có thể trưng cầu giám định lại ở một tổ chức giám định khác ở cấp trung ương chẳng hạn.

Về mặt pháp lý, tổng hợp tất cả tình tiết, chứng cứ của vụ án như báo nêu, tôi cho rằng hành vi của ông Nam đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích được quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS.

Luật sư ĐỖ MINH TRÚC, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư
tỉnh Bình Thuận

Điều trị hai tháng mới đi giám định

Trao đổi với PV, lãnh đạo Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Bình Thuận cho biết hai tháng sau khi bị đánh (tức sau khi đã trải qua thời gian điều trị tại bệnh viện), Long mới được đưa đến giám định. Vì thời gian kéo dài, lúc này đầu nạn nhân đã không còn dấu vết gì nên trong kết luận giám định, trung tâm không xác định được vật gây ra vết thương.

Về mặt y học, GS-TS-BS Nguyễn Công Minh (Chủ nhiệm bộ môn Ngoại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nhận xét việc bệnh nhân bị tụ máu màng cứng nhưng xương sọ không có biểu hiện lún, nứt là chuyện thường gặp. Cây gỗ tròn hoặc cây gỗ bản rộng đánh trúng xương sọ đều có thể tác động làm mạch máu bên trong bị vỡ ra dù bên ngoài không để lại dấu vết gì nhiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm