Chung thân không giảm án: Trái chính sách nhân đạo?

Giảm án làm mất tính nghiêm minh
Tôi ủng hộ phương án 1 trong dự thảo BLHS (sửa đổi) là quy định “chung thân không giảm án” đối với người được ân giảm án tử. Bởi lẽ tội phạm đã bị xét xử, kết án tử hình là tội đặc biệt nghiêm trọng nên một khi người bị kết án đã được ân giảm thành tù chung thân thì việc họ tiếp tục được giảm án nữa sau một thời gian chấp hành hình phạt sẽ không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Đối với phương án 2 trong dự thảo là quy định “chung thân có giảm án” nhưng với những điều kiện xét giảm nghiêm khắc hơn so với người bị kết án tù chung thân thông thường, tôi thấy không ổn. Những trường hợp được giảm án phải tùy loại tội nhưng riêng đối với tội tham ô tài sản hay nhận hối lộ, một khi đã được ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân thì càng không nên giảm án nữa vì chủ thể của loại tội này là người có chức quyền, khi phạm tội có nhiều tiền để khắc phục hậu quả, từ đó được giảm án. Như vậy sẽ không thể hiện tính nghiêm minh, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cả hệ thống chính trị.

Kiểm sát viên NGUYỄN VĂN TÙNG, VKSND quận Tân Phú, TP.HCM

Cải tạo tốt, phải giảm án

Nguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự nước ta không chỉ được thể hiện trong quá trình áp dụng quy định pháp luật hình sự để xử lý tội phạm mà còn thể hiện xuyên suốt trong quá trình thi hành án hình sự. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm thành tù chung thân, nếu trong quá trình chấp hành án, họ đã nhận thức được sai lầm, thực hiện việc cải tạo tốt thì chúng ta nên có chính sách giảm mức hình phạt nhằm động viên, khuyến khích họ. Khi mục đích cải tạo, giáo dục phạm nhân đã đạt được, phạm nhân đã không còn nguy hiểm thì nên tạo cơ hội cho họ được tái hòa nhập cộng đồng để họ có thể lao động, cống hiến cho xã hội nhằm bù đắp lại sai lầm trước đó của họ.

Nếu BLHS quy định “chung thân không giảm án” thì sẽ tạo tâm lý chán nản đối với phạm nhân. Họ sẽ không tiếp nhận mục đích cải tạo, giáo dục từ hình phạt vì họ biết cho dù họ cải tạo tốt thì họ cũng không còn cơ hội được quay về với cộng đồng. Do đó, tôi đồng ý với quan điểm người bị kết án tử hình được ân giảm thành tù chung thân vẫn có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt với điều kiện chặt chẽ hơn: Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 20 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm (tương xứng với mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp phạm nhiều tội).

ThS TRẦN THANH THẢO, khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Chung thân không giảm án: Trái chính sách nhân đạo? ảnh 3

Nhiều ý kiến cho rằng nếu cho người bị kết án tử hình ân giảm xuống tù chung thân, nên áp dụng tù chung thân có giảm án. Ảnh minh họa: HTD

Đi ngược chính sách hình sự

Quy định “chung thân không giảm án” đi ngược lại chính sách và bản chất của pháp luật hình sự vì mục đích của hình phạt là để răn đe, giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện. Khi một phạm nhân cải tạo tốt, họ phải được hưởng quyền giảm án. Mặt khác, quy định này được áp dụng sẽ mâu thuẫn với Luật Đặc xá.

Tuy nhiên, mức án tử hình thường áp dụng cho tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nếu phạm nhân được ân giảm xuống hình phạt chung thân và tiếp tục được giảm thành tù có thời hạn thì đối với một số tội phạm nguy hiểm, nếu áp dụng quy định cho giảm án sẽ làm mất tính răn đe của hình phạt. Vì vậy, theo tôi không nên sửa đổi, bổ sung quy định người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân hoặc chỉ áp dụng đối với một số loại tội phạm như tội phạm trong lĩnh vực kinh tế.

Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Giảm án theo quy định chung

Người phạm tội suy cho cùng cũng là nạn nhân của xã hội. Mục đích của hình phạt chủ yếu là để giáo dục người phạm tội thành người có ích cho xã hội nên tôi chọn phương án 2 trong dự thảo (“chung thân có giảm án” đối với người được ân giảm án tử). Tuy nhiên, tôi đề nghị nên giữ nguyên quy định xét giảm chung như luật hiện hành, không nên có sự phân biệt với trường hợp bị kết án tù chung thân thông thường như thời gian chấp hành án phải lâu hơn, phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt dài hơn…

Thẩm phán NGUYỄN VĂN NHÂN, TAND tỉnh Bình Phước

Không nên “cải lùi”

Người phạm tội khi đã được ân giảm từ án tử hình xuống còn tù chung thân là đã qua một quá trình xem xét, cân nhắc kỹ về các nguyên tắc, điều kiện ân giảm qua các trình tự thủ tục nghiêm ngặt. Do đó, khi họ đã được ân giảm thì cũng cần xét giảm án chung thân nếu họ đạt được những yêu cầu cải tạo. Việc quy định khống chế theo hướng kéo dài thời gian chấp hành hình phạt tối thiểu rồi mới xem xét giảm án là phù hợp tính đạo lý và pháp lý theo xu thế thời đại.

Việc giảm án chung thân có điều kiện đảm bảo tính nhân đạo của chính sách pháp luật. Chúng ta sửa BLHS nhằm tiếp thu những điểm tiến bộ, phù hợp với tình hình hiện tại của Việt Nam, nếu quy định tù chung thân vĩnh viễn thì rõ ràng là chúng ta đã “cải lùi” so với xu hướng chung.

Luật gia NGUYỄN THANH LƯƠNG, Hội Luật gia TP.HCM

Nên giảm án vì tính nhân đạo

Tôi ủng hộ phương án “chung thân có giảm án” bởi quy định này sẽ tạo điều kiện cho những người được ân giảm án tử còn cơ hội đoàn tụ gia đình, quay về xã hội để đóng góp cho xã hội nếu họ còn trẻ. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần quy định thêm rằng không giới hạn việc tổng hợp mức án trong trường hợp họ phạm nhiều tội. Những trường hợp này thực tế coi như là chung thân suốt đời (thời gian chấp hành án tối thiểu để được xem xét giảm án rất dài) nhưng vẫn đảm bảo được tính nhân đạo của chính sách pháp luật hình sự.

Sinh viên PHẠM HÒA, Trường ĐH Luật TP.HCM

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, dự thảo BLHS (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này đã đề xuất hai phương án:

Phương án 1 là không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân.

Phương án 2 là “chung thân có giảm án” theo hướng siết chặt hơn điều kiện để xét giảm án chung thân đối với người được ân giảm án tử (trong đó có cả trường hợp người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn). Cụ thể, với người được ân giảm án tử thì thời gian đã chấp hành để được xét giảm án chung thân lần đầu là 20 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm