Bị bắt vì lá đơn tố giác nặc danh

Ngày 19-7 vừa qua, tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đoàn giám sát liên ngành về việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức (thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam) đã làm việc với năm người dân đến kêu oan. Đó là các ông Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên (cùng ngụ huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) và Đặng Việt Sơn (ngụ huyện Yên Bình, Yên Bái).

Cái chết nhiều nghi vấn

Năm người này trình bày: Nguồn cơn vụ án oan của họ là cái chết không rõ nguyên nhân của ông Đặng Văn Cường (ngụ thôn 6, xã Bằng Cốc, Hàm Yên).

Theo hồ sơ, tối 14-7-2012, vợ ông Cường tỉnh dậy không thấy chồng đâu nên nghĩ chồng ra coi ao cá (cách nhà khoảng 700 m). Khoảng 17 giờ hôm sau, ông Cường mới về nhà, tắm rửa ở bể nước. Vợ ông Cường hỏi: “Đi đâu giờ này mới về?” thì ông Cường trả lời “đánh nhau” rồi nhờ vợ lấy quần áo thay.

Vợ ông Cường sau đó đi tìm con, lúc về nhà thì thấy ông Cường đã nằm ngủ trên giường. Bà gọi ông Cường dậy ăn cơm thì ông Cường nói bà trộn nước sôi để nguội vào chén cơm. Ông Cường ngồi trên giường ăn nhưng một lúc sau ói ra hết. Thấy chồng mệt, vợ ông bảo ông ra trạm xá xã xin thuốc. Ông Cường không nói gì, tiếp tục nằm ngủ. Đến khoảng 2 giờ ngày 16-7-2012, vợ ông Cường phát hiện ông đã chết.

Kiểm tra thi thể ông Cường, gia đình thấy có vết cắt ở hai cổ tay và một số vết thương ở trán nên đã yêu cầucơ quan công anlàm rõ. Theo kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân tử vong của nạn nhân là do “suy hô hấp, suy tuần hoàn do tổn thươngviêm phổi kẽ, phù, xuất tiết, bí tắc đường hô hấp, tổn thương thiếu máu cơ tim”. Phần đầu tử thi của nạn nhân có dấu hiệu tổn thương, các vết thương trên thi thể đều rất nhẹ, nông, máu mất không nhiều và không phải là nguyên nhân trực tiếp gây suy hô hấp, tuần hoàn dẫn đến việc nạn nhân tử vong.

Các ông Thái, Quang, Sơn, Tiếp, Tuyên (từ trái qua) trong buổi làm việc với đoàn giám sát liên ngành tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày 19-7. Ảnh: C.LUẬN

Lá đơn nặc danh tố giác tội phạm

Một tháng sau, Công an huyện Hàm Yên đã nhận được một lá đơn tố giác tội phạm nặc danh của “một công dân xã Bằng Cốc” tố các ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn đã gây ra cái chết của ông Cường.

Ngày 22-8-2012, cha ruột và cha vợ của ông Cường đã viết đơn yêu cầu Công an huyện Hàm Yên làm sáng tỏ vụ án. Ngày 11-9-2012, cha ruột của ông Cường viết “đơn khởi kiện” ông Thái. Trong lá đơn này, cha ruột của ông Cường cho rằng “vì mâu thuẫn đất đai nên ông Thái đã dọa sẽ giết anh Cường bằng thuốc sâu”. Cùng ngày, vợ ông Cường cũng viết đơn yêu cầu Công an huyện Hàm Yên vào cuộc.

Ngày 16-9-2012 (hai tháng sau khi ông Cường chết), Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Yên đã triệu tập, bắt giữ các ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn, khởi tố họ về tội giết người rồi chuyển vụ án lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang giải quyết.

Quy kết giết người

Theo cáo trạng của VKS tỉnh Tuyên Quang, tối 14-7-2012, Tuyên cùng người quen đi xe máy đến nhà Sơn ăn cơm, uống rượu. Sau đó Tuyên và Sơn rủ nhau đến thôn 6 (xã Bằng Cốc) thăm ba cô gái ở đây. Khoảng 21 giờ, Sơn chạy xe máy chở Tuyên và một cô gái thả ở ngã ba thôn 6 rồi quay lại đón hai cô kia. Tuyên và cô bạn đứng đợi thì bị năm thanh niên đến gây sự, tát và đạp Tuyên. Khi cô gái hô hoán, các thanh niên này bỏ chạy.

Sau đó Tuyên gặp Quang chở hai con đi về. Tuyên kể lại việc bị đánh. Quang đưa con về nhà rồi quay lại. Lúc này Sơn và hai cô kia cũng đến nơi. Quang nói phải đi tìm người đánh Tuyên để trả thù thì một số người khuyên can. Tuy nhiên, Tuyên, Sơn, Quang vẫn ở lại chờ nhóm thanh niên kia ra để đánh. Đến 23 giờ thì gặp cha con Thái, Tiếp đi đánh cá về. Nghe Quang kể chuyện, Thái và Tiếp về nhà cất đồ rồi quay ra, mỗi người cầm theo một đoạn gậy.

Khoảng 20 phút sau, ông Cường cầm đèn pin đi từ nhà ra trông ao cá, do lầm tưởng là người đánh Tuyên nên Thái dùng gậy vụt vào đầu ông Cường. Quang, Tiếp, Tuyên, Sơn cũng lao vào đánh đấm làm ông Cường gục ngã. Thấy nạn nhân không cử động, Quang dùng đèn pin điện thoại soi và phát hiện ra đánh nhầm người. Thái nói với mọi người là đưa ông Cường lên đồi vứt, cả bọn đồng ý. Sau đó Quang đi trước dẫn đường, Tiếp cõng ông Cường, Tuyên và Sơn đi hai bên đỡ, Thái đi sau cùng lên đồi cây gần đó.

Tại đây cả bọn bàn nhau làm cho ông Cường chết hẳn nên về lấy thuốc trừ sâu đổ vào miệng nạn nhân, cắt tay nạn nhân giả hiện trường nạn nhân tự tử… Thấy ông Cường nằm bất động, cả bọn nghĩ ông đã chết nên bỏ về. Đến 17 giờ hôm sau, ông Cường tỉnh dậy về nhà và sự việc tiếp diễn như đã nói.

14 phiên tòa không thể kết tội

Ngày 21-5-2013, TAND tỉnh Tuyên Quang mở phiên xử sơ thẩm đầu tiên và quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Ngoài việc năm bị cáo kêu oan, vụ án còn có quá nhiều mâu thuẫn không thể lý giải: Tại sao sau khi nằm bất tỉnh cả ngày rồi tỉnh dậy, ông Cường không đến công an trình báo hay kể với mọi người, với vợ là ông bị đánh? Cáo trạng xác định ông Cường bị cắt tay ở đồi cây nhà một người dân, tại sao đồi cọ sau nhà ông Cường lại có vết máu? Toàn bộ lời khai của vợ ông Cường về thời gian ông Cường đi ra khỏi nhà và về nhà, đặc điểm quần áo ông Cường mặc, tình trạng sức khỏe, dấu vết trên thân thể, biểu hiện tâm lý của hai vợ chồng… có nhiều điểm chưa rõ ràng, mâu thuẫn với sự việc ông Cường bị đánh và hiện trường vụ án. Ngoài ra, thời gian xảy ra sự việc, tất cả chứng cứ, tài liệu quan trọng thu thập tại giai đoạn điều tra, lời khai của các bị cáo, đại diện người bị hại đều có mâu thuẫn...

Kể từ đó đã có 13 phiên xử được mở ra tiếp theo nhưng có tới sáu phiên xử bị hoãn, bảy phiên xử tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng CQĐT vẫn không làm rõ được các yêu cầu của tòa. Năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn vẫn liên tục kêu oan. Trong phiên tòa thứ 14 lần gần đây nhất (tháng 11-2014), TAND tỉnh Tuyên Quang lại trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung.

Cái kết lạ

Sau đó vụ án này đã có những diễn tiến khá lạ lùng.

Ngày 4-3-2015, vợ ông Cường có đơn yêu cầu khởi tố năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn về tội cố ý gây thương tích (lúc này năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn vẫn đang là bị can bị điều tra về tội giết người). Một ngày sau, bà này rút đơn yêu cầu khởi tố nói trên.

Ngày 6-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang đã quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can, chuyển từ tội giết người sang tội cố ý gây thương tích đối với năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn (theo khoản 1 Điều 104 BLHS). Ngày 9-3 (ba ngày sau), Công an tỉnh Tuyên Quang đã hoàn tất kết luận điều tra đối với năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn, xác định năm ông đã có hành vi cố ý gây thương tích cho ông Cường.

Ngày 11-3 (hai ngày sau), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, trả tự do cho năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn sau hơn 30 tháng tạm giam họ với lý do đại diện của người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố.

Như vậy, vụ án của năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn đã chuyển biến hoàn toàn: Từ việc bị quy kết phạm tội giết người với tình tiết tăng nặng định khung là “có tính chất côn đồ” theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS (khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình), họ được chuyển sang tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS (khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm), cuối cùng được đình chỉ điều tra với lý do đại diện người bị hại rút đơn.

Với diễn tiến trên, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp của năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn không được xác định là oan nên sẽ không được công khai xin lỗi, bồi thường oan.

Đoàn giám sát sẽ làm việc với cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang

Trình bày với đoàn giám sát liên ngành, năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn cho biết ban đầu ở CQĐT, họ đều kêu oan vì không liên quan gì đến cái chết của ông Cường nhưng bị bức cung, nhục hình nên phải nhận tội. Ra tòa họ đã kêu oan. Họ khẳng định không chấp nhận cách giải quyết của CQĐT. Bởi lẽ họ bị khởi tố, truy tố và đặc biệt bị tạm giam đến hơn 30 tháng về tội giết người chứ không phải là bị khởi tố theo yêu cầu của gia đình ông Cường về tội cố ý gây thương tích. Đến giờ, sau 14 phiên xử không thể kết tội họ, CQĐT lại chuyển tội danh rồi đình chỉ vụ án nhằm né bồi thường oan. “Chúng tôi sẽ kêu oan tới cùng bởi chúng tôi vô tội. Trắng đen cần phải được làm rõ, sự thật cần phải được làm rõ” - ông Thái bức xúc.

Theo đại diện đoàn giám sát liên ngành, buổi làm việc với năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn là bước chuẩn bị cho việc giám sát vụ án này tại tỉnh Tuyên Quang vào đầu tháng 8. Trong tháng 8, ngoài việc đến Tuyên Quang làm việc với các cơ quan tố tụng địa phương về vụ án này, đoàn giám sát cũng sẽ tiến hành giám sát một số vụ án có dấu hiệu oan sai khác tại Tây Ninh và Phú Yên.

Pháp Luật TP.HCM sẽ theo dõi kết quả làm việc của đoàn giám sát và thông tin tới bạn đọc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm