Bạn sẽ ‘xử’ thế nào vụ nhặt 5 lượng vàng ở Cà Mau?

Liên quan vụ tranh chấp gói vàng 5 lượng nhặt được trong khi phân loại rác, ngày 24-9, bà Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, xã Tân Dân, Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã nộp đơn khởi kiện bà Nguyễn Thị Bích Ngân (31 tuổi, phường 8, TP Cà Mau) đến TAND TP Cà Mau.

Bà Mai, người nhặt được ví có gần 5 lượng vàng 

Vụ việc đang được tòa xem xét nhưng trước đó, báo chí tốn khá nhiều giấy mực vì pháp luật quy định về trường hợp này dường như chưa dự liệu hết. Các chuyên gia, luật sư, thẩm phán… mà chúng tôi tham khảo nêu các luồng quan điểm khác nhau về trường hợp này.

Quan điểm trả lại vàng cho bà Ngân cho rằng bà đã trình báo việc mất vàng cho công an để truy tìm chứ không phải từ bỏ số vàng trên. Luật pháp cũng không quy định sau thời hạn bao lâu thì việc trình báo, truy tìm tài sản sẽ hết hiệu lực nên không thể cứng nhắc áp dụng “sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai…” của luật để xác lập quyền sở hữu cho người nhặt được.
Quan điểm trả lại vàng cho bà Ngân còn viện dẫn ý chí của nhà làm luật là tôn trọng nguyên tắc ứng xử tốt đẹp của người dân “trả lại vật cho người bị đánh rơi” ngay trong quy định của Điều 241 Bộ luật Dân sự.
Ngược lại, quan điểm cho rằng bà Mai phải được hưởng số vàng nhặt được theo thời hạn mà điều 241 của Bộ luật Dân sự đã quy định. “Luật quy định thời hạn “tìm, trả” rất rõ ràng là một năm. Nếu công an đã làm đúng các thủ tục tiếp nhận, thông báo… thì cho dù số vàng trên là của chị Ngân bị đánh mất, chị cũng mất quyền nhận lại tài sản”, nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng nói.
TS LÊ MINH HÙNG, Trưởng bộ môn Luật dân sự - ĐH Luật TP.HCM thì khẳng định bà Mai phải được xác lập quyền sở hữu số vàng trên theo thời hiệu hưởng quyền. Việc bà Ngân xuất hiện sau ngày tài sản đã bị xác lập quyền sở hữu (một năm) không làm thay đổi hệ quả pháp lý của việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. “Thời hiệu hưởng quyền trở nên vô nghĩa nếu trả vàng cho bà Ngân”, Tiến sĩ Hùng nêu.
Ông cũng cho rằng việc trình báo của người mất vàng không có giá trị pháp lý để bảo lưu quyền sở hữu vĩnh viễn và cũng không có hiệu lực chống lại việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu, trừ khi số vàng bị người khác chiếm đoạt trái pháp luật.
Quan điểm trung dung là “cưa” số vàng trên. Quan điểm này kêu gọi trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm các quyền sở hữu tài sản, các quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Theo đó, sau khi cho bà Mai hưởng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu, gần một nửa phần giá trị còn lại nên trả cho bà Ngân thay vì xác lập sở hữu Nhà nước.
Tuy nhiên quan điểm kêu gọi việc “cưa đôi” này, dường như luật chưa dự liệu!

“Bốn chuyên gia, ba quan điểm” là chuyện hay xảy khi luật pháp chưa dự liệu hoặc dự liệu chưa đến tận cùng một tình huống pháp lý.

Trong khi chờ tòa và các cơ quan chức năng giải quyết, nếu là người phân xử, bạn sẽ giải quyết trường hợp trên thế nào? PLO sẽ chọn lọc đăng tải quan điểm của bạn.

 
+ Ngày 1-8-2014, bà Ngân đến công an phường trình báo việc mất vàng.
+ Ngày 4-8-2014, bà Mai nhặt được chiếc ví có gần 5 lượng vàng, giao công an.
+ Ngày 15-8-2014 công an đăng báo tìm chủ nhân số vàng trên.
+ Ngày 31-8-2015 (quá 15 ngày sau 1 năm đăng báo), bà Ngân đến xin nhận lại số vàng.
+ Ngày 16-9-2015, công an hòa giải, bà Ngân chỉ đồng ý “hỗ trợ” cho bà Mai 10 triệu đồng.
+ Ngày 24-9-2015, bà Mai kiện bà Ngân ra tòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm