Ăn tết ngoài đồng

27 tết, mẹ gọi điện thoại hỏi thăm vợ chồng tôi chừng nào về để mẹ lo mua cá “rộng” sẵn (cá mua về thả trong lu nước, chừng nào ăn thì bắt ra). Rồi mẹ than thở tết này sợ không có cá đồng ăn bởi nước độ rày không về, ra chợ chẳng có gì để mua. Nghe mà buồn, mà nôn nao nhớ lại cái thuở chúng tôi còn vô tư ăn tết ngoài đồng khi còn ấu thơ. Mới hơn chục năm mà ngỡ như xa tít tắp...

Ngày tết ra đồng cắt lúa

Chiều 29 tết, nhà tôi cúng ông bà. Nghe cha nói sáng sớm mai cả nhà sẽ qua cắt lúa ruộng cậu Tám, nhà mình chắc phải mùng ba mới cắt, anh em tôi nhảy cẫng lên mừng rỡ. Đơn giản vì ruộng nhà cậu Tám rộng nhất xóm.

Bốn anh em tôi sinh cách đều nhau hai năm một, anh Hai 12 tuổi, tôi 10 tuổi, con bé Tư 8 tuổi và thằng Đen 6 tuổi. Đứa nào cũng đen mun và quắt lại vì giang nắng bắt cá ngoài đồng.

Miền Tây quê tôi, cứ vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 nước từ thượng nguồn sông Mekong lại đổ về đồng bằng sông Cửu Long khiến cả một vùng rộng lớn ngập trắng xóa. Nước không dâng ào ạt như lũ mà lên từ từ, có thể ngập nhà, đôi khi đến nóc. Người dân quê tôi đã quen với việc này nên ai nấy đều hào hứng khi nước về. Có thể nói nước nổi chính là món quà thiên nhiên ban tặng cho người dân miền Tây. Nước nổi giúp cá tôm đầy ắp ngoài sông, rửa sạch phèn chua... Khi nước rút, phù sa tràn ngập ruộng, cho mùa lúa bội thu. Quê tôi hằng năm ai cũng trông chờ mùa nước nổi vì được giăng lưới bắt cá, được ăn ngon và nhất là được ăn tết ngoài đồng.

Việc sạ lúa ở quê phụ thuộc vào thời gian nước rút sớm, trễ. Thường thì nước sẽ rút vào tháng 9 âm lịch. Nước rút sớm chừng nào bà con sạ lúa sớm chừng đó, vì để trễ chút là khô đất, hơn nữa sạ sớm sẽ bán được giá. Sạ trễ, thu hoạch trễ, khi đó rộ đồng khắp nơi thì mất giá.

Vì sạ lúa vào tháng 9 âm lịch nên ngay đúng tết Nguyên đán thì lúa chín, phải đi cắt. Cũng vì ngay tết nên gọi công cắt rất khó. Những người làm công cắt thường toàn là người đi làm ăn xa, lúc này hầu hết đều đã về quê ăn tết. Vì vậy, cả xóm phải xúm nhau làm, tận dụng nhân lực ngay tại chỗ cắt “vần công” (hôm nay cắt lúa cho nhà này, mai nhà đó sẽ đi cắt trả lại). Việc cắt lúa thường kéo dài trong vài ngày. Hầu hết mọi người đều được huy động đi cắt nên trong xóm lúc đó vắng tanh, hầu như chẳng còn ai dù đang là những ngày chính tết.

Ruộng nhà cậu Tám rộng gần chục hecta và là một trong những đám ruộng rộng nhất trong xã. Cắt lúa cho nhà cậu Tám bao giờ tụi con nít cũng thích nhất vì tụi tôi biết ngày hôm đó sẽ là ngày chúng tôi rất bận rộn và có nhiều “thành quả” nhất.

Cá nước, chim trời

Tờ mờ sáng, anh em tôi đã bật dậy chuẩn bị “đồ nghề” theo cha mẹ ra ruộng.

Cha tôi lúc này đã kéo xuồng ra, còn mẹ thì xách đồ đạc lỉnh kỉnh xuống xuồng. Tôi đeo vội cái giỏ, ngoắc con chó Na leo xuống. Con chó cứ xoắn tít bên chân tôi, ra chiều hối hả lắm. Có lẽ nó biết hôm nay thế nào cũng “lập được thành tích” đây.

Ruộng nhà cậu Tám rộng mênh mông, khi gia đình tôi tới nơi thì đã có đến gần hai chục người lớn đang lúi húi cắt lúa, gần đó là hơn chục đứa con nít. Năm nay nhà cậu Tám được mùa, lúa chín oằn mình nghiêng ngả trong gió xuân. Cậu Tám có dáng cao vừa, lực lưỡng, đen trùi trũi. Cậu cười sảng khoái, quay bảo cha tôi và mấy cậu: “Bữa nay nhậu mồi ngon phải biết đây, anh Sáu”.

“Mồi ngon” ở đây chính là đám cúm núm và bầy cuốc lủi đang chạy cùn cụt khắp ruộng, thấy người thì lủi ngay vô đám lúa chín. Nhìn xuống chân, con Na đã tha về thả xuống một con chuột đồng to mập nó vừa săn được, đuôi quay tít khoe công.

Mùa này, lũ chuột, chim chóc đều béo mập. Nước rút đã để lại một lớp đất phù sa màu mỡ nên cả vùng được mùa. Lúa chín oằn mình khiến lũ chim chóc, chuột bọ theo đó cũng sinh sôi nảy nở, béo múp hết cả lên.

Sáng đó, bầy chim én khôn lanh từ đâu đã đến bay đầy trời chao lên lượn xuống kiếm ăn. Lũ chim khôn lanh cứ việc đợi khi người cắt lúa, côn trùng bay lên tán loạn là nhào xuống bắt ăn. Chim bay nhiều đến mức đám con nít nghịch ngợm chỉ cần lấy cái giè (đồ dùng để cắm làm mốc) quăng lên là trúng. Nhưng hầu như chả đứa nào dám làm điều đó vì sợ người lớn la (sau này tôi mới biết vì người lớn kiêng kỵ đầu năm, sợ chim sa).

Khi người lớn chăm chỉ cắt lúa thì đám con nít chia nhau đi bắt cá. Cá cạn (đám cá rô, cá lóc, trê, lươn, trạch… bị mắc kẹt lại, không kịp thoát đi khi nước rút) nhiều vô kể, loi nhoi khắp mặt ruộng, chỉ cần mò tay xuống là cũng rờ trúng. Mấy đứa lớn như tôi, thằng Ra-do, thằng Út Đực bắt cá vào hàng “xịn” nên những thứ cá rô, cá sặc… đều không thèm để mắt tới. Chỉ có con bé Tư là lọ mọ bắt tuốt, được con nào nó cũng la toáng lên, nhảy tưng tưng khoe khắp ruộng.

Tất cả cá bắt được đều được “rộng” chung vô xô chậu mang theo, cuối ngày chia đều cho các nhà. Bữa đó chúng tôi bắt được hàng chục con lóc, trê, lươn, rắn. Các loại linh tinh khác thì đầy nhóc.

Ảnh: Khắc Hiếu-KP-ÐL

Gom “cù”

Điều khiến mọi người hào hứng nhất sau gần một ngày trời vất vả cắt lúa chính là lúc gom “cù”. Mọi người sẽ cắt lúa từ bốn phía xung quanh cắt dần vào và chừa một khoảng ruộng lớn như cái cù lao nhỏ giữa ruộng. Khi đó, chuột, chim cút, cuộc lủi, chim cao, lươn, rắn… tất tần tật đều chui vô cái “cù lao” lúa nhỏ đó. Xung quanh đám con nít hò la, chó sủa hoắng lên khiến lũ thú càng hoảng sợ lủi sâu vô. Con nào ngoan cố “mở đường máu” đều bị đám nhỏ xùy chó “hốt” hết.

Lúc này, cậu Tám hô mọi người giăng lưới (loại lưới đánh cá) bao xung quanh đám ruộng nhỏ lại. Sau đó một vài người chui vô cắt nốt số lúa còn lại. Đa số những loại chim sống ở ruộng này thường hay lủi chạy cặp bờ nên trước đó anh Ba con cậu Tám đã vẹt sẵn một đường thoát, cuối đường có để sẵn một cái lợp. Chim, chuột cứ lủi lủi chạy và lủi… thẳng vô đó, tụi con nít cứ thế lượm bỏ vô giỏ mỏi tay.

Tiệc vui như... tết

Chiều 30 năm đó cả xóm chúng tôi mở đại tiệc, đúng là vui như… tết. Các bà, các cô loay hoay chuẩn bị bữa. Một đám lửa to được đốt lên để nướng chim, chuột và cá. Rau mọc quanh ruộng rất nhiều, rau bợ, rau cải trời, rau mát, bông súng, rau dừa, rau má… tôi không biết các dì hái lúc nào mà đã thấy có một rổ rau rất to được rửa sạch sẽ để sẵn.

Mùi khói rạ nồng nồng, mùi chim, cá nướng quyện vào nhau, tiếng mọi người rôm rả trò chuyện, tụi con nít ngồi khoe chiến tích và so sánh chiến lợi phẩm... Tiếng nói, tiếng cười, tiếng cụng ly “dô, dô”... rộn ràng cả một vùng trong ráng chiều đầu xuân.

Tôi quăng cho con Na hẳn một nửa con chuột vừa nướng xong, thơm phức. Nó nằm xuống chân tôi gầm gừ gặm. Tôi cũng cầm cái đùi chim cúm núm cha vừa đưa ăn ngấu nghiến. Cả đám nhỏ đứa nào cũng vui rộn ràng, niềm vui mà mãi tới nay tôi vẫn chưa tìm lại được.

Bao năm bôn ba lăn lộn trên thành phố hòng mong thoát nghèo, thoát phèn và thoát những ngày lăn lộn ngoài đồng (khi đó tôi nghĩ vậy) như thế, giờ mỗi năm tôi lại chở các con về quê hòng mong cho con được một lần trải qua cái tết như tuổi thơ tôi ngày ấy, nhưng thật khó…

Bắt rắn, “trúng” cặp sách

Thằng Ra-do bằng tuổi tôi, cùng 10 tuổi. Sở dĩ nó có tên Tây như vậy là do ba nó mê đồng hồ. Mê quá nên ổng đã lấy tên những hiệu đồng hồ nổi tiếng đặt cho các con, tên khai sinh đàng hoàng nhe. Anh hai nó tên Sen-ko, anh kế nó tên Ca-si-o và nó, Ra-do.

Thằng Ra-do tướng nhỏ xíu, đen thui và tóc cũng cháy nắng như nhiều đứa con nít vùng này. Nó nổi tiếng vì có tài bắt cá và lại rất liều. Ra-do câu cá nhanh như người ta nhặt bỏ giỏ vậy, cái cần câu của nó nhỏ xíu nhưng nó gắn mồi kiểu gì mà cứ thả cần là giật ngay được cá, toàn là những con cá rô, sặc mập ú. Xong buổi câu, lúc nào xô nó cũng đầy hơn của tôi gần một nửa, dù tôi cũng là đứa sát cá khá nổi tiếng trong cái ấp này.

Lúc gom “cù”, tôi và nó đang lúi húi mò dưới sình thì cùng phát hiện có nguyên một… dải nước dài đang chuyển động. Một con rắn khá to đang rẽ nước lao đi. Trong khi tôi còn chưa biết sẽ làm gì thì thằng Ra-do đã lao tới. Cả người nó ập hẳn xuống bãi sình, đè cả lên con rắn. Một khắc sau nó đứng dậy, tay nắm chặt cổ con rắn giơ lên cao (thường khi bắt rắn ít ai dám túm đầu rắn vì sợ bị cắn, mà thường sẽ nắm đuôi rắn quay vòng vòng trên không sau đó mới bắt). Con rắn dài hơn cả mình nó, quấn chặt tay thằng Ra-do quằn quện. Nghe tiếng kêu, ba nó chạy tới phụ nó túm lấy con rắn bự chảng. Lúc bấy giờ mọi người mới phát hiện ra đó là con rắn ri voi, loại rắn quý hiếm, bán rất được giá.

Tôi còn nhớ, hết mùa nước năm đó, thằng Ra-do được mẹ nó mua cho cái cặp sách mới thay cái túi nilon cũ nó vẫn mang. Nghe nói con rắn đó mẹ nó bán được rất nhiều tiền. Tụi tôi đã ghen tị với thằng Ra-do mất mấy hôm về cả vụ con rắn lẫn cái cặp mới này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm