Xăng, tỉ giá có thể tạo “cơn sóng” lạm phát

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng nhìn lại năm 2005 đến nay, nhóm quyết định đến lạm phát nhiều nhất là lương thực thực phẩm, xăng dầu và tỉ giá. Năm 2013, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát nhóm này nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, kiềm chế không có nghĩa là phải chống lại bằng mọi giá. Quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây ra lạm phát, từ đó giải quyết triệt để chứ không thể cứ một, hai năm lại tạo nên “cơn sóng” lạm phát dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.

Không nên tăng giá xăng lúc này!

. Ngay từ đầu năm, nền kinh tế đã chịu áp lực tăng giá của nhiều mặt hàng như sữa và sắp tới có thể là xăng, điện nữa?

Xăng, tỉ giá có thể tạo “cơn sóng” lạm phát ảnh 1
+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Thật sự việc quản lý giá những năm qua còn nhiều điểm cần hoàn thiện.

Từ ngày 1-1, Luật Giá bắt đầu có hiệu lực. Trong đó thể hiện rất rõ nguyên tắc quản lý giá là Nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Luật cũng quy định việc quản lý giá phải luôn hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng với Nhà nước. Đối với hàng hóa thuộc diện bình ổn giá như xăng dầu, sữa dành cho trẻ em dưới sáu tháng tuổi, điện, đường… các cơ quan chức năng phải kiểm soát được các yếu tố hình thành giá.

Như vậy, quy định chi tiết đã có nên không thể cứ DN đề xuất là được tăng. Hơn nữa, giá xăng dầu thế giới đang diễn biến rất phức tạp. Những ngày trước giá tăng rất nhanh nhưng hai, ba ngày nay lại giảm xuống. Như vậy, vấn đề trong điều hành là làm sao đảm bảo minh bạch và công khai để người dân đồng thuận.

Với tình hình hiện nay, không nên cho tăng giá xăng. Chính phủ có thể sử dụng các công cụ về thuế, quỹ bình ổn để giảm áp lực tăng giá.

. Ông có thể phân tích rõ hơn vì sao lúc này không nên tăng giá xăng?

+ Trước hết, tôi muốn nhắc lại rằng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) những tháng vừa qua tăng chậm là nhờ giá lương thực thực phẩm giảm. Nếu giá lương thực nhảy lên cộng với giá xăng, giá điện tăng sẽ thổi bùng lạm phát.

Xăng, tỉ giá có thể tạo “cơn sóng” lạm phát ảnh 2

Về giá xăng, khi giá xăng được điều chỉnh rất dễ gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng ngay tức khắc đến các DN vận chuyển, DN sản xuất và chi phí đời sống của người dân, thậm chí là mặt tâm lý. Trong khi giá xăng thế giới có khuynh hướng giảm thì tại sao phải tăng giá xăng trong nước?

Mặt hàng sữa cũng cần được kiểm tra yếu tố hình thành giá. Tôi ví dụ, lãi suất ngân hàng sẽ theo hướng đi xuống nên chi phí trả lãi vay của DN cũng giảm, thuế thu nhập DN giảm, nhu cầu tiêu dùng giảm… Mọi chi phí đều giảm thì có lý do gì DN đòi tăng giá? Những điều này Cục Quản lý Giá và các ban, ngành phải kiểm soát và công khai cho nhân dân.

Phải ổn định được tỉ giá

. Việc tăng tỉ giá ảnh hưởng đến bài toán kiềm chế lạm phát như thế nào, thưa ông?

+ Những năm trước, tỉ giá biến động mạnh đã gây cú sốc đến giá cả, lạm phát. Năm 2008, CPI lên tới 19,98%, năm 2011 là 18,13% do nhập siêu quá lớn. Năm 2012, nhờ kiểm soát tốt nhập siêu và ổn định tỉ giá, CPI giảm còn 6,81%. Lúc này chúng ta hoàn toàn có cơ sở để can thiệp cung cầu, điều hành tỉ giá theo ý muốn. Trước đây, DN xăng dầu và sữa thường viện cớ do tỉ giá tăng nên phải tăng giá bán. Nhưng khi tỉ giá ổn định thì lý do này không còn được họ đưa ra nữa.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay phải để tỉ giá ổn định, tránh tạo “sóng” cho lạm phát. Muốn vậy, cán cân thương mại phải ổn định, đảm bảo môi trường cho DN nội sản xuất hàng hóa tiêu dùng đáp ứng nhu cầu trong nước, hạn chế nhập siêu.

. Nhưng các DN trong nước đang khó khăn đủ điều, nay thêm các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng giá kéo theo chi phí đầu vào thì khó có thể tạo môi trường kinh doanh tốt được?

+ Chúng ta đã có nhiều chủ trương hỗ trợ DN nên yếu tố cần thiết hơn lúc này là sự quyết liệt của các lãnh đạo từ trung ương đến địa phương nhằm giải quyết cho được các ách tắc của DN.

Nhớ lại trong 10 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của TP.HCM tăng trưởng bình quân 11%, gấp 1,5 lần so với GDP cả nước. Riêng năm 2012, GDP cả nước tăng 5,03% thì TP.HCM tăng 9,2%, tức gấp 1,8 lần trong khi chỉ số lạm phát thấp. Điều này cho thấy trong điều kiện khó khăn nhưng TP.HCM lại khá linh hoạt, lãnh đạo sâu sát với tình hình DN.

Điểm sáng của năm 2013 là nhìn ra được điểm tối của năm 2012. Và năm 2013 phải giải quyết được điểm đen đó nếu không sẽ khủng hoảng. Đây là thời điểm thể hiện khả năng lãnh đạo của Chính phủ cùng các bộ, ban ngành địa phương.

. Xin cảm ơn ông.

CPI tháng 2 tăng 7,02% so với cùng kỳ 2012

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của cả nước tăng 1,32% so với tháng trước. Trong 11 nhóm tính CPI, chỉ có bốn nhóm hàng tăng cao, còn lại là tăng nhẹ. Tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,28%, thứ hai là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,50%, thứ ba là nhóm may mặc mũ nón, giày dép 1,08%, cuối cùng là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Các nhóm hàng còn lại tăng 0,03%-0,81%. Riêng nhóm bưu chính giảm 0,03%.

Do rơi vào tháng tết nên chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống phản ánh đúng với thực tế khi cận tết giá nhiều mặt hàng tăng cao. Đặc biệt thực phẩm tăng đến 3%.

So với cùng kỳ năm 2012, CPI cả nước tăng 7,02%.

TÚ UYÊN

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm