Tránh đi vay để cứu nợ xấu của DNNN

Khi đó có thể rơi vào khủng hoảng vì đúng vào thời điểm phải trả nợ rất nhiều mà lại không được vay nợ mới để trả cho khoản cũ. Đó mới là vấn đề cần cảnh báo.

. Phóng viên: Một quốc gia vỡ nợ là như thế nào, thưa ông?

Tránh đi vay để cứu nợ xấu của DNNN ảnh 1
+ Thạc sĩ Đinh Tuấn Minh (ảnh), Trưởng phòng Phân tích Ngân hàng TMCP Quân đội (MB): Cũng giống như nợ tư nhân ở chỗ anh cam kết trả rồi tới thời điểm không trả được thì anh tuyên bố phá sản thôi. Người cho vay bị mất tiền.

Xiết nợ bằng tài sản công

. Thế thì người cho vay quá thiệt sao?

+ Trong trường hợp chính phủ một quốc gia bị phá sản, thì bên chủ nợ có thể có một số hình thức xiết nợ, ví dụ như xiết bằng tài sản công của con nợ ở nước ngoài. Tàu biển, chuyên cơ của tổng thống, lãnh đạo quốc gia con nợ đi đến vùng thuộc địa phận của quốc gia chủ nợ thì có thể bị chặn giữ. Nhưng chủ nợ chỉ được làm thế với tài sản công thôi, còn của dân thì họ không được động vào. Bởi vì thế giới có nguyên tắc là tất cả tài sản của cá nhân, doanh nghiệp hay chính phủ đều có tính chất hữu hạn - chủ sở hữu là ai thì người đó chịu ràng buộc pháp lý. Chứ không phải tôi nợ anh thì anh có quyền bắt bố mẹ hay em gái tôi phải trả nợ thay.

Tuy nhiên, chủ nợ sẽ có những cách thức khác để gây sức ép và can thiệp về mặt chính trị.

.Về phía nước bị phá sản thì sao?

+ Khi một quốc gia rơi vào tình trạng phá sản thì sẽ dẫn đến tình huống là tất cả khoản đầu tư nước ngoài và khoản vay nước ngoài đều dừng lại hết. Vì khi đó anh đã bị mất uy tín, người ta không còn tin vào khả năng thanh toán của anh. Thế mà để duy trì ngân sách bình thường, anh bắt buộc phải thường xuyên vay nợ nước ngoài. Quốc gia bị mất vốn, vậy mà cả guồng máy, nhất là guồng máy chính phủ, lại vẫn cứ phải vận hành, phải ăn lương và làm việc. Vậy với nội tệ thì chỉ còn cách duy nhất là bơm tiền ra mà thôi. Và như thế thì thông thường khi một quốc gia phá sản, lạm phát sẽ tăng cực kỳ mạnh. Với ngoại tệ khó cả khả năng được vay nữa.

. Bây giờ trong thế giới toàn cầu hóa, người ta hay nói đến khái niệm “gói giải cứu”…

+ Cứu thì có hai hình thức. Một là con nợ đàm phán với các chủ nợ để được xóa nợ hoặc gia hạn. Hai là cung cấp gói giải cứu. Về bản chất, những gói giải cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu là khoản vay dài hạn với lãi suất ưu đãi để con nợ đem trả cho khoản vay đến hạn với mức lãi suất cao hơn.

Việt Nam chưa rơi vào khủng hoảng nợ công

. Căn cứ vào cái gì mà các ngân hàng, các tập đoàn đầu tư và định chế tài chính quốc tế đánh giá khả năng trả nợ của một quốc gia và cho vay “giải cứu”?

+ Họ sẽ theo dõi xem nước ấy thực hiện đường lối kinh tế như thế nào, có khả năng kiếm tiền để trả nợ hay không nhưng trong quyết định của họ có vai trò rất lớn của các hãng tư vấn. Những hãng này khảo sát các chỉ số kinh tế, ngân sách và các đạo luật mới của từng quốc gia và đưa ra lời đánh giá về tài chính đối với từng nước. Bị xếp hạng càng thấp thì lãi suất đòi hỏi càng cao.

. Việt Nam có khả năng bị vỡ nợ quốc gia không, thưa ông?

+ Nguy cơ khủng hoảng nợ của Việt Nam rất thấp hay ít nhất cũng chưa thể rơi vào khủng hoảng nợ công trong thời gian trước mắt. Còn chuyện thế hệ tương lai phải gánh nợ thì cũng không có gì bi thảm lắm, vì thế hệ bố mẹ bây giờ vay mượn để xây dựng cơ sở hạ tầng cho tốt, sau này sử dụng tốt và kinh doanh tốt, có tiền thì sẽ trả được nợ, không có vấn đề gì.

Cái chính cần quan tâm là ở nước ta, khi các DNNN làm ăn kém cỏi, rơi vào nợ xấu, thì Nhà nước lại phát hành trái phiếu, huy động ngân sách để xử lý số nợ xấu đó. Nghĩa là một khoản vay đáng lý ra là vay thương mại nhưng cuối cùng lại được dành để cứu nợ xấu. Mà là cứu DNNN chứ cứu tư nhân mấy đâu.

Ngân sách Nhà nước cứ gánh những khoản như vậy mà không biết bao giờ mới thu hồi được vốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm