TPP: Cơ hội không tự biến thành lợi ích

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phát biểu tại cuộc họp báo về TPP chiều 9-10.

Thách thức lớn cho bộ máy quản lý

Bộ Công Thương cho biết việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Riêng ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ 1 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Như vậy, nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Úc, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt heo, thịt gà. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn: sữa, đậu nành, bắp và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của Việt Nam: giấy, thép, ô tô.

Đặc biệt, ông Khánh nhấn mạnh vào TPP, một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường theo hướng thông thoáng, minh bạch.

“Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Chính phủ sẽ chủ động xây dựng chương trình để thực hiện các tiêu chuẩn cao này của TPP. Để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…” - ông Khánh nói.

Nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới khi tham gia TPP. Ảnh: HTD

Lo bộ máy trì trệ

Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, cố vấn đoàn đàm phán TPP, nhấn mạnh: “Tôi khẳng định TPP mang đến cơ hội song cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự biến thành sức mạnh của thị trường thông qua chủ sở hữu là doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Tôi rất lo cho DN nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi DN chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, có anh sẽ chết, có anh trưởng thành, song bộ máy Nhà nước trì trệ rất nguy hiểm”.

Theo ông Tuyển, hiện nay có quá nhiều số liệu cho rằng xuất khẩu tăng, GDP tăng… nhờ TPP. Điều đó có thể không sai nhưng nhược điểm là kinh tế lượng không phản ánh được những biến động trên thị trường thế giới. Nếu phản ứng chính sách tốt, mức tăng còn có thể nhiều hơn điều chúng ta nói.

“Ngày nay, chúng ta sống trong cảm xúc quá nhiều, giống như WTO đã từng tạo ra trào lưu cảm xúc. Chúng ta thắng một trận đá bóng thì tâng lên tận mây xanh nhưng thua một trận thì xuống hết cỡ. Phải hết sức bình tĩnh, không nên sống nhiều quá vào cảm xúc” - ông Tuyển khuyến cáo.

Ông Tuyển cũng cho rằng cơ hội của xuất khẩu là có nhưng quan trọng là có tận dụng được hay không. “Sau TPP, có khả năng nhập siêu trong thời gian đầu tăng vì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ nhiều. Có điều nhập siêu không hẳn xấu vì năm 2007, khi Việt Nam vào WTO, vốn đầu tư vào gấp nhiều lần năm 2006. Sau này chuyển dịch nền kinh tế thì xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng lên” - ông phân tích.

Minh bạch DNNN

Trưởng đoàn đàm phán TPP cho biết nguyên tắc chung của hiệp định này là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế đáng kể với điều kiện là phải được cả 11 nước còn lại chấp nhận.

Về dệt may, để hưởng thuế suất ưu đãi của hiệp định, sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này về dài hạn sẽ khuyến khích các DN đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững hơn. Song để đáp ứng yêu cầu được hưởng ưu đãi ngay của các DN tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt, Hiệp định TPP có một danh mục “nguồn cung thiếu hụt”. Theo danh mục này, các DN sẽ có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Về DNNN, ông Khánh nói rõ các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; minh bạch hóa một số thông tin như tỉ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố...

“Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin về DNNN khi có yêu cầu, trừ các thông tin ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh” - ông Khánh diễn giải.

Ông Khánh cũng cho hay Hiệp định TPP yêu cầu các nước nỗ lực xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là một hình thức trợ cấp gián tiếp cho DN trong nước (được mua nguyên liệu với giá rẻ). Việt Nam đồng ý với nỗ lực này nhưng phải theo lộ trình hợp lý, đồng thời bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với thu ngân sách như dầu thô và các loại than đá mà Việt Nam có sản xuất trong nước.

Một điều được ông Khánh lưu ý là TPP không áp dụng các hình thức trợ cấp nghề cá gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loài thủy sản đang bị đánh bắt quá mức nhưng có lộ trình để rà soát lại chính sách và điều chỉnh chính sách, nếu cần. Điều này có nghĩa là TPP không cấm Nhà nước hỗ trợ nghề cá hoàn toàn.

Có thể thất nghiệp

Một số sản phẩm các nước TPP có sản xuất, thuế nhập khẩu của ta đang được duy trì ở mức cao nhưng việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh, bao gồm bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại (chủ yếu là đồ bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, mô tô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.

Tuy nhiên, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số DN, trước hết là các DN vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các DN có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn. Kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.

Lộ trình TPP: Trung tuần tháng 11-2015, Bộ Công Thương dịch văn bản hiệp định, công bố để các đại biểu Quốc hội, người dân và các DN nghiên cứu nội dung. Thực hiện quy trình thông qua hiệp định ở từng nước với thời gian từ 18 tháng đến hai năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm