Việc ngắn hạn lên ngôi nhờ khủng hoảng

Dù mới chỉ làm việc cho công ty này - có trụ sở ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ được 6 tháng, nhưng Michael không cảm thấy thất vọng. Thực ra, anh thích cuộc sống của một nhân viên hợp đồng độc lập hơn vị trí nhân viên chính thức trước kia. Tất nhiên, nhân viên thời vụ thường xuyên bị nơi này sa thải rồi lại được nơi khác thuê đi làm, thỉnh thoảng còn làm vài việc một lúc.

“Tôi nghĩ việc này còn ít rủi ro hơn làm nhân viên chính thức: thích thì xin thôi việc nhưng lại chẳng mang theo được cái gì cả. Tôi đoán việc này rồi sẽ trở thành xu hướng trong tương lai thôi”, Michael nói.

Các nhà kinh tế học tin rằng trường hợp của Sinclair đang ngày càng trở nên phổ biến. Cái gọi là “công việc hợp đồng”, hay quản lý nhân sự theo cách linh hoạt đang trở thành một trào lưu. Dù vậy, để có được số liệu chính xác là không dễ vì khó có thể kiểm soát được hết những nhân viên kiểu như vậy. Nhiều người thậm chí còn làm vài việc một lúc như một cách đa dạng hóa danh mục đầu tư chứng khoán.

Điều có thể dễ dàng nhận thấy là bản chất của công việc đang thay đổi: mang tính chất tạm thời nhiều hơn và phụ thuộc vào các dự án hơn. Người lao động bây giờ làm việc tự do và không còn chịu ảnh hưởng của mối quan hệ ông chủ - nhân viên như trước nữa. Trào lưu này xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1990. Giờ đây, nhờ cuộc khủng hoảng kinh tế, nó lại trở nên thịnh hành, đặc biệt là đối với những người tìm việc làm văn phòng. Họ tìm đủ các thể loại việc và các công ty thì lại đang rất thận trọng trong việc thuê nhân viên lâu dài.

Theo Phòng thống kê lao động Mỹ, số người làm việc tự do dưới 35 giờ/tuần do không thể tìm được việc làm ổn định đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi cuộc suy thoái bắt đầu, và đạt mức 1,2 triệu người vào tháng 12/2009. Các nhà kinh tế học nghiên cứu về vấn đề linh hoạt trong sắp xếp công việc cho rằng sự gia tăng này chủ yếu là do những nhân viên hợp đồng như anh Sinclair và một số người khác nữa: họ cố gắng hết sức để làm mọi việc mà họ tìm được.

Khi nền kinh tế chưa thể phục hồi và niềm tin của công nhân vẫn cònlung lay thì các nhà kinh tế học tin rằng rất có thể số lượng nhân viên kiểu này sẽ còn tiếp tục gia tăng.

“Xét theo tình hình hiện tại thì cuộc suy thoái lần này gây ra nhiều bất ổn hơn các lần suy thoái trước. Chính vì thế mà chúng tôi nghĩ rằng các công ty sẽ thận trọng hơn trong việc tuyển dụng nhân viên chính thức. Vì vậy họ chỉ tìm thuê các nhân viên tạm thời mà thôi”, bà Susan Houseman – nhà kinh tế học cấp cao của Viện nghiên cứu việc làm W.E. Upjohn tại Mỹ nhận định.

Những người như anh Sinclair rất thích thú với cuộc sống như thế. Họ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi suy nghĩ kiểu làm việc truyền thống nghĩa là rất bấp bênh, trong khi làm hợp đồng mang lại nhiều lợi ích khác như sự linh hoạt và đa dạng.

Tuy nhiên, một số khác thì lại thích có một công việc chính thức hơn. Họ không muốn đối mặt với rủi ro mất việc. Họ biết rằng những nhân viên không chính thức và nhân viên hợp đồng thường được coi là nhân viên hạng hai và thường không có quyền lợi nào cả. Ở phần lớn các bang thì họ không được coi là đủ tiêu chuẩn để được nhận trợ cấp thất nghiệp hay các khoản đền bù khác. Thực sự thì cũng không thể biết rõ được liệu việc chuyển sang làm việc tự do có đúng là tốt cho người lao động hay không.

Cô Christine Reams, 45 tuổi, đã có 12 năm làm giám đốc quản trị nhân sự cho một bệnh viện lớn ở Columbus, bang Ohio. Nhưng cô bị sa thải vào tháng 7/2008. Sau hơn một năm cố gắng tìm việc làm chính thức, cô lại được nhận làm nhân viên hợp đồng cho chính bệnh viện cũ vào tháng 12 năm ngoái. Lần này cô làm việc ở phòng dịch vụ thông tin. Ban đầu, Christine chỉ nhận được mức lương bằng nửa công việc cũ và làm trong vòng 6 tuần, nhưng cô được họ gia hạn hợp đồng vài lần.

Giờ thì Christine làm việc được 6 tháng và rất hài lòng với công việc. Nhưng nỗi lo sa thải vẫn còn đó, nó lớn đến mức gần đây cô đã phải vào phòng cấp cứu khi huyết áp tăng cao. Nếu không vì những quyền lợi về chăm sóc y tế, có lẽ cô đã rất băn khoăn khi suy nghĩ liệu có nên gia hạn hợp đồng tiếp hay không.

“Dù sao đây vẫn chưa phải là một công việc ổn định, thế nên tôi vẫn luôn cảm thấy bất an”, cô bày tỏ.

Anh Bob Longo, 47 tuổi, đến từ thành phố Green Brook, bang New Jersey, bị sa thải khi đang là trưởng bộ phận đào tạo bán hàng của Unilever năm 2006. Kể từ đó, anh làm việc như một nhân viên tự do, hết hợp đồng này đến hợp đồng khác, thỉnh thoảng còn làm vài việc một lúc. Nhưng anh lúc nào cũng phải đối mặt với những lo lắng và vẫn luôn cố gắng tìm một việc làm ổn định hơn. Longo nhẩm tính rằng số tiền anh kiếm được hàng năm bây giờ nhỉnh hơn hồi ở Unilever. Nhưng mặt khác, anh không còn được hưởng chăm sóc y tế, không được dùng xe công ty và nhận các khoản trợ cấp nữa. Mặc dù có thể sử dụng bảo hiểm y tế của vợ, nhưng anh cho biết mình không còn bị đau dạ dày nữa, bởi vì quãng thời gian quay cuồng với công việc mỗi lần có dự án đã chấm dứt.

Chính quyền các tiểu bang và liên bang đang tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm trừng phạt các công ty tiết kiệm chi phí bằng cách trốn thuế và không cho các công nhân hợp đồng hưởng những quyền lợi mà lẽ ra họ phải được hưởng.

Hệ thống những công việc tạm thời như thế rất rộng lớn. Chiếm phần đông trong số đó là những người làm việc hợp đồng, bao gồm các tư vấn viên như anh Sinclair, cũng như các nhà văn tự do, y tá, chuyên gia công nghệ thông tin và vô số các ngành nghề khác. Vào năm 2005, lần cuối cùng Phòng thống kê lao động Mỹ cố gắng theo dõi những người làm việc tạm thời, thì số lượng nhân viên hợp đồng đã chiếm tới 7,4% tổng số người lao động.

Dù có nhiều bất lợi, nhưng cũng có rất nhiều người làm việc tạm thời một cách tình nguyện. Trường hợp của Michael Sinclair mà bài viết vừa nhắc tới ở trên là một ví dụ như thế. Anh từng làm tại một công ty tư vấn marketing và chiến lược ở Atlanta nhưng bị sa thải vào năm ngoái. Sau khi nhận ra rằng các công ty hầu như không thuê thêm nhân viên, nhưng các công việc ngắn hạn vẫn tồn tại, anh tiếp tục tìm kiếm và sau vài tháng anh đã làm vài công việc bán thời gian.

Vị trí hiện tại của anh là ở trung tâm sản xuất thiết bị chăm sóc sức khỏe Molnlycke: chuyên làm găng tay phẫu thuật và các thiết bị y tế khác. Nhưng sau một thời gian làm hợp đồng, anh đã được mời làm trưởng phòng marketing tạm thời. Công ty có ý định thuê người khác, nhưng vì một số trục trặc nên hiện tại Michael là người thích hợp nhất.

Michael nói rằng nếu được mời vào vị trí này thì dù rất thích nhưng có thể anh sẽ không nhận. Kinh nghiệm từ lần sa thải trước đã dạy cho anh một bài học.

“Tôi chỉ nghĩ rằng bạn không thể dựa vào công ty được. Tôi thấy có quá nhiều người đến tận bây giờ vẫn nghĩ rằng dựa vào công ty là an toàn nhất”, anh nói.

Quan điểm của Michael là người làm thuê chỉ nên dựa vào bản thân mình.

Theo Hà Thu (VNE/ New York Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm