Lý do hàng hoá của Trung Quốc ở nước ngoài rẻ

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì mức tăng xuất khẩu và  nhập khẩu cao. Đến năm 2009 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc vượt lên đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, đạt mức 2207,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1201,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1005,6 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu là 196,1 tỷ USD (nguồn: Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc tháng 3/2010, Viện Khoa học xã hội Việt Nam).

Nguyên nhân nào làm cho hàng hóa của Trung Quốc bán ở nước ngoài rẻ?  Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Dựa vào kết quả nghiên cứu diễn biến cán cân thương mại và các thông tin liên quan đến chính sách khuyến khích xuất khẩu của Trung Quốc gần đây cho thấy, việc hàng hóa của Trung Quốc bán ở nước ngoài rẻ hơn trong nước do bốn nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất: Do thực hiện chính sách khuyến khích xuất khẩu

Theo đánh giá của các chuyên gia Trung Quốc, chính sách khuyến khích xuất khẩu là một trong những chính sách cơ bản của Trung Quốc. Chính sách khuyến khích xuất khẩu được thực hiện bằng chính sách hoàn thuế xuất khẩu. Chính sách này đã giúp cho các doanh nghiệp có thể hạ thấp giá thành hàng hóa xuất khẩu. Chính sách hoàn thuế xuất khẩu hiểu một cách đơn giản, đó là hình thức nhà nước bù đắp tài chính cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hoá. Từ tháng 8/2008 đến nay, Trung Quốc đã 7 lần thay đổi mức hoàn thuế xuất khẩu, ban đầu tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu được quy định là 9,8%, hiện nay tăng lên 13,5%. Có thể lấy một thí dụ để chứng minh, khi người nước ngoài mua hàng hóa của Trung quốc trị giá 100 USD họ chỉ cần chi trả 86,5 USD. Như vậy Trung Quốc đã biếu không cho người tiêu dùng nước ngoài 13,5 USD, số tiền Trung Quốc biếu cho người nước ngoài nói trên là nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp gia công xuất khẩu phát triển.

Thứ hai: Do thực hiện chính sách phá giá tiền tệ

Từ ngày 1/1/1994, Trung Quốc đã cho đồng nhân dân tệ phá giá tới 35%, tỷ giá chính thức được điều chỉnh từ mức 5,7 nhân dân tệ (NDT)/USD lên 8,7 NDT/USD. Những thay đổi của chính sách tỷ giá bắt đầu từ năm 1994 lại đây đã giúp cho cán cân thương mại Trung Quốc cải thiện, mức tăng kim ngạch xuất khẩu luôn cao hơn kim ngạch nhập khẩu, kết quả này góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Việc phá giá đồng nhân dân tệ, hay nói cách khác việc cho phép tỷ giá đồng NDT được đánh giá thấp hơn giá trị thực tế của nó, thực chất là chính sách trợ giá cho người tiêu dùng nước ngoài mua hàng Trung Quốc, hàng Trung Quốc bán với giá rẻ, làm cho sức cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc tăng lên. Nếu tỷ giá thực tế của đồng NDT là 5 NDT/USD, trong khi Trung Quốc thực hiện tỷ giá chính thức là 6,8 NDT/USD, thì khi người nước ngoài mua hàng hoá của Trung Quốc trị giá 100 USD, họ cũng chỉ cần chi trả 74 USD, Trung Quốc đã chấp nhận giảm giá hàng hoá tới 26%.

Thứ ba: Do tâm lý ưa thích sử dụng hàng ngoại

Người dân Trung Quốc đều thích sử dụng hàng ngoại, kể cả các mặt hàng sản xuất trong nước bán ở nước ngoài vì chất lượng hàng hóa được đảm bảo hơn. Đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, phần lớn không được bán trong nước mà dành cho xuất khẩu. Số hàng hóa này được vận chuyển ra nước ngoài để tiêu thụ, sau đó lại quay về trong nước nhưng không theo đường nhập khẩu chính ngạch, làm cho giá thành đội lên cao và giá bán trong nước càng cao hơn giá bán ở nước ngoài.

Thứ tư: Do chi phí vận chuyển khác nhau ảnh hưởng đến giá thành

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho biết cùng một loại hàng hóa, chi phí vận chuyển đi Mỹ không giống như chi phí vận chuyển đi Bắc Kinh, đó là do vận chuyển hàng hóa đi Mỹ bằng đường biển, thấp hơn nhiều so với vận chuyển hàng hóa đi Bắc kinh bằng đường bộ. Thí dụ vận chuyển 1kg hàng hóa từ Thượng Hải đi New York bằng đường biển chỉ mất 1,5 NDT, trong khi đó vận chuyển 1 kg hàng hóa từ Thâm quyến đến Bắc Kinh bằng đường bộ chi phí lên tới trên 1.000 NDT, đó là chưa kể chi phí phát sinh đột xuất như trường hợp lái xe bị phạt, xe bị hỏng. Theo các chuyên gia vấn đề chi phí vận chuyển hàng hóa trong nước cao là vấn đề khó khăn với Trung Quốc, trong thời gian tới Trung Quốc vẫn chưa thể khắc phục.

Gần đây, một số bài viết về nguyên nhân làm cho hàng hóa Trung Quốc bán ở nước ngoài rẻ, có đề cập đến việc giá rẻ nhờ nhập lậu, trốn thuế và hạ lương. Cách đặt vấn đề là hấp dẫn và khá sâu sắc, song nếu có thêm các cơ sở về lý luận và thực tiễn để chứng minh thì có sức thuyết phục hơn.

Trung Quốc đã thành công trong việc tăng cường sức cạnh tranh thương mại bằng cách bán hàng giá rẻ. Nói vậy không có nghĩa Trung Quốc luôn thuận lợi, không gặp bất kỳ khó khăn trở ngại nào. Mặc dù ngành xuất khẩu của Trung Quốc trong những năm gần đây đạt những kết quả khả quan, song ngành xuất khẩu Trung Quốc cũng đang đứng trước một thách thức lớn, trong khi nguồn tài nguyên của đất nước bị huy động tối đa để làm hàng xuất khẩu thu ngoại tệ, số ngoại tệ thu được qua xuất khẩu chủ yếu bằng đồng đôla Mỹ, đồng tiền hiện đang bị mất giá liên tục và kèm theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.  Mặt khác, việc sử dụng đồng đôla Mỹ cũng là một khó khăn với Trung Quốc, mặc dù có trong tay một số lượng rất lớn dự trữ bằng đôla Mỹ (2.447 tỷ USD - số liệu tính đến tháng 3 năm 2010), Trung Quốc vẫn không mua được các thiết bị kỹ thuật hiện đại của Mỹ, Trung Quốc chỉ có sự lựa chọn duy nhất là mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu đồng đôla Mỹ có vấn đề, thiệt hại về tài chính của Trung Quốc sẽ không hề nhỏ.

Theo Phí Đăng Minh (sbv.gov.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm