Hy Lạp gây áp lực đối với các ngân hàng châu Âu

Trong bài “Khu vực đồng euro đối diện với kịch bản Hy Lạp phá sản”, tờ báo kinh tế "Les Echos" ngày 12/9 nhận định, Athens đã cố gắng để tránh nguy cơ phá sản khi đưa ra kế hoạch cắt giảm thêm ngân sách 2 tỷ euro để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn tái bảo hiểm SCOR, trong bài trả lời phỏng vấn "Les Echos" lại cho rằng, nguy cơ khu vực đồng euro tan rã vẫn có thể trở thành hiện thực.

Cũng đề cập đến nguy cơ phá sản tại Hy Lạp, các nhật báo "Le Figaro" và "Le Monde" (Pháp) đều có bài viết về cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro. Bài “Khủng hoảng đồng euro: Các ngân hàng đang bị áp lực” nhấn mạnh cho dù những biện pháp kinh tế mới đang được đưa ra, giả thiết Athens bị phá sản không còn là điều "cấm kỵ".

Theo các báo trên, tuần lễ này là thời điểm mang tính quyết định đối với các ngân hàng châu Âu nói chung và ngân hàng Pháp nói riêng. Trong bối cảnh bộ ba Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải ngồi lại với nhau để có thể "bật đèn xanh" cho đợt giải ngân 8 tỷ euro tiếp theo cho Hy Lạp, đang dấy lên tin đồn rằng cơ quan thẩm định tài chính Moody's chuẩn bị hạ điểm tín nhiệm ba ngân hàng lớn của Pháp là BNP Paribas, Crédit Agricole và Société Générale - các chủ nợ chính của Hy Lạp.

Hiện chưa thể khẳng định liệu các chính phủ có "ra tay" cứu vớt ngân hàng như hồi năm 2008 hay không. Theo các nhà phân tích, trở ngại trước tiên đối với các ngân hàng là nguy cơ thiếu tiền mặt trầm trọng, khi các nhà đầu tư ngày càng ngại bỏ tiền vào thị trường chứng khoán. Tiếp theo là nguy cơ thua lỗ do sự giảm tốc của nền kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ công, mà trước mắt là nợ công của Hy Lạp. Một trong những khó khăn không thể không kể đến là một số chính phủ châu Âu sẽ rất khó gánh vác thêm khi các món nợ của ngân hàng đã gần như tương đương với tổng sản phẩm quốc nội.

Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính châu Âu đang chia rẽ về việc giải quyết những trở ngại đối với gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp đã được đồng ý về nguyên tắc vào tháng 7 vừa qua. Thậm chí, Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Roesler nói châu Âu không còn loại trừ tình huống vỡ nợ của Hy Lạp. Một số chuyên gia kinh tế cấp cao còn cho rằng Hy Lạp có thể sẽ buộc phải ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone).

Tuần báo "Der Spiegel" đưa tin Chính phủ Đức đang chuẩn bị hai kế hoạch để đối phó với tình huống Hy Lạp vỡ nợ, trong đó theo kịch bản thứ nhất nước này sẽ vẫn ở lại Khu vực đồng euro, và theo kịch bản thứ hai, Hy Lạp sẽ quay trở lại với đồng nội tệ (drachma).

Việc ông Juergen Stark - một thành viên Hội đồng quản trị ECB, người phản đối ngân hàng này mua trái phiếu của các nước đang mắc nợ - xin từ chức khi nhiệm kỳ của ông tới tháng 5/2014 mới kết thúc cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong ECB về cách thức đẩy lùi cuộc khủng hoảng nợ.

Ngoài ra, cuộc họp cuối tuần qua của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) đã không đi đến bất kỳ một kết luận cụ thể nào, đã gây thất vọng cho các nhà đầu tư vốn hy vọng nhóm này sẽ cam kết thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để giữ vững nền tảng của các thị trường tài chính. Các thị trường hiện đang chờ đợi các phát biểu của Chủ tịch ECB, Jean Claude-Trichet và Thủ tướng Đức Angela Merkel về cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực.

Hiện các quan chức Đức và châu Âu đang kêu gọi trấn an các thị trường đang hoảng loạn khi cuộc đàm phán tại Berlin tìm giải pháp cứu trợ cho Hy Lạp làm gia tăng lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực ngày càng trầm trọng, khiến đồng euro giảm mạnh.

Trong phiên giao dịch ngày 12/9, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm so với đồng yen Nhật. Tại Tokyo, đồng tiền chung châu Âu giao dịch ở mức 104,09 yen/1 euro, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2001. Giới phân tích cho rằng việc đồng euro mất giá mạnh so với đồng yen sẽ khiến Chính phủ Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường bằng việc mua vào đồng tiền châu Âu để ghìm giá đồng nội tệ.

(TTXVN/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm