“Tín dụng đen”: Kiểu nào cũng chết! - Cần sự can thiệp sâu hơn từ phía Nhà nước

Không còn là tình trạng cá biệt, việc huy động vốn với lãi suất cao rồi tuyên bố vỡ nợ đã xảy ra khá phổ biến trong thời gian gần đây. Ai cũng thấy hậu quả mà nó gây ra cho xã hội nghiêm trọng đến mức nào. Nhiều gia đình phải ly tán, cuộc sống đảo lộn, nhà cửa, tài sản đội nón ra đi. Thậm chí, có người đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Trong khi đó, người đứng ra huy động vốn lại chiếm đoạt toàn bộ tài sản đã huy động bằng nhiều cách tẩu tán khác nhau rồi nhởn nhơ trước sự bất lực của những người trong cuộc.

Biết đâu mà lần!

Trong quá trình làm ăn, bà Bùi Thị Dung (đăng ký KT3 tại quận 10, TP.HCM) đã vay mượn tiền của nhiều người lên đến vài tỷ đồng. Trong số đó, bà N. có cho bà Dung vay nhiều lần, tổng cộng hơn 1,1 tỉ đồng. Đến hạn trả nợ, bà N. cùng một số chủ nợ nhiều lần liên lạc nhưng bà Dung tắt máy điện thoại, bỏ trốn khỏi nơi đăng ký KT3.

“Tín dụng đen”: Kiểu nào cũng chết! - Cần sự can thiệp sâu hơn từ phía Nhà nước ảnh 1

Người dân tụ tập trước nhà một trùm huy động vốn lãi suất cao. Ảnh: SGGPO

Qua xác minh, những người cho vay biết được bà Dung có hộ khẩu tại địa phương khác nên liên hệ đến nơi đây để tìm bà Dung. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng như người nhà của bà Dung đều không biết hiện bà Dung ở nơi nào. Nhận thấy hành vi bỏ trốn của bà Dung có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bà N. làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra. Trả lời bà N., cơ quan điều tra cho rằng chưa có căn cứ để xác định bà Dung đã bỏ trốn nên không thể khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời, cán bộ điều tra hướng dẫn bà N. làm đơn yêu cầu tòa án tuyên bố bà Dung đã... bỏ trốn (?!) thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, không tòa nào chịu thụ lý đơn của bà N.  theo hướng dẫn tréo ngoe của cơ quan điều tra. Do bà N. không thể cung cấp được chứng cứ bà Dung đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã trả lại đơn và hướng dẫn bà N. khởi kiện bà Dung bằng một vụ án dân sự. Yêu cầu đương sự cung cấp bằng chứng chứng minh người vay nợ đã bỏ trốn khác nào đánh đố và đẩy cái khó cho người dân.

Năm 2010, bà Y. vay của người quen được sáu tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ. Tài sản của bà Y. chỉ có căn nhà với diện tích chưa đến 60 m2 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐakLak với giá khoảng 600 triệu đồng. Nhận thấy bà Y. đã tẩu tán tài sản, các chủ nợ đã nộp đơn tố giác lên cơ quan điều tra, đề nghị khởi tố bà Y. về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho biết quan hệ giữa các bên là quan hệ vay mượn nên không có dấu hiệu hình sự. Do vậy, cơ quan điều tra hướng dẫn các chủ nợ khởi kiện bà Y. ra TAND TP Buôn Ma Thuột để đòi nợ. Một chủ nợ cho biết tài sản có giá trị nhất của bà Y. chỉ có căn nhà trên thì làm sao có thể đủ trả nợ.

Sợ “hình sự hóa”

Trước hậu quả do việc huy động vốn gây ra, nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước cần can thiệp kịp thời bằng các chính sách, các quy định pháp luật cụ thể để hạn chế và tiến tới kiểm soát tình trạng này.

Luật sư Lưu Thị Dung, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết mình đã nhiều lần tham gia bảo vệ quyền lợi cho thân chủ bị người khác vay tiền rồi bỏ trốn, không biết tung tích đâu. Với dấu hiệu bỏ trốn, cơ quan công an hoàn toàn có thể xác định có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để điều tra. Thế nhưng, khi thụ lý các dạng vụ như thế này, cơ quan công an thường hướng dẫn đương sự sang tòa án để khởi kiện dân sự. Giải thích, luật sư Dung cho rằng sau một số vụ án bị đình chỉ và bồi thường oan vì hình sự hóa quan hệ dân sự, hiện các cơ quan tố tụng đang rất ngại đụng tới những vụ án kiểu này. Chính sự ngán ngại và “nhát tay” của các cơ quan tố tụng đã làm tăng thêm tình hình vỡ nợ như hiện nay vì nhiều người nghĩ rằng cơ quan tố tụng sẽ không đụng đến mình.

“Tín dụng đen”: Kiểu nào cũng chết! - Cần sự can thiệp sâu hơn từ phía Nhà nước ảnh 2

Khóa cửa im ỉm để trốn nợ. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Phân tích thêm, luật sư Nguyễn Trần Chiêu Dương, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng hiện nay nhiều người biết việc vay mượn chỉ là quan hệ dân sự và tin tưởng các cơ quan tố tụng không thể can thiệp vào để truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi người huy động vốn, vay nợ rồi tuyên bố mất khả năng chi trả và bỏ trốn, tức có thể xem xét theo tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thì căn cứ cụ thể để xác định dấu hiệu “bỏ trốn” cũng rất tù mù.

Luật sư Võ Trọng Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, chia sẻ thêm: Cơ quan tố tụng chưa biết căn cứ vào đâu để xác định như thế nào là bỏ trốn. Khi người vay tiền bỏ đi khỏi nơi cư trú thì cũng không có cơ quan nào dám xác định người đó bỏ trốn. Vì vậy, gặp những trường hợp này, cơ quan tố tụng thường hướng dẫn người dân khởi kiện vụ án dân sự ra TAND có thẩm quyền cho chắc ăn. Theo luật sư Hùng, để có cơ sở cho cơ quan tố tụng xác định người vay mượn đã bỏ trốn, cần phải có hướng dẫn cụ thể xác định những trường hợp nào được xác định là bỏ trốn.

Cần cơ chế hợp lý

Luật sư Chiêu Dương cho rằng quyền sở hữu đối với tài sản là quyền được Nhà nước bảo hộ. Do đó, cơ quan chức năng cần phải tham gia bảo vệ quyền cho người dân trong những trường hợp trên. Nếu một người huy động cả chục tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ thì chính cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ số tiền đó đã đi đâu, được sử dụng vào việc gì. Nếu thực sự có việc đầu tư, kinh doanh bị thua lỗ thật thì đó là quan hệ dân sự, còn nếu cố tình tẩu tán tài sản để chiếm đoạt số tiền đã huy động thì phải xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan tố tụng cũng cần có sự đánh giá, phân loại thật chính xác các vụ án kiểu này để tránh bỏ lọt tội phạm cũng như tránh hình sự hóa quan hệ dân sự.

Luật sư Nguyễn Diễm Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Nhà nước cho rằng đánh bạc là hành vi có thể làm tan cửa nát nhà, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự nên xem hành vi đánh bạc là tội phạm. Đó là sự phòng ngừa để quản lý. Trong các vụ huy động vốn lãi suất cao, hậu quả xảy ra cũng rất nghiêm trọng. Vì vậy, Nhà nước cũng cần phải có các quy định mang tính răn đe để phòng ngừa chung đối với hành vi huy động vốn. “Nếu người huy động vốn không có tài sản đảm bảo, tài sản quá ít so với các khoản vay hoặc họ không chứng minh được số tiền vay đã được sử dụng vào mục đích gì thì cần phải có quy định cụ thể để truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Phượng đề nghị.

Đồng tình, một kiểm sát viên quận Thủ Đức cho rằng hậu quả của hoạt động tín dụng, vay nợ, huy động vốn đã và đang gây cho đời sống xã hội rất nhiều hệ lụy. Do vậy, nhà nước cần tăng cường vai trò quản lý, điều tiết xã hội bằng các biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát chặt các hoạt động tín dụng, cho vay... Ngoài ra, cơ quan tố tụng cũng cần có sự đánh giá, phân loại thật chính xác các vụ án kiểu này để tránh bỏ lọt tội phạm cũng như tránh hình sự hóa quan hệ dân sự.

HỒNG TÚ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm