Thêm khó cho doanh nghiệp

Ngay lập tức, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã lựa chọn hai bị đơn bắt buộc và thêm bốn nội dung mới để điều tra.

Dù khẳng định VN có đầy đủ bằng chứng chứng minh những cáo buộc trên là sai, nhưng Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho rằng diễn biến của vụ kiện sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh họ đang phải chịu mức thuế của vụ kiện chống bán phá giá.

Thêm khó cho doanh nghiệp ảnh 1

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cafatex, Hậu Giang - Ảnh: H.T.V.

Những cáo buộc vô lý

Hai bị đơn bắt buộc mà DOC chọn trong vụ kiện này là Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú và Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods. Đây là hai trong số những công ty xuất khẩu tôm lớn nhất trong khoảng 40 doanh nghiệp VN đang xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tất cả doanh nghiệp trên đều đang phải chịu thuế chống bán phá giá (với thuế suất gần 1%). Nếu phải chịu một mức thuế chống trợ cấp (theo cáo buộc dao động từ 1,54-12%) thì họ sẽ phải chịu cảnh “thuế chồng thuế” và là một gánh nặng rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong thời gian tới.

Sự việc bắt đầu từ ngày 28-12-2012, khi Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ (COGSI) đệ đơn kiện lên DOC đối với tôm nhập khẩu từ bảy nước, trong đó có VN, do “nghi ngờ” ngành tôm của những nước này nhận được các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ. Luật sư Ngô Quang Thụy, người tư vấn thường xuyên cho các doanh nghiệp thủy sản trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, cho biết thời điểm khởi kiện lần này diễn ra không bình thường vì năm vừa qua xuất khẩu tôm VN vào Mỹ giảm 18,6% do gặp nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh về giá với các nước xuất khẩu khác như Ecuador và Thái Lan. “Nay thêm vụ kiện chống trợ cấp này nữa, các doanh nghiệp thủy sản lại gánh thêm nhiều khó khăn, có thể họ sẽ phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh và phương thức thanh toán” - ông Thụy nói.

Còn theo VASEP, vụ kiện này là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh và thiếu cơ sở. Hiện ngành khai thác tôm của Mỹ chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ tôm của nước này, 90% còn lại phụ thuộc nhập khẩu. Vì vậy việc COGSI đại diện cho số ít 10% nguồn cung cấp tôm tại Mỹ khởi xướng vụ kiện chống lại tôm nhập khẩu là bất hợp lý. Cáo buộc của COGSI liên quan đến giá của hai loại sản phẩm là tôm khai thác trong nước và tôm nuôi nhập khẩu đã thể hiện rõ sự so sánh và lập luận thiếu logic và cơ sở khoa học.

“Tôm nuôi và tôm khai thác là hai  sản phẩm hoàn toàn khác nhau, điều kiện sản xuất khác nhau, chất lượng và đối tượng tiêu dùng khác nhau, vì vậy không cần và không thể cạnh tranh với nhau trên thị trường và trở thành đối tượng kiện nhau” - ông Hòe cho biết. Do đó, quyết định điều tra của DOC là một quyết định không công bằng, là biện pháp đánh thuế hai lần và gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, người làm chế biến tôm VN.

Doanh nghiệp Mỹ cũng phản đối

Theo VASEP, VN có đầy đủ chứng cứ để chứng minh những cáo buộc đã có và mới bổ sung là không đúng nhưng sẽ tốn thời gian. Hai nội dung điều tra căn bản là có chính sách trợ cấp hay không và nếu có thì bản thân các doanh nghiệp có nhận chính sách đó hay không. Vấn đề này phụ thuộc phần lớn vào giải đáp của các cơ quan chính phủ, đặc biệt là Cục Quản lý cạnh tranh. VASEP và các doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc đã có những bước chuẩn bị như thuê các luật sư có kinh nghiệm để đại diện tham gia vụ kiện, vận động chính sách đối với các hiệp hội và Chính phủ Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ.

Theo báo cáo từ các luật sư, bản thân các nhà nhập khẩu tôm của Mỹ cũng lên tiếng phản đối vụ kiện này. Trong phiên họp của đại diện luật sư bảy nước với Hiệp hội Thủy sản Mỹ chuẩn bị cho phiên điều trần với DOC vào ngày 17-12-2012, một công ty chế biến tôm lớn của Mỹ là Tamba Bay cũng bày tỏ ủng hộ các nước trong vụ kiện. Đại diện công ty này cho biết có sự khác biệt giữa tôm đánh bắt với tôm nuôi nên công ty này không ủng hộ COGSI. Việc nhập khẩu tôm không chỉ có lợi cho các nhà xuất khẩu mà cả với những nhà nhập khẩu và chế biến tôm của Mỹ. “Đây là một điểm mới mà theo các luật sư là có ý nghĩa tích cực, vì trong đa số trường hợp kiện tương tự chỉ những nhà nhập khẩu lên tiếng ủng hộ chứ không có nhà chế biến” - ông Hòe giải thích.

Còn theo ông Thụy, khác ở vụ kiện chống bán phá giá, trong vụ kiện chống trợ cấp vai trò của chính phủ và hiệp hội là cực kỳ quan trọng. Hiệp hội và chính phủ cần trao đổi thường xuyên với các luật sư, các hiệp hội thương mại ở nước nhập khẩu; trao đổi chia sẻ thông tin với các nhà nhập khẩu. Nếu trong giai đoạn điều tra các bị đơn bắt buộc chứng minh không tốt hoặc không hợp tác cung cấp số liệu và chứng từ đầy đủ cho DOC, thì dễ dẫn đến bị kết luận là có nhận trợ cấp hoặc bị áp dụng thông tin sẵn có bất lợi do nguyên đơn cung cấp. Trong trường hợp này, mức thuế chống trợ cấp sẽ cao và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác không phải là bị đơn bắt buộc.

Ngay cả trường hợp xấu nhất xảy ra là có một mức thuế áp dụng thì theo ông Hòe, Mỹ cũng sẽ phải nhập khẩu tôm từ bảy nước mà họ kiện vì đây là những nước xuất khẩu tôm chủ yếu vào Mỹ. “Nếu tăng thuế thì người tiêu dùng Mỹ là người chịu thiệt thòi đầu tiên” - ông Hòe nhấn mạnh. Được biết, DOC sẽ xem xét các lô hàng xuất khẩu trong năm 2011, nếu có thuế sẽ áp dụng cho các lô hàng từ năm 2012 trở đi.

Diễn biến vụ kiện

* Ngày 28-12-2012, COGSI đệ đơn kiện lên DOC.

* Ngày 15-1-2013, đại diện chính phủ hai nước đã có buổi tham vấn tại DOC.

* Ngày 18-1-2013, DOC tiến hành điều tra.

* Ngày 11-2-2013, DOC lựa chọn hai bị đơn bắt buộc, đồng thời thêm bốn nội dung điều tra mới.

* Tháng 4-2013 (dự kiến), DOC công bố kết quả sơ bộ. 

Theo Trần Vũ Nghi-Trần Mạnh (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm