‘Ông xăng dầu’ có lách luật?

“Ông xăng dầu” có lách luật gây thất thu ngân sách? Đây là câu hỏi được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt ra tại buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (TXNK) (sửa đổi) diễn ra sáng qua (21-9).

“Quên” tái xuất gần 2 triệu tấn xăng dầu

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật TXNK, liên quan đến vấn đề miễn thuế cho hàng hóa tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập (khoản 9 Điều 16 dự thảo luật), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặc biệt lưu ý: “Có ý kiến cho rằng việc miễn thuế cho hàng hóa tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần quy định rõ ràng và minh bạch hơn về miễn thuế để trả lời được câu hỏi: “Miễn thuế đối với những mặt hàng nào và ai có thẩm quyền quyết định?”. Bởi theo bà Nga, quy định về hàng hóa tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập như dự thảo luật hiện nay là chưa chỉ ra cụ thể những mặt hàng nào.

“Khi chúng tôi nghiên cứu về thất thu trong lĩnh vực xăng dầu cho thấy việc kiểm soát đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất rất khó khăn. Số liệu cho thấy trong bốn năm ta đã cho tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu. Chúng tôi thấy rằng việc cho tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng nào thì phải căn cứ vào quy định của quốc tế, nhất là Công ước Kyoto” - bà Nga nói.

Từ đó, bà Nga đề nghị Chính phủ cần làm rõ thời gian qua, việc miễn thuế đối với những mặt hàng tạm nhập tái xuất thường bị lách luật và lợi dụng tập trung vào những mặt hàng nào.

“Đặc biệt, có đúng là có việc tạm nhập tái xuất đối với các mặt hàng lỏng như xăng dầu thời gian qua đã bị lách luật, tạm nhập và cho bán trong nước gây thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước không?”.

 
“Ông xăng dầu” có lách luật gây thất thu ngân sách? Ảnh minh họa: AT

Bảo vệ cho sản xuất trong nước

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, một trong những mục tiêu của dự án Luật TXNK lần này là góp phần khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, dự thảo luật bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ... để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước trong điều kiện hội nhập quốc tế trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các pháp lệnh liên quan.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lưu ý: “Việc thay đổi chính sách thuế ảnh hưởng đến nền kinh tế nên cần lưu ý đến các tác động đối với những lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ”.

Cùng ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cảnh báo: “Giờ thịt gà Mỹ, thịt bò Úc… và nhiều mặt hàng ngoại nhập khác đang cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng trong nước. Chính sách về TXNK giúp người tiêu dùng được sử dụng nhiều mặt hàng với giá thấp hơn nhưng một số lĩnh vực sản xuất trong nước sẽ rất khó khăn, như chăn nuôi nhỏ lẻ, ngành nông nghiệp”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. “Dù đã ba lần ra nghị định đưa doanh nghiệp về nông thôn nhưng không được vì vướng các luật khác. Do vậy, luật này phải tính thế nào vì hội nhập thì cần sức bên trong phải khỏe nhưng thuế khóa mà cứ theo làm mãi thì làm sao khỏe lên được” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quan tâm hơn đến nông nghiệp

Trước các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tán thành với nhiều ý kiến cho rằng phải quan tâm hơn lĩnh vực nông nghiệp, cũng như các lĩnh vực sản xuất khác trong nước. Ông Dũng cho biết về cơ bản các chính sách về phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, đóng tàu xuất khẩu... thúc đẩy nội địa hóa đã được đưa vào dự Luật TXNK .

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.