Không nên chạy theo CPI khi điều hành lãi suất

Theo tôi, điều hành chính sách lãi suất ở VN không nên chạy theo CPI, vì chỉ số này lên xuống thất thường và không phụ thuộc vào chính sách điều hành. Lãi suất nên dựa nào lạm phát lõi (core inflation). Đây là chỉ số ổn định và nếu dựa trên chỉ số này lãi suất sẽ có cơ sở để giảm.

Vì sao như vậy? Hiện nay Chính phủ đang sử dụng CPI như một thông số để điều hành kinh tế vĩ mô, trong khi con số này của chúng ta bị sai lệch so với thực tế rất nhiều. Trong rổ hàng hóa tính CPI của VN, nhóm hàng và dịch vụ ăn uống ngoài (bao gồm lương thực và thực phẩm) chiếm trọng số đến 39,9%, tuy nhiên các thống kê giá của nhóm này đang rất dễ bị lệch số vì phần lớn những giao dịch này đều không có hóa đơn, chứng từ.

Thống kê giá hàng hóa ở các chợ cũng thế, chỉ cần thời điểm đi lấy giá của cán bộ quản lý giá ở các chợ khác nhau thì giá cũng đã có sự sai lệch do giá cả ở chợ biến động sáng, chiều khác nhau. Sự sai lệch này do hệ thống bán lẻ VN hiện nay chưa hoàn thiện. Hơn nữa, người dân vẫn chưa quen với việc mua hóa đơn, mua bán còn dễ dãi, trả giá lên xuống. Các cửa hàng bán, điểm bán hiện nay vẫn chưa có máy tính tiền để phục vụ công tác thu và tính thuế.

Mặt khác, rổ hàng hóa tính CPI của VN đang bị chi phối nhiều bởi nhóm lương thực, thực phẩm, nhưng đây cũng là nhóm hàng chịu tác động của yếu tố bên ngoài rất nhiều như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, mùa màng và giá cả thế giới nên dễ bị sốc. Đôi khi giá cả tăng cao không phải do yếu tố cung tiền. Nói nôm na dịch bệnh bùng phát, nguồn cung thiếu thì kiểu gì giá cả cũng lên, hay giá xăng dầu lên do giá dầu thế giới sốt vì biến động chính trị của quốc gia nào đó, rõ ràng yếu tố lạm phát có nguyên nhân của yếu tố tiền tệ nhưng cũng có yếu tố phi tiền tệ.

Vì vậy, khi điều hành chính sách tiền tệ cần loại bỏ những yếu tố phi tiền tệ. Hiện nay các nước Philippines, Thái Lan hay Canada, Mỹ... đều điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ số core inflation, nghĩa là loại trừ yếu tố thực phẩm, lương thực và giá dầu, chỉ số CPI chỉ là mốc tham khảo để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tiền lương, thu nhập.

VN là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố khách quan rất nhiều đến CPI vì cộng số lương thực, thực phẩm trong rổ CPI cao. Nhưng VN cũng là nước có độ mở kinh tế đến 160% GDP nên chỉ cần thế giới có biến động, lập tức giá cả nhiều mặt hàng trong nước cũng bị tác động theo. Nếu điều hành một chính sách mà chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi những yếu tố bên ngoài thì mình sẽ rất bị động.

Điều hành chính sách tiền tệ theo CPI sẽ làm cho lãi suất biến động thất thường, trong khi đối với nhà đầu tư, yếu tố ổn định là quan trọng. Nếu người mua nhà trả góp trong vòng 15 năm mà lãi suất không ổn định họ sẽ chùn tay. Doanh nghiệp VN, người dân VN đã chịu những cú sốc lãi suất năm 2007-2008, sang năm 2009 lãi suất giảm do được hỗ trợ và hiện nay dù lãi suất đang giảm nhưng tâm lý người tiêu dùng vẫn co cụm, không dám chi tiêu vì mọi người không biết liệu lãi suất sẽ lên nữa hay không.

Như vậy, nếu chúng ta điều hành lãi suất theo core inflation sẽ khuyến khích nhà đầu tư dài hạn và giúp người dân mạnh dạn hơn trong mua nhà trả góp và giải quyết tình hình hàng tồn. Cần nhanh chóng giải quyết core inflation để không dập tắt cơ hội đầu tư của người dân.

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
 Theo NHƯ BÌNH (TTO) 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.