Gần nửa tập đoàn, tổng công ty làm ăn kém hiệu quả

Theo “Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các đại biểu Quốc hội, nhiều tập đoàn, tổng công ty đang gặp khó khăn với những khoản nợ gấp nhiều lần số vốn.

Trong số này, không ít đơn vị sản xuất kinh doanh chủ yếu nhờ vào vốn vay ngân hàng, vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính lại không hợp lý, dẫn đến rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên khả năng thanh toán không đảm bảo.

Tính đến 31/12/2008, một số đơn vị có tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao (trên 10 lần) là Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 với 21,6 lần; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam với 17,4 lần; Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 với 14 lần; Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp VN với 12,9 lần, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) với 10,9 lần…

Báo cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng cho biết, tính đến 31/12/2008, tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn gồm Dầu khí, Than khoáng sản, Cao su, Dệt may, Công nghiệp tàu thủy, Điện lực, Bưu chính Viễn thông, không tính tập đoàn Bảo Việt) là 128.786 tỷ đồng, tăng 20,54% so với cuối 2007 và chiếm gần 10% so với tổng nợ tín dụng đối với nền kinh tế tại cùng thời điểm. Một số đơn vị có nợ lớn là Tập đoàn điện lực Việt Nam với 66.764 tỷ đồng, chiếm 51,84% tổng nợ tín dụng của 7 tập đoàn. Tiếp đến là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 21.477 tỷ đồng, chiếm 16,67%; Tập đoàn Vinashin nợ 19.885 tỷ đồng, chiếm 15,44%.

Báo cáo cho biết, đây chủ yếu là nợ trung và dài hạn, phục vụ cho các dự án đầu tư mang tính chiều sâu và các kế hoạch phát triển. Tổng nợ quá hạn của 7 tập đoàn đến 31/12/2008 là 4.168 tỷ đồng, chiếm 3,24% tổng dư nợ của các tập đoàn tại các tổ chức tín dụng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 15% tổng số nợ quá hạn. Tập đoàn Vinashin có số nợ quá hạn là 3.812 tỷ đồng, chiếm 19,17% dư nợ của tập đoàn và chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất một số giải pháp điều chỉnh hoạt động đầu tư tràn lan ở một số đơn vị, nhất là việc sử dụng vốn Nhà nước vào những lĩnh vực rủi ro khi không có nhân lực thích hợp, gây thất thoát vốn... Thường vụ cũng kiến nghị xử lý dứt điểm các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, trong đó làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, không để vốn đầu tư của Nhà nước tiếp tục bị thất thoát.

Theo Hồng Anh ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm