Đồ chơi trẻ em: Càng độc hại càng... dễ bán!

Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo triển khai thanh tra chất lượng đồ chơi trẻ em.
Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ KH-CN, báo cáo từ các địa phương và kết quả tổng hợp của Bộ KH-CN gần đây cho thấy, hiện nay trên thị trường đồ chơi dành cho trẻ tồn tại nhiều sản phẩm không đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Tình hình đồ chơi trẻ em không đảm bảo về an toàn, nhiễm độc tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ; đồ chơi trẻ em nhập khẩu không chứng nhận hợp quy, không công bố hợp quy, không ghi nhãn mác hoặc ghi nhãn sai quy định trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đã và đang xảy ra.
Theo kết quả kiểm tra của 39 Chi cục đo lường, chất lượng các tỉnh, thành trong năm 2012 tại 460 cơ sở kinh doanh, buôn bán đồ chơi trẻ em với gần 26.700 mẫu đồ chơi được kiểm tra, đã phát hiện ra gần 10.400 mẫu vi phạm (chiếm gần 35%); hơn 10.400 mẫu không có dấu hợp quy (chiếm hơn 35%); hơn 13.700 mẫu không có chứng nhận hợp quy. Đáng chú ý, kết quả khảo sát chất lượng đồ chơi “thú nhún” làm bằng nhựa dẻo của Cục quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa tại 37 cơ sở trên toàn quốc đã phát hiện hàm lượng chất Phthalates cao gấp 5-9 lần tiêu chuẩn hiện hành của thế giới, có nguy cơ gây vô sinh và ung thư rất cao. 
Khảo sát của PV tại phố  Lương Văn Can (Hà Nội), có thể thấy tại đây bày bán rất nhiều loại đồ chơi dành cho trẻ em với đủ kiểu màu sắc, hình dáng bắt mắt, phong phú. Hầu hết các sản phẩm bán chạy đều có xuất xứ từ Trung Quốc, dù thông tin đồ chơi Trung Quốc có chứa chất độc hại được nhiều người biết đến. Bởi chính vì chất lượng không đảm bảo nên giá thành rẻ, hợp túi tiền người mua; Chính vì bắt mắt, sặc sỡ nên càng độc hại. 
Thậm chí tại một cửa hàng trưng biển chuyên bán đồ chơi sản xuất tại Việt Nam trên đường Tạ Quang Bửu cũng bày bán rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. Nhân viên cửa hàng này phân trần: Đồ chơi Trung Quốc có ưu điểm nổi bật là giá cả mềm, lại đa dạng về chủng loại, màu sắc bắt mắt, mẫu mã phong phú. Cùng một loại đồ chơi, nếu mang thương hiệu từ châu Âu hoặc Mỹ, giá sẽ cao gấp 10 - 15 lần, thậm chí 20 - 30 lần. Trong khi cửa hàng không có và không đủ hàng Việt để thay thế hàng Âu, Mỹ nên cũng phải chấp nhận bán kèm hàng Trung Quốc.
Tại nhiều cuộc hội thảo liên quan đến đồ chơi trẻ em, nhiều chuyên gia hóa chất đều khẳng định, về công nghệ, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất đồ chơi an toàn, đạt chuẩn quy định. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các cơ sở sản xuất trong nước. Để đồ chơi trẻ em Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc cần có chiến lược phát triển đồng bộ, kiên quyết chống hàng nhập lậu. Có như vậy, việc kiểm soát hàm lượng các hóa chất gây độc trong đồ chơi trẻ em mới có thể thực hiện.
Phía Bộ KH-CN cho biết, hiện Bộ đang chuẩn bị triển khai đợt thanh tra trên diện rộng về chuyên đề chất lượng, tiêu chuẩn và sở hữu công nghiệp đối với đồ chơi trẻ em nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với đồ chơi trẻ em trên toàn quốc trong năm 2013. Cuộc thanh tra chuyên đề được tiến hành từ đầu tháng 8 và sẽ kết thúc vào ngày 30/9. Bộ KH-CN sẽ công bố kết quả thanh tra vào tháng 11.
Theo Phạm Thanh (DT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm