Cơ hội nhìn lại

Cơ hội nhìn lại ảnh 1

Từ năm năm qua, khảo sát PCI do nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Edmund Malesky, một nhà nghiên cứu “thực địa” kinh tế Việt Nam từ 10 năm qua, thu thập và phân tích mức độ hài lòng/không hài lòng của 9.890 doanh nghiệp trên cả nước về cùng một số vấn đề có liên quan đến công việc làm ăn của họ.

Khuyến cáo cơ bản của báo cáo khảo sát này là càng minh bạch trong cung cấp thông tin doanh nghiệp sẽ càng yên tâm để tiếp tục đầu tư vào tỉnh đó, và ngược lại sẽ rút lui ngay hoặc “bỏ dự án, chạy lấy của”.

Báo cáo viết: “Khi được tiếp cận đầy đủ với thông tin liên quan đến những thay đổi chính sách, đến phát triển hạ tầng cơ sở, đến kế hoạch sử dụng đất, các doanh nghiệp sẽ dự báo tốt hơn về triển vọng đầu tư của họ trong tương lai. Doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư hơn nếu thấy yên tâm về triển vọng kinh doanh dài hạn. Và ngược lại, khi doanh nghiệp lo lắng về những thay đổi bất ngờ trong quy định, cơ sở hạ tầng hay chính sách đất đai, doanh nghiệp sẽ do dự trước các dự án quy mô lớn và chỉ đầu tư cầm chừng để thăm dò...”.

Trong thực tế, cũng một chủ trương, chính sách, bộ luật, nghị định, thông tư... song mỗi tỉnh có những “ứng biến” khác nhau. Không chỉ khác giữa tỉnh này với tỉnh kia, mà giữa lúc này và lúc khác cũng khác nhau.

Báo cáo nhận xét: “Hiện nay, những mảnh đất có giá nhất thường rơi vào tay những doanh nghiệp tiếp cận được thông tin về chuyển đổi đất đai hay cải tạo các công trình đường bộ. Những đối tượng nắm được thông tin này không nhất thiết là những người có thể tận dụng tốt nhất các tài sản đó. Vì vậy, các địa điểm kinh doanh có vị trí then chốt ở một số tỉnh thường không được khai thác hiệu quả”.

Báo cáo cho rằng: “Tính minh bạch sụt giảm là do các địa phương ban hành quá nhiều công văn hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Chỉ có 8,4% số doanh nghiệp cho rằng có thể dự đoán được việc thực thi luật pháp của tỉnh. Đó là hậu quả của tính thiếu minh bạch và là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư “bỏ dự án, chạy lấy của”.

Khi chỉ có 8,4% số doanh nghiêp “nắm” được ý của tỉnh trong việc vận dụng luật pháp quốc gia, điều đó có nghĩa là 91,6% số doanh nghiệp còn lại đều mù mờ và đây chính là mảnh đất màu để “lệ làng” lũng đoạn luật pháp quốc gia.

Nên nhớ rằng việc công khai, minh bạch không phải là một yêu sách của nhóm khảo sát PCI, mà là một trong những cam kết gia nhập WTO và Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ.

Báo cáo này còn nhiều thứ để đọc, ngẫm nghĩ và trao đổi, kể cả trao đổi lại với nhóm khảo sát. Các bảng chỉ số PCI hay CPI (chỉ số cảm nhận tham nhũng)... hằng năm không phải là những “thành tích biểu” nhà trường, mà là những cơ hội giúp ta tự nhìn lại xem trên mặt ta có gì để mà tu sửa.

Theo DU LONG (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm