Bộ Tài chính: 'Đáng lẽ giá xăng phải tăng hơn 3.000 đồng/lít'

Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, trong lần điều hành này, để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước, nhằm giảm bớt mức tăng giá xăng dầu trong nước trước áp lực tăng của giá xăng dầu thế giới, Liên Bộ đã sử dụng đồng thời nhiều các công cụ tài chính khác như thuế nhập khẩu, sử dụng Quỹ Bình ổn giá.

Trong đó, đối với mặt hàng dầu - ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh (dầu diesel và madut), Liên Bộ đã không điều chỉnh tăng giá bán mà đã giảm thuế nhập khẩu (dầu diesel giảm từ 20% xuống còn 12%, dầu madut giảm từ 25% xuống còn 13%) và tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá.

Đối với mặt hàng xăng - mặt hàng có biến động giá thế giới tăng cao nhất (14,32%), để góp phần chia sẻ với người tiêu dùng, Liên Bộ đã cho phép tăng sử dụng Quỹ bình ổn thêm 446 đồng/lít (từ 991 đồng/lít lên mức 1.437 đồng/lít), phần dư địa còn lại điều chỉnh tăng giá bán xăng tương ứng. Trường hợp không sử dụng Quỹ, giá xăng có thể phải tăng đến hơn 3.000 đồng/lít.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu này không do tác động từ việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-5. Trên cơ sở tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế môi trường trong cơ cấu giá cơ sở, Bộ Tài chính đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ 10% đến 15% tùy mặt hàng (tương ứng 2.000 đồng/lít) bằng mức tăng thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng này từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu như trên còn góp phần giảm bớt tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá xăng dầu nước ta thấp hơn giá xăng dầu các nước có chung đường biên giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm