Bỏ khai mã ngành: Lợi bất cập hại!

Bộ KH&ĐT vừa đưa dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp (DN) ra lấy ý kiến cộng đồng DN. Một trong các nội dung được quan tâm lớn là việc DN ghi hay không ghi mã ngành khi khai hồ sơ đăng ký kinh doanh (ĐKKD).

Không ưng khai mã ngành

Trong thời gian góp ý cho dự thảo Luật DN 2014 (hiệu lực từ 1-7-2015), không ít ý kiến từ phía DN, luật sư cho rằng việc khai ngành nghề kinh doanh, áp mã ngành nghề rất khó khăn, khó chịu. Theo đó cần bỏ việc khai ngành nghề, áp mã ngành này đi để DN nhẹ gánh nặng thủ tục hành chính.

Luật DN 2014 vẫn quy định DN phải khai ngành nghề kinh doanh của mình. Đến dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn thì Bộ KH&ĐT đưa ra hai phương án về ghi ngành nghề. Phương án một là giữ nguyên như quy định hiện hành, DN vẫn khai đủ ngành nghề kèm với mã ngành. Phương án hai là DN chỉ phải ghi ngành nghề trong hồ sơ đăng ký DN. Cơ quan ĐKKD sẽ làm công đoạn mã hóa ngành nghề này thành con số mã ngành.

Doanh nghiệp đang xếp hàng đăng ký kinh doanh. Ảnh minh họa: AT

Nếu đọc Quyết định 10/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 337/2007 của Bộ KH&ĐT về hệ thống ngành kinh tế thì dễ dàng nhận thấy mã ngành chỉ là một cụm con số đi kèm với tên ngành nghề, có bốn con số hoặc năm con số. Nếu DN xác định được nội dung ngành kinh doanh của mình thì mã ngành nằm cách tên ngành chỉ 1 cm giấy in mà thôi! Cho nên bớt nghĩa vụ ghi mã ngành cho DN thực sự không bớt được công sức, thời gian của DN là bao!

Mấu chốt của vướng mắc mã ngành nằm ở chỗ DN không xác định được nội dung kinh doanh, tên ngành nghề. Hay một trường hợp khác là DN kinh doanh một ngành mới, lạ không có tên ngành hoặc có tên nhưng chưa được diễn giải đầy đủ trong quy định hệ thống ngành. Khó khăn, vướng mắc này cần được hỗ trợ bằng những kỹ thuật khác, ví dụ như nhân viên ĐKKD sẽ trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ, DN xin văn bản hướng dẫn từ các cơ quan quản lý... chứ không phải dùng giải pháp bỏ ghi mã ngành.

Không áp mã được thì trả hồ sơ

Một cán bộ quản lý Cục Quản lý ĐKKD (Bộ KH&ĐT) cho biết vì có nhiều luồng ý kiến về việc ghi - bỏ ghi mã ngành nên Bộ vẫn đưa ra lấy ý kiến cộng đồng. Các DN, chuyên gia đều có quyền ủng hộ hoặc phản biện và Cục, Bộ sẽ ghi nhận, cân nhắc.

Một chuyên viên ĐKKD cho rằng việc một bên (DN) khai ngành nghề còn một bên (cơ quan quản lý) áp mã có thể khiến hai thứ này không khớp nhau. Nếu DN đã khai chính xác tên ngành rồi thì việc ghi mã ngành là việc rất dễ dàng cho DN. Thực tế xử lý hồ sơ ĐKKD gần như rất hiếm trường hợp “râu ông nọ - cằm bà kia”. DN ghi chính xác tên ngành mà đưa cho nhân viên ĐKKD áp mã thì nhân viên sẽ phải rà từng ngành nghề mà DN đăng ký để xem ngành đó mã số mấy rồi áp vào. Việc áp này không sợ sai nhưng mất thời gian rà soát, nhập mã.

Nếu DN khai không chính xác tên gọi ngành nghề thì phát sinh hai vấn đề. Một là nhân viên ĐKKD không thể áp mã cho đúng, phải trả hồ sơ cho DN chỉnh sửa, bổ sung, việc này gây bất lợi lớn cho DN. Hai là DN khai một đằng nhưng nhân viên ĐKKD hiểu một cách khác, sẽ áp mã sai.

Vì những tình huống trên, chuyên viên này khẳng định việc DN không ghi mã ngành sẽ gây bất lợi hơn cho DN chứ không tiết giảm được thủ tục.

Nên giao việc khai ngành, áp mã cho... máy tính!

Cán bộ quản lý Cục Quản lý ĐKKD cho biết hệ thống ngành của ta được dịch từ hệ thống ngành của thế giới, cũng tên và mã tương ứng. Ở các nước khác, DN không than mệt với việc khai ngành, áp mã vì họ khai hồ sơ chủ yếu trên hệ thống. Hệ thống có hỗ trợ bằng kỹ thuật liệt kê các ngành nghề và DN đánh dấu vào ô ngành nghề mà họ muốn kinh doanh. Kỹ thuật này hiện đang được áp dụng tại Việt Nam nhưng chỉ áp dụng với hồ sơ đăng ký DN qua Internet, còn hồ sơ giấy thì DN vẫn phải tự đọc Quyết định 10/2007, Quyết định 337/2007 để “nhấc” từng tên, từng mã ra điền vào tờ khai của mình. Nếu in sẵn danh sách ngành cho DN đánh dấu thì không phù hợp, không hiệu quả, tốn kém giấy tờ... vì nội dung dài. Trong tương lai sẽ tính toán kỹ thuật sao cho DN, nhân viên ĐKKD không mất công mất sức khai ngành, mã ngành. Giao cho... máy tính làm hết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm